Góp ý của Đại biểu Quốc hội Võ Thị Thuý Loan – Tiền Giang
Kính thưa Quốc hội,
Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự, tôi xin phép tham gia một số vấn đề như sau:
Thứ nhất, tôi tán thành với dự thảo luật về việc bổ sung nguyên tắc bảo đảm quyền tranh luận, nhưng chỉ bổ sung như thế là chưa đủ, nên thiết kế lại những quyền, nghĩa vụ chứng minh của đương sự cũng như thủ tục tranh luận tại phiên tòa theo hướng cần tăng cường tranh luận dân chủ tại phiên tòa. Bản chất của việc kiện là sự tranh tụng, bản thân Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành cũng có những quy định về sự tranh tụng. Theo tôi cách thiết kế xây dựng những điều luật về sự tranh tụng chưa thực sự hợp lý, ở đây không có thời gian, tôi không viện chứng những điều luật trong Bộ luật tố tụng hiện hành vì chúng ta xem xét việc xét hỏi của Hội đồng xét xử là trọng tâm của phiên tòa, không xác định rõ ràng ranh giới giữa việc xét hỏi và tranh luận, điều này đã làm mất đi ý nghĩa thực sự của sự tranh tụng.
Qua thực tế xét xử cũng cho thấy thủ tục tranh luận tại phiên tòa dân sự thường là một thủ tục buồn tẻ, thậm chí chỉ là hình thức. Do đó với cách quy định của thủ tục hỏi và tranh luận như hiện nay có thể không có gì quá đáng khi cho rằng thực chất của việc tranh luận chỉ là việc các đương sự nói lời cuối cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án. Điều này không đúng với tinh thần của việc tranh luận, nếu không có tranh luận thì không thể có phán quyết của Tòa án.
Thứ hai, về phát biểu của kiểm soát viên và phạm vi tham gia của Viện kiểm sát, việc quy định kiểm soát viên phát biểu trong cuộc tranh luận tại Điều 234 của Bộ luật tố tụng dân sự, điều này có nghĩa Viện kiểm sát cũng là một chủ thể của việc tranh luận. Vậy việc Viện kiểm sát tranh luận với ai, tranh luận về vấn đề gì trong vụ án dân sự, trong đó chỉ có quyền và lợi ích mang tính cá nhân. Hơn nữa về trình tự phát biểu khi tranh luận tại phiên tòa của kiểm sát viên hiện nay thì Bộ luật tố tụng dân sự hiện hành, kể cả dự thảo luật sửa đổi này cũng vẫn còn quy định là sau khi những người tham gia tố tụng phát biểu tranh luận và đối đáp xong, Chủ tọa phiên tòa đề nghị kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án. Thử hỏi còn ai được tranh luận với đại diện Viện kiểm sát? Tôi thiết nghĩ việc tồn tại một điều luật quy định về phát biểu của kiểm sát viên như thế là chưa phù hợp với việc tranh luận tại phiên tòa dân sự.
Thực ra việc quy định về vai trò của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự nói chung cũng như phiên tòa dân sự nói riêng mang tính lịch sử. Thời điểm khi soạn thảo và ban hành Bộ luật tố tụng dân sự thì Quốc hội Khóa XI bàn rất kỹ và đã giải quyết vấn đề mang tính lịch sử này trên cơ sở tôn trọng quyền định đoạt của đương sự với những tự do cá nhân, nên sự tham gia của Viện kiểm sát là không thực sự cần thiết. Theo đó phạm vi của Viện kiểm sát trong tố tụng dân sự đã giảm nhiều so với trước khi có Bộ luật tố tụng dân sự. Tôi cho rằng điều này hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 49 về cải cách tư pháp. Nghị quyết định hướng Viện kiểm sát chỉ còn là viện công tố tập trung vào chức năng buộc tội trong các vụ án hình sự. Hơn nữa bản chất của việc dân sự là cốt ở đôi bên và Tòa án chỉ như trung gian hòa giải, nay xuất hiện thêm Viện kiểm sát với việc xét hỏi, nhận định cả vào nội dung vụ án thì chắc chắn sẽ có bên thiệt thòi, bên hưởng lợi từ ý kiến của kiểm sát viên và điều này sẽ ảnh hưởng đến phán quyết của Tòa án. Chính vì lẽ đó mà Quốc hội Khóa XI đã đặt trong bối cảnh chung của Bộ luật tố tụng dân sự là giảm dần sự tham gia tố tụng dân sự của Viện kiểm sát. Nhưng bây giờ dự thảo luật sửa đổi đã đảo ngược lại vấn đề tham gia tất cả các vụ án trong bối cảnh không có gì là mới. Việc làm này gây nhiều thắc mắc và cũng có ý kiến băn khoăn là phải chăng đây là một bước thụt lùi hay ở đây có sự thỏa hiệp nào khác. Để lý giải vấn đề này thì tôi cũng đã xem báo cáo, có nhiều báo cáo đánh giá tác động cũng như tổng kết thi hành Bộ luật Tố tụng dân sự và tôi cũng có cảm nhận trong ngành Tòa án cũng chưa có sự thống nhất về việc sửa đổi quy định này.
Do đó, lý do để đưa ra sửa đổi là vì có ý kiến cho rằng việc hạn chế tham gia phiên tòa của Viện kiểm sát là một trong những nguyên nhân dẫn đến một số vụ án dân sự giải quyết thiếu khách quan, không bảo vệ kịp thời tài sản của Nhà nước, của công dân. Tôi nghĩ đánh giá này chưa đủ sức thuyết phục để tiến tới việc sửa đổi quy định này trong Bộ luật Tố tụng dân sự, trừ khi nếu chứng minh được rõ ràng bằng con số cụ thể là có bao nhiêu vụ án dân sự do không có sự tham gia của Viện kiểm sát nên dẫn đến việc Tòa án xét xử thiếu khách quan.
Ngoài ra, còn những nguyên nhân khác làm cho Tòa án xét xử thiếu khách quan là gì? Cơ quan soạn thảo cũng chưa đề cập để nhằm khắc phục triệt để những bất cập cũng như làm giảm bớt sự ấm ức của người dân khi bị xét xử oan sai. Có như thế mới đủ thông tin và đủ cơ sở để đề nghị Quốc hội sửa đổi, thậm chí chúng ta có nên đặt vấn đề là khôi phục lại chức năng giám sát chung cho Viện kiểm sát hay không? Nếu theo lập luận của lý do này như vậy. Để bảo vệ quyền lợi tài sản của nhà nước cũng như công dân trên tất cả các lĩnh vực của xã hội, riêng bản thân tôi thiết nghĩ không nhất thiết Viện kiểm sát phải tham gia tất cả việc dân sự, chẳng hạn như việc quy định kiểm soát viên bắt buộc tham gia phiên họp giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn để phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết việc dân sự là không thật sự cần thiết và gây nhiều thắc mắc bởi nó vi phạm đến những quyết định riêng tư mang tính cá nhân của vợ chồng. Qua thực tiễn cho thấy quy định này làm cho thủ tục giải quyết thuận tình ly hôn hiện nay trở lên phức tạp và nhiều rối rắm. Cần lưu ý rằng trước khi có Bộ luật tố tụng dân sự thì Viện kiểm sát có quyền tham gia tố tụng đối với các vụ án dân sự, thậm chí Viện kiểm sát có thể khởi tố một số vụ án dân sự nhưng ngay tại thời điểm đó cũng đã không quy định Viện kiểm sát tham gia tố tụng đối với vụ thuận tình ly hôn và khi đó thủ tục thuận tình ly hôn được giải quyết hết sức đơn giản, gọn gàng, nhanh chóng chứ không như hiện nay.
Tôi thiết nghĩ nên cân nhắc hạn chế sự tham gia của Viện kiểm sát trong các phiên họp giải quyết việc dân sự nói chung cũng như đối với việc giải quyết yêu cầu thuận tình ly hôn nói riêng.
Thứ tư, tôi đề nghị bổ sung vào Bộ luật tố tụng dân sự quy định tòa án có thẩm quyền hòa giải đối với yêu cầu thuận tình ly hôn. Tôi nghĩ đó là việc tòa án cần phải làm và xuất phát từ sự cần thiết hòa giải của những việc thuận tình ly hôn đã được kiểm nghiệm trong thực tế và đã được ghi nhận trong Luật Hôn nhân và Gia đình thì hợp lý nhất là Tòa án vẫn có thể tiến hành hòa giải đối với yêu cầu thuận tình ly hôn. Xin cám ơn.