Góp ý của Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Hoà – Đắk Nông

Thứ Năm 11:38 10-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Nghiên cứu Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách về dự án Luật thuế bảo vệ môi trường. Tôi thấy việc ban hành luật là cần thiết đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước về môi trường trước những thách thức về sự ô nhiễm môi trường đang đe dọa cuộc sống sinh hoạt của người dân và mục tiêu phát triển bền vững của đất nước. Cũng như nhiều đại biểu khi tiếp cận dự án luật chúng tôi đặt ra câu hỏi đối tượng chịu thuế đã phản ánh được các loại sản phẩm hàng hóa đang sử dụng gây tác động xấu đến môi trường hay chưa, tính hợp lý trong việc xác định đối tượng chịu thuế, điểm khung thuế trong dự thảo như thế nào. Sự phù hợp về thời điểm Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực và có nên quy định việc phân chia nguồn thu trong luật hay không. Trước hết tôi cho rằng 5 nhóm hàng hóa được dự thảo đưa vào đối tượng chịu thuế chưa bao quát được nhiều sản phẩm gây hại cho môi trường như ý kiến của nhiều đại biểu.

Tôi ví dụ một số mặt hàng như thuốc lá mà nhiều đại biểu đã phân tích. Theo tôi với mức độ ảnh hưởng xấu đến môi trường của mặt hàng này cùng với yêu cầu đặt ra là khi xây dựng Luật thuế bảo vệ môi trường nhằm nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, góp phần thay đổi hành vi nhận thức của người tiêu dùng, rất cần phải nghiên cứu để đưa đối tượng này vào đối tượng điều chỉnh của dự án luật.

Một nhóm hàng hóa khác cũng gây tác hại xấu đến môi trường đó là phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ được sử dụng nhiều trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Nếu sử dụng không đúng quy định sẽ gây đột biến gien, dị dạng, ung thư đối với con người, gây ô nhiễm nguồn nước, đất và không khí. Mặc dù mỗi loại có tính chất hóa lý khác nhau, cơ chế gây độc khác nhau nhưng ít nhiều đều có tác hại đối với con người, đối với tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Nhiều nước đã cấm sử dụng các nhóm hóa chất có độ độc hại cao. Ở Việt Nam do phân bón hóa học có tính chất quyết định từ 40 - 50% mức tăng sản lượng cây trồng hàng năm và liên quan đến sản xuất, đời sống của trên 60% cư dân nông nghiệp nên cần xem xét, cân nhắc.

Theo tôi, một sắc thuế ban hành phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, công bằng và bình đẳng. Những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường đều phải chịu thuế. Căn cứ đặc điểm, tình hình kinh tế xã hội của từng giai đoạn, từng đối tượng, nhà nước có thể có những chính sách hỗ trợ khác hoặc quy định mức thuế, lộ trình phù hợp với sức dân, với sự phát triển của nền kinh tế.

Từ thực tế đó tôi cho rằng cần xem xét và đưa vào danh mục đối tượng chịu thuế có cơ sở khoa học của việc đưa hoặc không đưa loại hàng hóa, sản phẩm vào đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để Quốc hội tiếp tục xem xét.

Thứ hai, việc xác định đối tượng chịu thuế, biểu khung thuế trong dự thảo luật đã hợp lý hay chưa. Xin được nêu một số tiêu chí để so sánh: Nếu lấy tiêu chí mức độ ô nhiễm môi trường làm chuẩn mức để so sánh thì thấy rằng trong khi tỷ lệ phát thải khí CO2, tác nhân gây hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu trái đất của than đá nhiều hơn 30% so với dầu thì xăng dầu phải chịu thuế môi trường khoảng 2% giá bán hiện hành và than chịu thuế khoảng 1 - 5% giá bán. Trong khi xăng gây ô nhiễm môi trường ít hơn dầu thì xăng phải chịu thuế từ 1.000 - 4.000 đồng/lít trong khi dầu chỉ chịu thuế từ 200 - 500 đồng/lít. Nếu lấy mức độ tác động của dự án luật đến các nhóm dân cư, đến các tổ chức cá nhân làm tiêu chí để xem xét thấy xăng dầu là mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống sinh hoạt của mọi tổ chức cá nhân, của doanh nghiệp, đối với nông dân vùng Tây Nguyên hay ngư dân đánh bắt cá xa bờ, thì xăng dầu là nguyên liệu chính cho nghề cá, cho sản xuất cà phê và cho đời sống của họ. Nếu đánh thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu thì đánh thuế vào đại bộ phận nhân dân phải chi trả, chưa kể xăng dầu đã phải gánh chịu đến 40% các loại thuế và phí khác.

Dự thảo đã đưa xăng, dầu vào đối tượng chịu thuế, trong khi phân bón hóa học lại không được đưa vào đối tượng chịu thuế vì e ngại rằng tăng chi phí sản xuất và gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân. Rõ ràng, tính công bằng, tính hợp lý cần được thể hiện một cách thuyết phục hơn trong các quy định về đối tượng chịu thuế và biểu thuế suất.

Vấn đề thứ ba, về phân chia nguồn thu trong Điều 12, trong khi Luật ngân sách chưa sửa đổi, việc phân, chia quy định các nguồn thu trong luật là cần thiết. Đề nghị luật phải quy định nguồn thu của thuế bảo vệ môi trường chỉ để phục vụ sự nghiệp bảo vệ môi trường. Nguồn thu này chủ yếu nên để lại các địa phương để chủ động giải quyết những vấn đề liên quan đến sự nghiệp bảo vệ môi trường, quy định cụ thể tỷ lệ phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách vào trong luật với mức địa phương từ 70 - 80% là hợp lý.

Vấn đề cuối cùng, về thời điểm Luật thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực, dự thảo luật quy định 01/01/2012, nghĩa là một năm khi được Quốc hội thông qua sau 18 tháng khi thi hành Luật thuế tài nguyên. Luật thuế tài nguyên có hiệu lực từ ngày 01/07/2010 quy định một số đối tượng như xăng, dầu, than chịu thuế, nếu tính đến thời điểm Luật Thuế môi trường có hiệu lực chỉ còn khoảng 18 tháng, đây là khoảng thời gian ngắn, chưa đủ để xem xét đánh giá rút kinh nghiệm và chuẩn bị thực thi Luật thuế bảo vệ môi trường, hơn nữa một số sản phẩm của chúng ta chưa kiểm soát được hoạt động sản xuất và tiêu thụ. Chính vì vậy việc áp dụng thuế suất là khó khăn, chúng ta chưa có nhiều biện pháp để thúc đẩy sản xuất tiêu dùng các sản phẩm thân thiện với môi trường, thay thế các sản phẩm ô nhiễm môi trường hiện nay, đặc biệt tình trạng lạm phát của nền kinh tế, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, việc áp dụng Luật thuế môi trường sẽ làm tăng chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, ảnh hưởng đến cuộc sống sản xuất và sinh hoạt của người dân. Cho nên tôi đề nghị cần quy định lộ trình thực hiện và xem lại thời điểm có hiệu lực của luật sau khi luật ban hành khoảng từ 2 năm để luật có tính khả thi cao. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan