Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tấn – Tiền Giang

Thứ Ba 10:24 26-10-2010

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa các đồng chí,

Sau khi nghiên cứu Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật thuế bảo vệ môi trường của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi quan tâm đến những nội dung cụ thể như sau:

Một, về đối tượng không chịu thuế được quy định tại Điều 4 tôi có 2 ý kiến:

Tại Điểm a, Khoản 1 quy định: "Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam" Tại Điểm b, Khoản 1 quy định: "Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam đưa vào kho ngoại quan nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam" Tôi nhận thấy nội dung quy định tại Điểm a, Điểm b, Khoản 1, Điều 4 tương đồng. Vì vậy, tôi đề nghị nhập quy định của Điểm a, b thành một Điểm a với nội dung được thể hiện cụ thể như sau: "Hàng hóa được vận chuyển từ nước xuất khẩu đến nước nhập khẩu qua cửa khẩu Việt Nam hoặc đưa vào kho ngoại quan nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam" Như vậy Điểm c sẽ trở thành Điểm b.

Hai, theo nội dung tại Điểm b, Khoản 1 quy định: "Hàng hóa đưa vào kho ngoại quan nhưng không làm thủ tục nhập khẩu vào Việt Nam và không làm thủ tục xuất khẩu ra khỏi Việt Nam thuộc đối tượng không chịu thuế". Tuy nhiên nếu trường hợp lưu kho quá lâu bao bì bị hư hỏng, các loại sản phẩm tràn ra ngoài làm ảnh hưởng đến môi trường thì xử lý như thế nào? Tôi đề nghị dự án cần bổ sung quy định để xử lý vấn đề vừa nêu.

Ý kiến thứ hai, về biểu khung thuế được quy định tại Điều 8 tôi cũng có hai ý kiến. Theo dự án luật túi nilong thuộc diện chịu thuế có mức thuế từ 30.000 đồng - 50.000 đồng/kg, mặc dù Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội và đã nâng mức thuế này nhưng tôi đề nghị xem lại quy định mức thuế này, vì trong cuộc sống hiện tại thói quen sử dụng túi nilong dường như đã bám rễ ở rất nhiều người và không dễ thay đổi. Nếu ai đã từng đi chợ sẽ nhận ra rằng không có thứ gì dễ tìm bằng túi nilong, bất kể người đi chợ có xách giỏ hay không xách giỏ thì khi mua bất kỳ hàng hóa nào cũng được bỏ vào túi nilong. Chúng ta thử tưởng tượng điều gì đã, đang và sẽ xảy ra khi có hàng triệu túi nilong đã sử dụng và thải ra mỗi ngày tại Việt Nam, bất chấp nguy cơ ô nhiễm môi trường. Theo nghiên cứu túi nilong chôn vùi dưới đất thì hàng trăm năm sau mới phân hủy hết, vì vậy tôi đề nghị cùng với biện pháp sản xuất, cung cấp miễn phí cho khách hàng loại túi giấy, túi vải thì dự án luật cần quy định mức thuế đối với túi nilong từ 40.000 - 60.000/kg.

Hai, tại Khoản 9, Điều 3 có quy định trường hợp xét thấy cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quy định, nhưng tại Điều 8 chưa quy định ai sẽ quy định đơn vị tính mức thuế đối với đối tượng chịu thuế được bổ sung. Vì vậy, để các điều này được thống nhất đảm bảo tính khả thi trong tổ chức thực hiện, tôi đề nghị bổ sung vào Điều 8, Khoản 3 với quy định như sau: Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định đơn vị tính mức thuế đối với đối tượng chịu thuế bổ sung theo đề nghị của Chính phủ.

Ý kiến thứ ba, về hoàn thuế được quy định tại Điều 11. Tại Khoản 1 quy định hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế bảo vệ môi trường nhưng còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu và đang chịu sự giám sát của cơ quan hải quan được tái xuất ra nước ngoài. Tôi nhận thấy quy định như dự án luật là chưa chính xác, tôi đề nghị thể hiện lại như sau: hàng hóa nhập khẩu đã nộp thuế bảo vệ môi trường nhưng còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu, đang chịu sự giám sát của cơ quan hải quan và được tái xuất ra nước ngoài bởi vì hàng hóa nhập khẩu còn lưu kho, lưu bãi tại cửa khẩu thì chưa hoàn thuế, chỉ hoàn thuế khi được tái xuất ra nước ngoài.

Mặt khác, quy định như vậy sẽ rõ ràng hơn nếu được tái xuất thì doanh nghiệp sẽ lập tờ khai hải quan để xuất khẩu ra khỏi Việt Nam. Đồng thời, với đề nghị thiết kế lại nội dung quy định tại Khoản 1, tôi đề nghị bỏ Khoản 4 vì nội dung trùng lắp với Khoản 1.

Ý kiến thứ 4, về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành được quy định tại Điều 13. Nội dung quy định của điều này có nhiều cách thể hiện qua các dự án luật ở các nhiệm kỳ của Quốc hội khác nhau, nhưng các dự án luật được Quốc hội thông qua tại những kỳ họp gần đây đều có chung nội dung. Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các điều, khoản trong luật, hướng dẫn những nôi dung cần thiết khác của luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước. Vì vậy, tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để có quy định thống nhất. Tôi xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan