Góp ý của Đại biểu Quốc hội Bùi Thị Hoà – Đắk Nông

Thứ Sáu 08:50 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Trong bối cảnh hội nhập ngành bưu chính là một mặt vừa phải đảm bảo cung ứng dịch vụ bưu chính thiết yếu cho xã hội, một mặt vừa phải cạnh tranh trong các hoạt động đầu tư cho kinh doanh, dịch vụ bưu chính với các nhà cung cấp dịch vụ khác. Tôi được biết Tập đoàn bưu chính Việt Nam là một đơn vị tạo ra giá trị bình quân đầu người thấp nhất và cũng là ngành mỗi năm Nhà nước phải đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Đề cập đến thực trạng này tôi muốn nêu lên vấn đề dự thảo Luật bưu chính với mục tiêu nhất thể hóa và hoàn thiện pháp luật về bưu chính, hoàn thiện cơ chế pháp lý mới đồng bộ và hiệu quả trong hoạt động cung ứng và dịch vụ, sử dụng dịch vụ bưu chính, Nhà nước thực hiện tốt hơn trách nhiệm bảo đảm, duy trì việc cung ứng dịch vụ bưu chính công cộng đã đảm bảo cơ sở pháp lý để các hoạt động bưu chính vừa đáp ứng hoạt động công ích vừa cạnh tranh trong một môi trường công bằng, minh bạch lành mạnh, có sự quản lý Nhà nước hay chưa? Trước tiên tôi thấy quan điểm này đã được thể hiện khá rõ ở Điều 5 chính sách của Nhà nước về bưu chính, ở Chương III đầu tư kinh doanh dịch vụ bưu chính, ở Chương IV tiêu chuẩn quy chuẩn chất lượng kỹ thuật và giá cước dịch vụ bưu chính trong đó giao trách nhiệm cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính được quyền xây dựng, công bố áp dụng tiêu chuẩn dịch vụ, quyết định giá cước hạch toán chi phí xác định giá thành và Chương VI quy định hoạt động của bưu chính công ích với sự hỗ trợ của Nhà nước, với trách nhiệm và quyền hạn đặc thù được Nhà nước giao. Tuy nhiên, để tiến tới cung ứng dịch vụ bưu chính lành mạnh minh bạch giữa các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ bưu chính và doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích thì quyền, nghĩa vụ của các doanh nghiệp này cần được quy định rõ hơn. Chẳng hạn doanh nghiệp công ích có quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính như quy định tại Điều 28 hay không? doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính có được thiết lập mạng bưu chính cho mình hoặc có được sử dụng mạng bưu chính công cộng, sự chia sẻ cơ sở hạ tầng bưu chính như thế nào?

Thiết nghĩ dự thảo luật cần quy định rõ hơn quyền, nghĩa vụ, phạm vi hoạt động của từng loại hình làm cơ sở cho hoạt động cạnh tranh lành mạnh. Tôi rất ủng hộ các quy định hỗ trợ cho hoạt động của doanh nghiệp hoạt động bưu chính công ích nhưng phải trên nguyên tắc các quy định này nhằm phục vụ tốt nhất cho nhiệm vụ cung ứng dịch vụ bưu chính công ích mà Nhà nước giao cho.

Vấn đề thứ hai, do đặc thù của hoạt động bưu chính công ích là cung ứng các dịch vụ thiết yếu cho xã hội, đảm bảo chất lượng và giá cước phù hợp với khả năng thanh toán của người dân phục vụ nhiệm vụ của Nhà nước mà nhiều doanh nghiệp xuất phát từ lợi ích, lợi nhuận sẽ không thể đảm nhận được nên việc giao cho một doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ, này là hợp lý với các cơ chế hỗ trợ phù hợp. Đối với giá cước hoạt động bưu chính công ích và cơ quan có thẩm quyền quy định giá cước hoạt động bưu chính công ích. Tôi cho rằng Bộ thông tin và truyền thông, đơn vị quản lý Nhà nước về bưu chính quy định giá cước dịch vụ bưu chính công ích sau khi thống nhất với Bộ tài chính là phù hợp với chức năng quản lý ngành, phương thức quy trình xây dựng giá cước như thế nào nên theo quy định của ngành, không nhất thiết phải giao cho doanh nghiệp được chỉ định cung ứng dịch vụ bưu chính công ích xây dựng và trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phương án giá cước các dịch vụ bưu chính do Nhà nước quy định để tránh tình trạng vừa đã bóng vừa thổi còi như tại Khoản 3, Điều 33. Đối với hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã tôi đồng ý với nội dung Tờ trình của Chính phủ. Song tôi thiết nghĩ rằng bưu điện văn hóa xã đã tồn tại hơn 10 năm nay trong phạm vi cả nước với trên 8.000 điểm và tổng vốn đầu tư trang thiết bị gần 650 tỷ đồng. Mặc dù cho đến nay nhiều điểm hoạt động không hiệu quả song cũng không thể phủ nhận rằng những đóng góp của các điểm bưu điện văn hóa xã đã cũng cấp các dịch vụ bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin, tạo điều kiện cho các cư dân ở nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với thông tin kinh tế xã hội, hưởng lợi từ các dịch vụ bưu chính viễn thông mang lại. Do đó tôi nghĩ cần phải quy định hoạt động của điểm văn hóa xã trong mạng lưới bưu chính công cộng để có cơ sở tiếp tục đổi mới phát huy hoạt động của mô hình này trong tương lai ở vùng nông thôn, miền núi, ở những xã khó khăn, xã đặc biệt khó khăn.

Vấn đề thứ ba, về bảo hiểm tiền gửi tôi rất đồng tình với ý kiến của Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường đề nghị quy định bảo hiểm bưu gửi trong luật bởi 3 lý do:

Lý do thứ nhất, là do tình trạng thất lạc mất bưu gửi vẫn xảy ra.

Lý do thứ hai, là cần phải có sự chia sẻ trách nhiệm rủi ro giữa các bên khi tình trạng thất lạc, mất bưu gửi vẫn xảy ra.

Lý do thứ ba là phù hợp với xu thế chung của nền kinh tế thị trường

Ngoài ra tôi cũng thấy rằng kinh doanh dịch vụ bưu chính, một dịch vụ có yêu cầu an toàn, an ninh, nhanh chóng, chính xác, đảm bảo bí mật có những đặc thù so với kinh doanh của các lĩnh vực khác. Tôi đồng tình với quy định cấp giấy phép, song thấy rằng các quy định về điều kiện, về đầu tư, kinh doanh dịch vụ bưu chính chưa thể hiện được tính đặc thù này. Bên cạnh đó luật quy định các trường hợp không cần giấy phép bưu chính, giấy xác nhận, thông báo hoạt động tại Điểm a, Điểm b, Khoản 3 Điều 22. Tôi nghĩ rằng đây là những vấn đề giao dịch dân sự không thể kiểm soát nên không thể điều chỉnh, do đó cũng không nên quy định trong luật.

Vấn đề cuối cùng, tôi thấy rằng dự án luật đã được chuẩn bị công phu, tiếp thu nhiều ý kiến của các cơ quan, các vị đại biểu, nếu Ban soạn thảo cung cấp dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành và nếu các ý kiến phát biểu xác đáng tại hội trường hôm nay được Ban soạn thảo tiếp thu tốt thì có thể thông qua dự án Luật bưu chính tại kỳ họp lần này.

Xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan