Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nga – Hải Dương

Thứ Sáu 08:51 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thông qua Luật tần số vô tuyến điện và Luật viễn thông, đồng thời dự kiến thông qua Luật bưu chính tại một kỳ họp, để cùng 2 luật nêu trên trở thành một hệ thống các luật được nâng lên từ Pháp lệnh bưu chính viễn thông như kiến nghị của đồng chí Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông với Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo tôi đây là chủ trương đúng. Xét về khả năng thông qua luật chỉ trong một kỳ họp của Quốc hội tôi nhận thấy như sau:

Nếu so sánh dự thảo số 19 của dự án luật do Chính phủ trình Quốc hội vào ngày 20/05/2009 với dự thảo số 29 trình ngày 18/09/2009 thì thấy Ban soạn thảo và Ủy ban Thẩm tra dự án luật đã làm việc rất tích cực cho mục tiêu này. Dự thảo luật số 29 so với dự thảo luật số 19 đã có nhiều tiếp thu, sửa đổi và hoàn chỉnh hơn. Tuy vậy để dự án Luật bưu chính thông qua ở Kỳ họp thứ sáu này theo tôi còn nhiều việc phải làm.

Trước hết, tôi xin bày tỏ sự nhất trí cao đối với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường do đồng chí Đặng Vũ Minh đã trình bày, bên cạnh đó tôi xin thêm một số ý kiến đóng góp vào dự thảo luật như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh Điều 1 và đối tượng áp dụng Điều 2. Tôi cho rằng với cách thể hiện Điều 1 phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật là luật này quy định về hoạt động bưu chính, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động bưu chính, quản lý Nhà nước về hoạt động bưu chính là quá ngắn gọn, chưa thể hiện được đó là những cá nhân, tổ chức nào ở nước nào, tôi thấy cần phải bổ sung làm rõ trong luật. Tôi đề nghị nên viết theo cách viết thông thường như những luật đã ban hành để vừa mang tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, vừa đủ ý. Mặt khác, khi nghiên cứu Điều 1 phạm vi điều chỉnh và Điều 2 đối tượng áp dụng tôi thấy có những nội dung trùng nhau nên tôi kiến nghị gộp hai điều làm một.

Thứ hai, về Điều 4 nguyên tắc hoạt động bưu chính, tại nguyên tắc thứ ba của Điều 4 đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và có sự quản lý của Nhà nước, tôi nhất trí với quan điểm này vì nó phù hợp với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta. Nhưng khi nghiên cứu về các điều khác nhất là tại Khoản 1 Điều 32 thì quy định này hình như không thích hợp.

Khoản 1, Điều 32 quy định như sau Thủ tướng Chính phủ chỉ định một doanh nghiệp bưu chính Nhà nước quản lý mạng bưu chính công cộng và thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo nhiệm vụ, kế hoạch mà Nhà nước giao. Tôi băn khoăn tại sao lại là Thủ tướng Chính phủ chỉ định, hơn nữa lại là chỉ định một doanh nghiệp bưu chính của Nhà nước như vậy còn cạnh tranh lành mạnh nữa hay không? Do đó tôi đề nghị nên rà soát và cân nhắc thật kỹ nội hàm của các điều, khoản với nhau để thống nhất trong toàn luật.

Thứ ba, về hình thức thể hiện chính sách của Nhà nước về bưu chính tại Điều 5. Tôi thấy có hai cách thể hiện khác nhau trong các khoản của Điều 5. Khoản 1 thể hiện một cách, các khoản còn lại theo một các khác. Tôi đề nghị viết lại Khoản 1 để tạo nên sự nhất quán trong cách thể hiện nghĩa là bỏ cụm từ "huy động các nguồn lực xã hội" để Khoản 1 được viết lại như sau: "Xây dựng ngành bưu chính theo hướng chính quy, hiện đại, nhằm phục vụ phát triển kinh tế, xã hội đảm bảo quốc phòng, an ninh, đời sống của nhân dân". Viết lại như vậy không những đảm bảo tính thống nhất cách thể hiện các khoản trong một điều mà còn phù hợp với thực tiễn về vai trò, vị trí của ngành bưu chính trong hệ thống các ngành, lĩnh vực của cuộc sống hiện tại.

Thứ tư, về vấn đề thể hiện tư tưởng xây dựng ngành bưu chính theo hướng chính quy, hiện đại Khoản 1 Điều 5. Tôi thấy tư tưởng xây dựng ngành bưu chính theo hướng chính quy hiện đại như mong muốn của Khoản 1 Điều 5, trong dự thảo Luật chỉ nêu khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ đào tạo nguồn nhân lực tại Khoản 3 Điều 5 là hoàn toàn chưa thỏa đáng, chưa thể hiện rõ nét. Thực trạng hiện nay là ngành bưu chính của nước ta chưa hiện đại, nhiều công đoạn vẫn thực hiện chủ yếu bằng tay, thủ công nên năng suất lao động thấp. Tôi chỉ nêu một ví dụ, khi gửi thư, bưu phẩm ở các nước tiên tiến thì địa chỉ quan trọng nhất chính là hòm thư được mã hóa bằng số, bằng ký hiệu mã vạch nên thư, bưu phẩm được phân loại rất nhanh, không tốn thời gian, tiết kiệm được công sức nên năng suất lao động được nâng cao và thu nhập của người lao động được cải thiện. Vì thế tôi đề nghị phần này nên quy định thành một số điều riêng, thành một chương riêng về những nội dung liên quan đến nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành bưu chính, thông qua áp dụng công nghệ hiện đại, khoa học kỹ thuật tiên tiến.

Cuối cùng là về các trường hợp được phục vụ ưu tiên ở Điều 7. Tôi nghĩ rằng viết 4 khoản như trong Điều 7 là chưa đủ, cần bổ sung thêm vì những công văn, thư khẩn và hỏa tốc của Nhà nước, Quốc hội cũng cần phải được ưu tiên. Trên đây là một số ý kiến của tôi đóng góp vào dự thảo luật. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan