Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh – TP Hà Nội

Thứ Sáu 10:17 19-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tố cáo là một trong những quyền cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định, quyền tố cáo ngày càng cần thiết trong tình hình hiện nay khi Đảng và Nhà nước ta có chủ trương mở rộng dân chủ hóa đời sống xã hội cũng như phát huy vai trò hiệu lực hiệu quả của Nhà nước và pháp luật ta. Để góp phần vào việc hoàn thiện dự thảo luật này, tôi xin phát biểu một số ý kiến tập trung vào mấy vấn đề như sau:

Thứ nhất, về chủ thể tố cáo và tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ, tôi tán thành với nhiều ý kiến đã phát biểu trước tôi về việc chỉ quy định chủ thể tố cáo là công dân không phải là mở rộng tố cáo tập thể hay tổ chức, chỉ xem xét giải quyết nội dung tố cáo trong trường hợp người tố cáo nêu rõ họ tên, địa chỉ để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người tố cáo phù hợp với chủ trương pháp luật quy định là cá thể hóa trách nhiệm của người tố cáo. Thực tế đối với những vụ việc khẳng định vai trò của tổ chức và cơ quan, pháp luật hiện hành đều quy định nếu có những vụ việc tiêu cực xảy ra thì thủ trưởng các cơ quan phải có trách nhiệm báo cáo với các cơ quan cấp trên. Điều này tôi nghĩ pháp luật đã có quy định rồi, vả lại ngay trong Điều 19, điều Đảng viên không được làm thì cũng đã quy định là không được ký tên tập thể. Cho nên, theo tôi những quy định này là rất cần thiết, trong thời gian qua đã có những tác dụng thì đến nay chúng ta cũng nên thể chế hóa vào trong những quy định của luật.

Thứ hai là về vấn đề bảo vệ người tố cáo, dự thảo luật quy định 4 điều như các đại biểu đã phát biểu, tôi cho rằng những điều này chưa đủ sức mạnh để bảo vệ người tố cáo. Tôi đề nghị bổ sung thêm 2 nội dung.

Một là phải bổ sung thêm một điều mới trước Điều 48 tức là nêu rõ những cơ quan nào có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo. Theo tôi đó là những cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận tố cáo, chính quyền và công an các cấp, đặc biệt đối với tổ chức công đoàn các cấp đối với vấn đề bảo vệ an toàn làm việc cho người tố cáo để phù hợp với pháp luật hiện hành.

Nội dung thứ hai trong vấn đề bảo vệ người tố cáo, tôi cũng tán thành với nhiều ý kiến của các vị đại biểu nói rằng bảo vệ người tố cáo ở đây không phải chỉ cá nhân người tố cáo mà còn cả người thân và những người có liên quan đến người tố cáo.

Vấn đề thứ ba là những hành vi bị nghiêm cấm, với quan điểm cá thể hóa trách nhiệm của người tố cáo, tôi đề nghị cần bổ sung vào Điều 13 những hành vi bị nghiêm cấm đó là hành vi ký đơn tập thể, hành vi ban hành văn bản có nội dung sai sự thật, thiếu chính xác, có liên quan đến tố cáo bởi lẽ thực tế hiện nay trong rất nhiều vụ tố cáo đã không ít người lợi dụng sơ hở của pháp luật mà dụ dỗ hoặc lôi kéo những người khác mặc dù những người này bình thường họ rất tốt, nhưng lôi kéo họ vào ký đơn tập thể để gây áp lực đến các cơ quan, vô hình chung làm cho nhiều người vi phạm pháp luật. Nếu pháp luật không quy định hành vi ký đơn tập thể là vi phạm pháp luật bị nghiêm cấm thì sẽ khắc phục tình trạng hình thành đoàn đông người và tạo điều kiện cho những kẻ xấu lợi dụng kích động gây mất trật tự an toàn xã hội. Ngoài ra cần quy định những hành vi ban hành văn bản có nội dung sai sự thật, thiếu căn cứ, thiếu chính xác liên quan đến hành vi tố cáo để đảm bảo cho việc các cơ quan nhà nước khi ban hành văn bản phải nghiên cứu kỹ và trả lời cho đúng, nếu không sẽ làm cho vụ việc ngày càng phức tạp hơn, vì nhiều người lợi dụng văn bản của cơ quan nhà nước ban hành không chính xác để tiếp tục làm cho vụ việc phức tạp hơn.

Vấn đề thứ tư là trách nhiệm của cơ quan báo chí, dự thảo luật quy định ở Điều 12 tôi thấy không có gì mới so với Điều 15 của Luật khiếu nại, tố cáo hiện hành. Nếu chúng ta tiếp tục quy định như vậy sẽ làm cho một số người tiếp tục lợi dụng báo chí để cổ vũ cho hành vi tố cáo sai sự thật, vu khống, xúc phạm danh dự, uy tín người khác khiến cho nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân mất nhiều thời gian giải quyết. Để khắc phục tình trạng này, chúng tôi đề nghị quy định bổ sung hai vấn đề:

Một là phải làm rõ thế nào là xác minh đầy đủ của cơ quan báo chí.

Hai là phải quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí, những người đứng đầu cơ quan chủ quản báo chí, kể cả những người có liên quan trong vấn đề khi mà báo chí thông tin sai sự thật. Chúng ta nói rằng Luật báo chí qui định nhưng thực tế hiện nay Luật báo chí còn rất sơ hở về những vấn đề này. Chính vì thế mà Quốc hội chúng ta đã nhiều lần lên tiếng về tình trạng báo chí thông tin sai sự thật. Tôi nghĩ rằng qui định ở trong Luật tố cáo lần này thật là rõ ràng thì sẽ làm cho các báo chí một số những người không thể lợi dụng những qui định của pháp luật để thông tin sai sự thật trên báo chí nữa.

Vấn đề cuối cùng, về vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, tôi tán thành qui định vai trò trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp đối với các vụ tố cáo và tôi cũng đề nghị phải bổ sung qui định trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của các cơ quan Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong việc xử lý những vụ tố cáo có liên quan đến đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Đặc biệt cần phải qui định rõ trách nhiệm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền phải xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng tố cáo để lợi dụng báo chí để vu khống xúc phạm danh dự, uy tín của đại biểu dân cử gây bức xúc trong dư luận cử tri và nhân dân. Có như vậy thì pháp luật của chúng ta mới nghiêm minh và quyền, lợi ích của công dân mới được đảm bảo. Xin hết, trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan