Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Đào – TP Hà Nội

Thứ Hai 09:59 01-11-2010

Kính thưa Đoàn chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phát biểu một số ý kiến như sau:

Trước hết, tôi hoàn toàn đồng tình và tán thành với chủ trương thông qua Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và đánh giá rất cao nỗ lực của bộ chủ quản, Ban soạn thảo. Tuy nhiên, tôi còn có một số vấn đề muốn được rõ thêm và cũng đóng góp thêm một số ý kiến.

Ngay từ đầu tôi rất tán thành ý kiến của chị Kim Bé khi cho rằng bộ phận truyền thông, thông tin quảng cáo hàng hóa hiện nay là một lực lượng vô cùng quan trọng, do vậy nó không thể nằm ngoài trách nhiệm là người bảo vệ người tiêu dùng. Cho nên, ngay trong phạm vi điều chỉnh tôi đề nghị thêm: Luật này quy định về trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa dịch vụ, thông tin quảng cáo về kinh doanh hàng hóa dịch vụ cái đó không thể nằm ngoài trách nhiệm bởi vì công dân chúng ta đã rất thiệt thòi khi nghe quảng cáo sai, khi tin vào quảng cáo quá, khi phải chịu đựng rất bực dọc, khi đang xem một chương trình thời sự lại có những dòng quảng cáo, cho nên bộ phận này không thể nằm ngoài sự điều chỉnh của luật này. Đấy là ý thứ nhất của tôi.

Ý thứ hai, tôi cũng rất tán thành với ý của anh Vũ Tiến Lộc về giải thích từ ngữ. Thực ra chúng ta đang bàn một luật về hàng hóa, về dịch vụ. Nhưng hàng hóa ở đây chúng ta chưa định nghĩa hàng hóa gì. Hàng hóa có thể là một thông tin khoa học, hàng hóa có thể là một phát minh khoa học, hàng hóa bây giờ có thể là một bộ phận nào đó của cơ thể con người nếu được thỏa thuận mua bán, hàng hóa nó đa dạng như vậy. Tôi đề nghị Ban soạn thảo đưa vào giải thích từ ngữ hàng hóa trong luật này được hiểu là hàng gì và ý kiến cho rằng dịch vụ là dịch vụ gì. Tôi xin thưa quý vị đại biểu Quốc hội là con em chúng ta mua sách giáo khoa, sách giáo khoa có phải hàng hóa không? Con người sản xuất ra chịu trách nhiệm như thế nào. Nội hàm của sách giáo khoa ấy là nội hàm của hàng hóa, nếu như tivi là những linh kiện, thì sách giáo khoa là những thông tin để học sinh học, vậy người biên soạn giáo trình có phải chịu trách nhiệm hay không. Như vậy khái niệm dịch vụ hàng hóa cần phải làm rất rõ trong luật này thì chúng ta mới hiểu ai là người thụ hưởng, người nào chịu thiệt hại và phải được bồi thường như thế nào.

Ý kiến thứ ba, tôi tán thành với đại biểu vừa phát biểu trước tôi về Điều 7, thực ra chúng ta đưa ra Điều 7 là chỉ để cho vui thôi, chứ không khả thi một chút nào, tôi đố Ủy ban nhân dân phường xã, quận huyện, thành phố kiểm tra được mấy bà bán bánh mỳ buổi sáng, số lượng bán được bao nhiêu chưa nói đến hàng rong, đưa điều này thật là không khả thi vì họ có đăng ký kinh doanh đâu, họ đi lang thang từ chỗ này sang chỗ khác, từ băng đĩa, bánh mỳ, bún chả v.v.... Không có ông phường nào 6h sáng đi cùng bà bán bánh mỳ để theo dõi bà đó bán được mấy chiếc. Vậy Điều 7 tôi đề nghị Ban soạn thảo phải nghiên cứu kỹ, nếu chưa có tư duy lập pháp về tình trạng này thì hãy khoan đưa vào điều luật.

Ý kiến thứ tư về Điều 10, các hành vi bị cấm, tôi thấy điều này cũng không rõ, cấm các tổ chức, cá nhân quấy rối người tiêu dùng thông qua việc thực hiện một số hành vi như sau: tiếp xúc, liên hệ trái với ý muốn, tự tiếp xúc trực tiếp không qua bên thứ ba. Truyền hình có phải là bên thứ ba hay không, có chứ, đó là bên thứ ba nếu một công ty nào đó muốn quảng cáo. Sau 22h truyền hình có đưa không hoặc trước 6h giờ sáng, chúng ta đưa lên những điều khó khả thi và không rõ, cho nên Điều 10 tôi đề nghị cũng nên quan tâm.

Điều 25, miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại, tôi đọc chỗ này tôi không hiểu gì cả mặc dù cũng chịu khó đọc. Khuyết tật của hàng hóa phát sinh do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa tuân thủ quy định của pháp luật hoặc theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Vậy thì tôi đặt ngược lại là "Theo quy định của pháp luật và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hàng có thể khuyết tật" và người dân nếu mua hàng này thì khỏi kiện vì họ bán theo luật và bán theo cơ quan tổ chức rồi. Cũng rất phi lý vì đã thiệt hại thì phải bồi thường dù là Nhà nước đứng ra quy định mặt hàng này nhưng cái đó khuyết tật, dân mua gây thiệt hại thì Nhà nước phải bồi thường chứ, tại sao lại không.

Khoản 2, Điều 25 lại nói là: "Khuyết tật hàng hóa không thể phát hiện được với trình độ khoa học kỹ thuật vào thời điểm cá nhân kinh doanh chuyển giao". Tôi xin thưa hai người buôn bán với nhau lại cầm máy đo thiết bị khoa học đi cũng không phải, máy đâu ra. Tôi đi mua vô tuyến, tôi làm gì có máy đo dòng với đo các loại chíp điện tử, tôi làm sao biết được. Vấn đề này đưa vào đây không khả thi và không rõ.

Thứ ba, bán xong rồi chào thân ái chiến thắng. Theo điều này, khuyết tật hàng hóa phát sinh sau khi đã giao rồi thì ông nhận thứ hai chịu trách nhiệm chứ ông thứ nhất không chịu trách nhiệm, tôi thấy vô lý. Có những hàng hóa mà tôi lừa một tổ chức người ta mua lại của tôi, một tháng sau nó mới phát sinh cái xấu, thế thì ông sau phải chịu trách nhiệm à. Điều 25, 3 khoản ấy đều không đáng.

Thứ tư, tôi đồng ý với ý kiến về quản lý Nhà nước. Kỳ họp trước đây chúng ta đã tranh luận nhau về hàng hóa gây thiệt hại nhân dân, Bộ nào chịu, Bộ Y tế thì bảo chỗ anh Cao Đức Phát, anh Cao Đức Phát thì bảo chỗ anh Vũ Huy Hoàng, nhân dân không biết anh nào. Lần này Chính phủ giao cho Bộ Công thương nhưng các Bộ khác thì nói là phối hợp. Tôi cho rằng chữ "phối hợp" chưa đủ mà phải là "phối hợp thực hiện quản lý Nhà nước" sản phẩm nông nghiệp như thuốc trừ sâu không thể là Bộ Công thương xác định thuốc này đối với cây gì, dụng cụ y tế, uống thuốc uống, Bộ Công thương cũng không thể hiểu được chất liệu của dược liệu ấy như thế nào? Phải "Phối hợp quản lý Nhà nước" chứ không có chữ: "Phối hợp" chung chung được.

Có ý kiến nhưng tôi không biết Quốc hội có chấp nhận không, tôi cho rằng với truyền thống đất nước tự sản tự tiêu, với truyền thống quan niệm thuận mua vừa bán và bước vào nền kinh tế thị trường, liệu có vội vã hay không khi chúng ta thông qua kỳ họp lần này Luật bảo vệ người tiêu dùng? Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan