Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Tiến Cảnh – Hà Nam

Thứ Sáu 08:51 27-11-2009

Kính thưa chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Luật bưu chính đã được Ban soạn thảo tiếp thu kỹ và chỉnh sửa nhiều lần. Dự thảo luật và Tờ trình đã cập nhật được các thông tin mới nhất trình Quốc hội cho ý kiến, tôi xin tham gia vào một số điều cụ thể như sau.

Một là, Điều 3, Khoản 20 và Khoản 21, Khoản 20 nêu: tem bưu chính Việt Nam do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định phát hành là ấn phẩm mang dòng chữ Việt Nam. Khoản 21 lại nêu: tem bưu chính nước ngoài là ấn phẩm do các nước thành viên của Liên minh bưu chính thế giới phát hành. Do vậy đề nghị Khoản 20 sửa lại là: tem bưu chính Việt Nam là ấn phẩm mang dòng chữ Việt Nam do cơ quan Nhà nước v.v.... như vậy phần giải thích từ ngữ mới nhất quán và dễ hiểu.

Vấn đề thứ hai, Điều 4 nguyên tắc hoạt động bưu chính, tại Khoản 1 có nêu: nguyên tắc hoạt động bưu chính là phải nhanh chóng. Tôi đề nghị thay cụm từ "nhanh chóng" bằng cụm từ "kịp thời". Theo từ điển tiếng Việt, nhanh chóng là nhanh nhạy, gọn và chóng vánh còn kịp thời là đúng thời gian quy định, không bị chậm trễ. Do vậy Điều 4, Khoản 1 viết lại là: bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, kịp thời, chính xác, tiện lợi trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính.

Vấn đề thứ ba là Điều 9, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bưu chính. Trong các hành vi còn sử dụng cụm từ "trái pháp luật, trái đạo đức xã hội" nhiều lần, có 10 khoản thì có 4 khoản viết như vậy. Viết lại sao cho khi đọc người đọc biết ngay là trái pháp luật. Đề nghị bổ sung quy định nghiêm cấm hành vi cố ý từ chối cung cấp dịch vụ bưu chính không đúng quy định của pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng.

Điều 10: các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bưu chính và Điều 15 dự thảo 19 cấm gửi trong bưu gửi, 2 điều này thể hiện còn chung chung, chưa cụ thể. Ví dụ, luật ghi: cấm lưu thông, cấm xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật Việt Nam, người dân không thể nắm được quy định của pháp luật Việt Nam nằm ở luật nào. Đề nghị bổ sung nghiêm cấm gửi trong bưu gửi các chất nguy hiểm như chất có nguy cơ cháy nổ cao, các chất phóng xạ, hóa chất độc hại, các vi sinh vật gây bệnh ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe và môi trường, các loại vật phẩm không đảm bảo an toàn vệ sinh.

Vấn đề thứ tư, Điều 28 và Điều 29, đề nghị bổ sung cụm từ "nhanh chóng" vào Khoản 4, Điều 28 và sửa lại là: cung cấp đầy đủ, nhanh chóng, chính xác thông tin về dịch vụ cho người sử dụng bưu chính. Và bổ sung vào Khoản 2, Điều 29 sửa là: được cung cấp đầy đủ, nhanh chóng, chính xác thông tin về dịch vụ mà mình sử dụng. Điều 29, Khoản 10 đề nghị không nên nêu lắp đặt hộp thư gia đình tại vị trí thuận tiện. Vì thực tế không khả thi ở nước ta, nhất là vùng nông thôn.

Vấn đề thứ năm, Điều 32 cung ứng dịch vụ bưu chính hiện có 2 quan điểm: Một là chỉ rõ Tổng công ty Bưu chính Việt Nam, hai là doanh nghiệp hoạt động bưu chính công ích. Tôi nhất trí viết như Khoản 1, Điều 32 là Thủ tướng Chính phủ chỉ định một doanh nghiệp bưu chính của Nhà nước quản lý mạng bưu chính thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích".

Thứ sáu, điểm bưu điện văn hóa xã là loại hình phục vụ bưu chính ở cơ sở trên mạng bưu chính công cộng. Hiện nay hoạt động của các điểm bưu điện này bao gồm cả viễn thông và bưu chính. Bưu điện văn hóa xã hiện nay còn tham gia một số nhiệm vụ khác, nhưng với sự cần thiết hiện nay nhà nước nên có chính sách đầu tư nâng cấp, mở rộng các điểm bưu điện văn hóa xã. Dù sao Luật bưu chính phải điều chỉnh hoạt động bưu chính như điểm bưu điện văn hóa xã như tôi đã phân tích trên.

Thứ bẩy, dự án này thông qua tại một kỳ họp. Nghiên cứu dự thảo số 19 và dự thảo số 29 đã có sự chỉnh sửa khá kỹ. Tôi nhất trí đề nghị Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp, nhưng nên xin ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Xin hết.

Các văn bản liên quan