Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mỹ Hương – TP Đà Nẵng

Thứ Năm 11:39 10-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin góp ý một số nội dung vào dự thảo luật như sau:

Thứ nhất là đối với tên gọi của dự thảo luật thì tôi đề nghị là lấy tên Luật thuế môi trường, bởi vì tên gọi Luật thuế môi trường cũng rất ngắn gọn mà phù hợp với thông lệ quốc tế gọi tên đối với loại luật này hiện nay trên thế giới.

Thứ hai, tôi cũng phải thừa nhận rằng việc xây dựng Luật thuế môi trường là một luật rất khó bởi 2 lý do.

Một là chúng ta phải đánh giá được tất cả, đánh giá một cách chính xác các ngoại tác tiêu cực.

Hai là phải hạn chế đảm bảo giảm thiểu được những hiệu quả không mong muốn. Chính vì vậy mà tôi cho rằng khi đưa ra xây dựng dự thảo luật này thì chúng ta cũng phải hết sức thận trọng. Do đó, tôi đề nghị Ban Soạn thảo sau phiên thảo luận này cũng cần giao cho một cơ quan chuyên ngành nhưng sâu hơn, có những phân tích, đánh giá và từ đó cung cấp cho đại biểu cũng như cung cấp thêm cơ sở khoa học cho dự án này. Hiện nay để điều chỉnh thuế môi trường thì chúng ta có 3 công cụ. Thứ nhất là mệnh lệnh kiểm soát.

Thứ hai là công tác tuyên truyền giáo dục.

Thứ ba là công cụ kinh tế thì như đại biểu Phương Lan - Đoàn Quảng Ngãi cũng đã phân tích công cụ thuế này chỉ là một trong 3 công cụ mà với dự thảo luật thì tôi thấy rằng hiện nay chúng ta chỉ cung cấp cho đại biểu tất cả những thông tin liên quan đến công cụ kinh tế. Như vậy có nghĩa rằng khi chúng ta xây dựng luật này là chúng ta đang đặt Luật thuế này bên ngoài các chính sách môi trường mà chúng ta đang thực hiện và điều đó lại rất khó cho đại biểu trong việc có những thông tin đầy đủ hơn, toàn diện hơn về chính sách môi trường của Nhà nước. Do đó tôi đề nghị Ban soạn thảo cần phải cung cấp một cách hệ thống toàn bộ các chính sách môi trường mà trong đó phân tích rõ mối liên hệ giữa các công cụ hiện nay để có một đánh giá thiết thực hơn. Tương tự như các đại biểu trước đã phát biểu, đại biểu Y Ngọc cũng đã nói, tôi thấy rằng yếu tố thuế phần nào đó còn nặng hơn yếu tố môi trường.

Thứ ba, tôi tán thành với mục tiêu xây dựng dự thảo luật, đặc biệt trong báo cáo tác động cũng nêu rất rõ và thuyết phục các kết quả dự kiến đạt được. Tuy nhiên, rất tiếc với 5 nhóm đối tượng chịu thuế tôi cho rằng mục tiêu đó rất khó đạt. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần điều chỉnh cân đối để giảm khoảng cách giữa mục tiêu đặt ra và nội dung, đối tượng, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật bởi vì hiện nay khoảng cách đó rất lớn, mục tiêu đặt ra thì nhiều nhưng thực tế khả năng tác động của dự thảo luật này không cao.

Về nội dung cụ thể tôi xin góp ý vào các đối tượng chịu thuế.

Thứ nhất, đối với đối tượng là năng lượng, nhiên liệu, tôi có hai ý.

Một là hiện nay mức thuế của chúng ta đối với các loại nhiên liệu đang được xây dựng không căn cứ vào hàm lượng cacbon hay hàm lượng lưu huỳnh, tức là không căn cứ vào mức độ ô nhiễm khác nhau của từng loại nhiên liệu. Điều này cho thấy khi luật này đưa ra là nó chỉ có một tác dụng đó là giảm hay khuyến khích các doanh nghiệp, cá nhân giảm mức tiêu thụ nhiên liệu mà không điều chỉnh hành vi lựa chọn loại nhiên liệu nào tốt hơn với môi trường. Theo tôi chúng ta cần phải có sự cân nhắc tốt hơn, kỹ lưỡng hơn về hàm lượng cacbon cũng như hàm lượng lưu huỳnh, cũng như chất thải độc hại khác trong từng loại nhiên liệu, bởi vì chúng ta đang có một mong muốn đặt ra đó là điều chỉnh hành vi cũng như tuyên truyền nhận thức đối với nhà sản xuất và người tiêu dùng.

Hai là đối với phương tiện giao thông, hiện nay đối tượng này chưa được đề cập trong dự thảo luật. Thực tế các nước Châu Âu hiện nay người ta đang áp dụng thuế môi trường đối với phương tiện giao thông. Chúng ta thấy đặc biệt ở Việt Nam, các đô thị lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay mức độ ô nhiễm rất cao và trong khoảng 5 năm gần đây thì mức độ ô nhiễm tốc độ tăng lên rất nhanh và các chuyên gia cũng cho rằng 70% mức độ ô nhiễm tại các khu đô thị là do phương tiện giao thông, hiện nay chúng ta mới sử dụng một công cụ duy nhất đó là mới điều chỉnh thông qua nhiên liệu mà chưa điều chỉnh thông qua loại phương tiện sử dụng. Trong khi đó Báo cáo tác động của Ban soạn thảo cũng đã phân tích các yếu tố ngoại ứng và cho rằng thuế môi trường sẽ giúp thực hiện nguyên tắc người gây ô nhiễm trả, đối với phương tiện giao thông thì có rất nhiều ngoại tác tiêu cực. Ví dụ tiếng ồn, ô nhiễm không khí, tác hại lưu huỳnh gây biến đổi khí hậu và tắc nghẽn giao thông. Tôi thấy rất tiếc khi chúng ta xây dựng một dự án Luật công phu như vậy mà chúng ta lại bỏ qua công cụ này để điều chỉnh hành vi của nhà sản xuất cũng như người tiêu dùng đặc biệt trong khoảng 3 năm gần đây thì mức độ tiêu thụ và sử dụng xe ô tô cá nhân tăng lên rất cao. Tôi cũng mong muốn qua dự thảo Luật này thì Ban soạn thảo cân nhắc việc đưa công cụ thuế để điều chỉnh hành vi của người tiêu dùng và những người sử dụng mua ô tô cá nhân để họ sẽ lựa chọn những phương tiện thân thiện với môi trường hơn.

Cuối cùng đối với rác thải rắn và nước thải thì cũng có nhiều đại biểu phát biểu, tôi đặc biệt tán thành với ý kiến của đại biểu Xuyên ở đoàn Bạc Liêu, đại biểu Phương Lan ở đoàn Quảng Ngãi và tôi bổ sung thêm một số phân tích. Thứ nhất là vấn đề ô nhiễm do rác thải và nước thải nó là một vấn đề bức xúc như chúng ta đều biết, đặc biệt nó rộ lên và nhìn thấy nhiều hơn trong những năm gần đây. Lý do theo tôi nghĩ: Một là do chế tài của chúng ta chưa đủ mạnh. Thứ hai là chúng ta đang thu phí môi trường như vậy thì tính pháp lý cũng thấp hơn và mức phí của chúng ta hiện nay cũng chưa đủ để điều chỉnh hành vi của nhà sản xuất. Do vậy, tôi cũng đồng ý với đại biểu Xuyên, đại biểu Lan là nên chuyển, từ phí sang loại hình là thuế môi trường vì một số lý do như sau:

Thứ nhất, thuế môi trường thu qua khung thuế nên giảm khả năng thất thu thuế hơn.

Thứ hai, hiện nay thu phí môi trường dựa trên tiêu chuẩn xả thải sẵn có, chính vì tạo cơ sở thương lượng giữa bên thu phí và bên xả thải. Vấn đề này tôi nghĩ chúng ta đều biết rất rõ, nó dẫn đến tiêu cực như thế nào trong vấn đề xả thải ra môi trường.

Vì nó dựa trên tiêu chuẩn đã được xác lập trước nên khi thu phí chúng ta không có khả năng khuyến khích được các doanh nghiệp giảm mức phát thải ra môi trường, không có khả năng khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng công nghệ tốt hơn để giảm lượng phát thải. Nếu thu thuế qua môi trường giúp giảm các chất thải phụ kèm theo. Xin hết.

Các văn bản liên quan