Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo – Kiên Giang

Thứ Ba 10:22 26-10-2010

Kính thưa Quốc hội.

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Trước hết tôi tán thành cao đối với Báo cáo tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án luật cũng như là dự thảo luật kèm theo Tờ trình. Trước hết về đối tượng phải chịu thu thuế quy định tại Điều 3, có thể nói trong giải trình cũng đã nêu rất rõ việc qui định luật thuế này là để qui định một sắc thuế mới để đánh vào một nguồn thu nhằm để định hướng việc người tiêu dùng nhằm đến việc bảo vệ môi trường và có một nguồn thu để mà khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường. Với cách đặt vấn đề như vậy thì các đối tượng gây ô nhiễm môi trường hiện nay có nhiều, tuy nhiên trước mắt như trong dự thảo đã lựa chọn có tám loại hàng hóa được coi là ảnh hưởng đến môi trường nghiêm trọng cần phải đánh thuế thì qui định như thế là phù hợp và tùy theo từng giai đoạn có thể bổ sung thêm mở rộng ra thì có một qui định mở tại Khoản 9 của Điều 3 này là giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội như vậy là phù hợp.

Phải nói là ở một số nước người ta qui định kể cả việc là nước mưa, đánh thuế vào nước mưa cũng là nhằm để bảo vệ môi trường vì công việc xử lý môi trường và cũng một mục đích nữa là đánh thuế nước mưa nhưng mà trên mặt đất mà lượng mưa rơi xuống thì cũng nhằm để người ta hạn chế tức là việc đánh vào để đảm bảo sử dụng đất hợp lý nếu mà một người muốn mua đất rộng để làm nhà, làm vườn thì phải chịu thêm phần thuế đó cũng là được coi là thuế môi trường đối với chúng ta còn rất xa lạ, nhưng cái đó nhiều nước người ta đã thực hiện rồi. Cho nên trước mắt lựa chọn qui định như trong Điều 3 tôi thấy hợp lý.

Thứ hai, về đối tượng không thu thuế cũng quy định ở đây, cũng như ở trong phân tích nói rằng mục đích để điều tiết, điều chỉnh hành vi gây ô nhiễm môi trường. Những hàng hóa nào không sử dụng ở lãnh thổ Việt Nam, không gây ô nhiễm môi trường ở Việt Nam thì được miễn thuế, tức là không đánh thuế thì có đưa ra một số trường hợp, ví dụ như tạm nhập tái xuất, hàng thông qua, chuyển qua lãnh thổ Việt Nam. Như vậy tôi thấy cũng phù hợp. Tuy nhiên, qua 2 điều khoản này tôi cũng có một chút băn khoăn xin nêu ra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo có thể nghiên cứu để cho nó hoàn thiện.

Thứ nhất, trong giải thích, chỗ nói về thu thuế xăng dầu là thay cho phí xăng dầu trước đây, vì nói rằng việc thu phí xăng dầu trước đây đã mang tính chất của thuế rồi, cho nên bây giờ thu thuế ở đây sẽ thôi phí đó. Nhưng thực ra trước đây khi xây dựng Pháp lệnh về phí, lệ phí thì mục thu vào khoản xăng dầu giải thích rằng đấy là một khoản thu để hỗ trợ lại cho việc duy tu bảo dưỡng đường bộ. Chính xuất phát từ giải thích quy định như vậy cho nên ngành khai thác thủy sản, những tàu thuyền khai thác thủy sản ở ngoài biển người ta nói rằng người ta không đi trên đường bộ thì không thể thu người ta khoản phí đó. Cho nên yêu cầu phải thoái thu. Tất nhiên, Bộ Thủy sản hồi đó có làm việc rất nhiều lần với Bộ Tài chính và bên Ủy ban vật giá thì cũng thống nhất. Nhưng cách để thoái thu thì rất khó, cho nên cuối cùng phải cam kết là sẽ hỗ trợ lại bằng những nguồn khác. Cho nên giải thích ở đây nói rằng việc thu phí trước đây bản chất đã là thu cho môi trường rồi thì thực ra cũng chưa thật chính xác lắm.

Tuy nhiên, bây giờ trong cách giải thích nói rằng thu thuế môi trường về xăng dầu thì bỏ phí xăng dầu đi thì tôi cũng đồng tình để cho nó đỡ tăng quá cao so với giá xăng dầu ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân. Hôm qua, hôm kia khi đi mua xăng cũng nhiều người bàn tán chuyện đó. Nếu nay mai cộng thêm 1 lít xăng mấy nghìn nữa thì giá xăng sẽ rất cao. Hiện nay đã 16.000/lít, thêm 4.000, 20.000/lít xăng thì rất khó. Cho nên cách giải thích ở quy định như thế thì tôi thấy hợp lí. Đối với loại được miễn thì ở đây đặt ra một vấn đề trong này có nêu là xăng dầu sử dụng cho quốc phòng, an ninh không nên tách bạch ra, vẫn thu thì tôi đồng tình. Nhưng ở đây loại xăng dầu bán cho phương tiện như máy bay, tàu thủy hoạt động không chỉ trong vùng lãnh thổ Việt Nam, trên không phận quốc tế, vùng biển quốc tế hoặc là hoạt động trên vùng biển ở quốc gia khác thì có thu hay không? chỗ này phải tính, vì cách lập luận của mình là gây ô nhiễm ở Việt Nam thì phải đánh thuế. Như vậy những trường hợp máy bay, tàu thủy sử dụng xăng dầu không chỉ ở lãnh thổ Việt Nam thì có tính để thoái thu cho người ta hay không? chỗ này cần phải cân nhắc.

Thứ ba là về phương thức tính thuế quy định tại Điều 7 tôi thấy quy định tính vào giá tuyệt đối, một khoản tiền nhất định vào giá trị hàng hóa, quy định như thế là phù hợp như giải thích rất là đúng, cái này không phải tính vào giá bán đắt thì chưa chắc là thu đắt thậm chí thu rẻ, chỗ này quy định như vậy là phù hợp. Tôi đề nghị trong một nhóm hàng hóa phải chia ra loại hàng cụ thể để có mức áp dụng cho phù hợp giống như trong này đã áp dụng đối với than, tiếp thu chỉnh lý đối với than tôi thấy là phù hợp rồi, nhưng đối với xăng dầu, tại Điểm a, Khoản 1, Điều 3 có quy định xăng dầu các loại, quy định như thế. Tôi xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan