Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Phương Hoa – Nam Định

Thứ Sáu 09:23 26-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Việc xét xử án dân sự những năm gần đây có diễn biến phức tạp, số lượng án kháng nghị bị cải sửa hoặc hủy ngày càng tăng, số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm ngày càng nhiều, trong đó số đơn khiếu nại về án dân sự chiếm hơn 60% tổng số đơn khiếu nại về các bản án, quyết định của tòa án. Số đơn kháng nghị án dân sự được chấp nhận cũng ngày càng tăng. Chỉ tính riêng năm 2010 đã có tới 1140 vụ án được xem xét, giải quyết theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm, trong đó có 1094 vụ bị hủy bản án, quyết định.

Theo tôi ngoài nguyên nhân chủ quan còn có nguyên nhân khách quan là do một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2003 chưa phù hợp với thực tế, ví dụ nghĩa vụ chứng minh và xuất trình chứng cứ của đương sự được hạn chế quyền tham gia phiên tòa của kiểm sát viên.

Qua nghiên cứu dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự tôi nhất trí cao với những nội dung sửa đổi, bổ sung lần này. Đề nghị bổ sung và làm rõ thêm một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về nghĩa vụ chứng minh và xuất trình chứng cứ. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2005 quy định nghĩa vụ chứng minh và xuất trình chứng cứ thuộc các bên đương sự, theo tôi điều đó chỉ phù hợp với các nước phát triển, đối với nước ta quy định đó chưa phù hợp bởi vì dân trí của chúng ta chưa cao, hiểu biết về luật pháp càng hạn chế, một bộ phận không nhỏ coi thường luật pháp, không hợp tác với các cơ quan xét xử, không tham gia quá trình xét xử. Họ không biết rằng việc họ không hợp tác với Tòa án chính là tự tước đi của mình quyền tự bảo vệ quyền lợi của mình. Chỉ khi bản án có hiệu lực cơ quan thi hành án đến thi hành họ mới nghĩ tới việc phải bảo vệ quyền lợi cho mình thì đã muộn, chỉ còn trông chờ vào thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.

Vẫn biết rằng việc dân sự là việc của các bên đương sự nhưng với trình độ hiểu biết pháp luật như vậy, nếu muốn đảm bảo chất lượng xét xử án dân sự trước mắt vẫn phải trông chờ vào chính các cơ quan xét xử. Nghĩa là trách nhiệm xác minh chứng cứ vẫn phải giao cho tòa án tiến hành, chờ đến khi nào chúng ta thành một nước phát triển sẽ tính sau.

Một vấn đề nữa là đại đa số người dân còn có thói quen mua bán trao tay, kể cả những tài sản có giá trị cao như nhà đất, xe cộ và thanh toán bằng tiền mặt nên việc quản lý thu nhập, tài sản hết sức khó khăn, do đó việc xác minh chứng cứ là rất khó nếu không muốn nói là quá khó đối với người dân. Ngay cả đối với cơ quan pháp luật nếu cứ xét xử theo chứng cứ mà đương sự cung cấp thì sẽ không đảm bảo khách quan vì mạnh ai nấy lo, người nào đi thu thập được nhiều chứng cứ có lợi hơn thì thắng lợi. Bên cạnh đó Bộ luật tố tụng dân sự cũng không quy định việc xuất trình chứng cứ của các bên đương sự được thực hiện khi nào nên bất cứ thời điểm nào đương sự cũng có thể xuất trình chứng cứ. Một số người đã lợi dụng quy định này để kéo dài thời gian xét xử, cấp sơ thẩm xuất trình một ít chứng cứ nếu thấy kết quả chưa có lợi, đến cấp phúc thẩm lại xuất trình một ít nữa, vẫn chưa thỏa mãn thì tiếp tục làm đơn xin giám đốc thẩm với lý do có chứng cứ, tình tiết mới và như thế là góp phần làm cho vòng xét xử thêm luẩn quẩn. Tôi đề nghị dự thảo luật cần phải sửa đổi triệt để hơn theo hướng khuyến khích các bên đương sự thu thập, xuất trình chứng cứ như trách nhiệm chính trong việc thu thập chứng cứ là của cơ quan xét xử, đồng thời các bên có nghĩa vụ xuất trình toàn bộ chứng cứ ngay trong giai đoạn xét xử sơ thẩm.

Thứ hai, về thủ tục xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Thời gian qua có rất nhiều vụ án có số lần xét xử kỷ lục, ta có thể thấy chu kỳ chung của các bản án được xét xử nhiều lần là sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm rồi lại sơ thẩm, phúc thẩm và giám đốc thẩm và chưa biết đâu là điểm dừng. Rõ ràng chức năng giám đốc thẩm, tái thẩm ở Tòa án nhân dân tối cao được thực hiện không chỉ có một lần mà có thể hai lần, ba lần hoặc hơn thế. Việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều lần sẽ phá vỡ nguyên tắc hai cấp xét xử, làm mất đi ý nghĩa của thủ tục xét xử, đặc biệt là giám đốc thẩm, tái thẩm và hệ quả của nó là người dân và cơ quan thi hành án dân sự phải lãnh đủ. Theo tôi việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm cũng cần phải có điểm dừng chứ không thể để có tình trạng một cấp tòa án có thể xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm nhiều lần như hiện nay. Do đó cần phải bổ sung qui định về số lần được xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm của mỗi cấp. Có như vậy thì việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm mới trở về đúng với ý nghĩa của nó là một thủ tục xét xử đặc biệt chứ không thể coi như là một cấp xét xử như nhận thức của nhiều người hiện nay.

Về việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Thực tế thời gian qua có một số quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bị phát hiện có sai sót qua giám sát của Ủy ban tư pháp, Ủy ban pháp luật của Quốc hội, nhưng chưa có cơ chế xem xét lại nên không thể sửa chữa được sai lầm và càng không thể thi hành án được. Tuy nhiên kinh nghiệm từ việc xem xét theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm trong thời gian qua yêu cầu chúng ta phải hết sức thận trọng trong việc cho ra đời một thủ tục xem xét lại hay còn gọi là thủ tục đặc biệt. Nếu qui định như Điều 295a, 295b của dự thảo luật thì điều kiện lại quá đơn giản, thậm chí còn đơn giản hơn là thủ tục xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm. Vì để được xem xét lại theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm thì phải có quyết định kháng nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Còn xem xét lại theo trình tự rất đặc biệt này lại chỉ cần có kiến nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là không thể chấp nhận được. Do đó tôi đề nghị, nếu bổ sung thêm một cơ chế xem xét lại quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Toàn án nhân dân tối cao thì phải đáp ứng được 2 điều kiện, trong đó điều kiện cần làm theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vì bản án được giám sát bởi các Ủy ban của Quốc hội. Điều kiện đủ là phải có ít nhất 2/3 thành viên Hội đồng thẩm phán đồng ý thì quyết định đó mới được xem xét lại.

Thứ ba, về việc định giá tài sản. Những năm gần đây, kinh tế nước ta ngày càng phát triển, việc tranh chấp dân sự có thể xảy ra trong rất nhiều lĩnh vực. Nếu không có cơ quan chuyên sâu rất khó có thể định giá đầy đủ và khách quan các tài sản tranh chấp. Ví dụ như một dây chuyền sản xuất tranh chấp bản quyền về hợp đồng kinh tế, v.v... Tôi đề nghị nên giao việc định giá cho các cơ quan thẩm định giá. Một mặt vừa đáp ứng được chuyên môn, mặt khác lại xã hội hóa được một phần công việc để giảm tải cho các cơ quan xét xử. Trong trường hợp không ký được hợp đồng với cơ quan thẩm định giá thì mới giao cho tòa án thành lập Hội đồng định giá. Chủ tịch Hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính chứ không phải là thẩm phán. Vì thẩm phán là người tiến hành tố tụng, những người tham gia định giá là người tham gia tố tụng và đương nhiên thẩm phán không thể vừa là người tiến hành tố tụng vừa là người tham gia tố tụng được.

Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan