Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hà Công Long – Gia Lai
Kính thưa Chủ tọa phiên họp,
Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,
Về dự án luật này tôi xin phát biểu một số vấn đề theo gợi ý như sau:
Thứ nhất, về vị trí, vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng dân sự. Tôi nhất trí cao, tán thành với việc sửa đổi Điều 21 của Bộ luật tố tụng dân sự theo hướng Viện kiểm sát nhân dân sẽ tham gia 100% các vụ án dân sự. Tôi cũng hy vọng với sự sửa đổi này thì Viện kiểm sát sẽ thực hiện tốt chức năng kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp. Bởi vì trước đây, từ khi thành lập Viện kiểm sát cho đến năm 2005 Viện kiểm sát nhân dân trong Tố tụng dân sự chỉ tham gia nếu xét thấy cần thiết, còn theo Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì tham gia đối với những vụ án mà đương sự có khiếu nại và Tòa án thu thập chứng cứ. Như vậy, suốt trong một quá trình cũng thể hiện là Viện kiểm sát tham gia có mức độ, nói là thấy cần thì tham gia và không thấy cần thì thôi, nay tôi thấy rằng với thiết kế của sửa đổi này thì sẽ tham gia 100%. Nhưng tuy nhiên, để làm rõ những vấn đề này thì tôi cũng xin phát biểu một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau:
Theo văn bản 2532 ngày 24/8/2010 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gửi Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, báo cáo với các đại biểu là văn bản này không đóng trong tập tài liệu gửi cho đại biểu Quốc hội. Tôi thấy quan điểm của Viện kiểm sát là đề nghị khôi phục lại những thẩm quyền của Viện kiểm sát trước khi ban hành Bộ Luật tố tụng dân sự năm 2004, cũng có nghĩa là theo Pháp lệnh năm 1989. Mà theo Pháp lệnh năm 1989 thì như tôi đã nói ở trên, tức là chỉ tham gia nếu xét thấy cần thiết. Theo tôi cần phải rõ ràng ở trong luật này như tôi đã phát biểu và đề nghị Viện kiểm sát có trách nhiệm tham gia, kiểm sát 100% các vụ án, vụ việc dân sự. Đấy là ý thứ nhất.
Ý thứ hai là về phát biểu của Viện kiểm sát. Theo suy nghĩ của tôi, việc tham gia của Viện kiểm sát nhằm đảm bảo việc xét xử được kịp thời và đúng pháp luật theo đúng tinh thần ghi trong luật, đường nhiên trong quá trình tham gia từ khi thụ lý vụ án cho đến phiên tòa sơ thẩm Viện kiểm sát phải thể hiện quan điểm của mình trên cơ sở nghiên cứu đơn của đương sự, phát biểu của đương sự để đối chiếu với các quy định của Bộ Luật dân sự cũng như các văn bản pháp luật khác, để xem xét đánh giá phát biểu đó có đúng với pháp luật không và trước khi Hội đồng xét xử nghị án, kiểm sát viên phát biểu thì đương nhiên phải phát biểu những nội dung này, còn nếu chỉ phát biểu về việc tuân theo pháp luật tố tụng, tôi nghĩ rằng không đảm bảo được yêu cầu đảm bảo vụ án xét xử đúng pháp luật. Tôi cho rằng sự phát biểu, đánh giá đó của kiểm sát viên càng làm tăng thêm tính khách quan để Hội đồng xét xử nghiên cứu, cân nhắc, xem xét, quyết định. Vì vậy tôi tán thành với Điều 234 như hiện hành, ý kiến này nó khác với một số ý kiến cho rằng là Viện kiểm sát nhân dân không phát biểu về quan điểm giải quyết vụ án. Tôi cho rằng đây không phải là quan điểm giải quyết vụ án mà quan điểm của Viện kiểm sát về những vấn đề mà trong quá trình Viện kiểm sát đã tham gia từ giai đoạn đầu đến giai đoạn thứ hai thấy nó như thế nào, có đúng pháp luật không? đấy là vấn đề thứ nhất.
Vấn đề thứ hai, tôi đề nghị hôm qua chúng ta đã biểu quyết thông qua Bộ luật tố tụng hành chính, thì những thủ tục đặc biệt về vấn đề xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án tối cao chúng ta đã biểu quyết. Nhưng trong Bộ luật dân sự tôi đề nghị Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cân nhắc thật kỹ Điều 288 đó là thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm đối với những vụ án vụ việc dân sự mà đương sự gửi đơn trong hạn 2 năm, nhưng sau 2 năm rồi nếu người có thẩm quyền kháng nghị phát hiện vi phạm thì vẫn có thẩm quyền kháng nghị và không phụ thuộc vào thời hạn ở Khoản 1 tức là 3 năm, vậy vấn đề này sẽ ra sao? Bởi vì không có thời hạn mà trong khi đó chúng ta đang qui định có những điều phải có thời hạn, đây là một điều tôi đề nghị qui định này rất có lợi để đảm bảo việc sửa sai, nhưng phải tính đến một thực tế khiếu kiện dai dẳng, kéo dài hiện nay dựa vào những quy định không có thời hạn này. Tôi cũng thấy băn khoăn, lo lắng ở chỗ nếu chúng ta quy định như vậy thì nhiều khi vụ án đã được thi hành án xong tất cả rồi mới phát hiện ra sai. Chi bằng tất cả làm thế nào để nâng cao chất lượng để trong thời hạn 3 năm các cơ quan tố tụng phải có quan điểm kháng nghị hay không kháng nghị về vấn đề này.
Tôi xin trở lại một vấn đề liên quan đến bổ sung hai thẩm quyền của tòa án.
Thứ nhất là có thẩm quyền đối với những quyết định phát hiện có sai lầm ở Điều 221đ bổ sung. Tôi đề nghị cần nghiên cứu cân nhắc, quy định trước đây khi chúng ta chưa có tố tụng hành chính nay có rồi.
Thứ hai là quyền khởi tố của Viện kiểm sát quân sự, trong dự thảo thì không có nhưng trong văn bản của viện kiểm sát đề nghị khôi phục. Tôi đề nghị là không, bởi vì quyền khởi tố gắn liền với chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, nay viện kiểm sát không thực hiện nữa thì cũng thôi không thực hiện nội dung về khởi tố nữa. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.