Góp ý của Đại biểu Quốc hội Củng Thị Mẩy – Hà Giang

Thứ Sáu 10:17 19-11-2010

Kính thưa Quốc hội.

Thảo luận về dự án Luật tố cáo về cơ bản thì tôi đồng tình với ý kiến đa số của Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã đề cập. Tôi xin tham gia, đóng góp 3 ý kiến nhỏ sau:

Ý kiến thứ nhất, về nguyên tắc giải quyết tố cáo quy định ở Điều 4. Tôi đồng tình với quy định của dự thảo luật và thấy rằng trong thực tế thời gian qua có nơi, có lúc việc giải quyết tố cáo chúng ta vẫn chưa chú ý lắng nghe ý kiến của công dân, nên việc quyết định giải quyết đưa ra thì chưa thấu tình đạt lý. Nhiều vụ việc đã có quyết định xử lý nhưng công dân không đồng tình, vẫn tiếp tục tố cáo. Do đó, tôi cho rằng trong việc giải quyết tố cáo rất cần thiết phải có dân chủ, công khai, minh bạch. cho dù là người tố cáo, người bị tố cáo hoặc người giải quyết tố cáo trong quá trình giải quyết tố cáo cũng cần được trao đổi, đối thoại để chứng minh, giải thích nội dung tố cáo đúng hay không đúng với quy định của pháp luật, theo quy định về quyền và nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo ở Điều 14, Điều 15, Điều 16 của dự thảo luật.

Từ những phân tích trên và đồng thời để phù hợp với quy định ở Điều 34 của dự thảo luật về công khai kết luận nội dung tố cáo, tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ "dân chủ, công khai, minh bạch" sau cụm từ "khách quan" ở Điều 14.

Ý kiến thứ hai, về hình thức tố cáo quy định ở Điều 23, một số ý kiến trước đã thể hiện sự đồng tình với dự thảo, theo tôi nội dung tiêu đề của điều này tôi cho rằng như quy định tại Khoản 1 dự thảo là đủ. Đề nghị bỏ Khoản 2 điều này bởi quy định tại Khoản 2, Điều 23 chính là nghĩa vụ của người tố cáo đã được quy định rất là cụ thể, rõ ràng tại Điểm a, Đểm b, Khoản 2, Điều 14 của dự thảo luật.

Ý kiến thứ ba, tôi cho rằng tố cáo không những bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tố cáo, người bị tố cáo, người giải quyết tố cáo và tính nghiêm minh của pháp luật mà tố cáo còn góp phần phổ biến giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành và thực thi pháp luật, giúp các tổ chức, đoàn thể, cơ quan Nhà nước đấu tranh chống các hành vi làm sai chính sách pháp luật. Ở góc độ khác, khi pháp luật được thực thi nghiêm minh, ý kiến người dân được coi trọng, các hành vi vi phạm pháp luật được xử lý kịp thời, tố cáo sẽ góp phần bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đảm bảo công bằng xã hội tạo niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Song thực tế trong thời gian quan việc phối hợp giải quyết tố cáo giữa các cơ quan có thẩm quyền trong một số trường hợp chưa được chặt chẽ và thống nhất, còn đùn đẩy trách nhiệm lẫn nhau, dẫn đến việc giải quyết tố cáo còn chậm, gây bức xúc cho nhân dân, khiến công dân khiếu kiện vượt cấp. Nguyên nhân chủ yếu tôi cho rằng do việc phối hợp để giải quyết vấn đề vướng mắc và việc ban hành những văn bản quy phạm pháp luật của chúng ta còn nhiều bất cập, chưa rõ ràng, cụ thể. Do đó tôi đề nghị Ban soạn thảo, Quốc hội xem xét bổ sung thêm vào dự án luật lần này quy định về trách nhiệm phối hợp giữa các ngành, các cấp trong việc giải quyết tố cáo. Nếu chỉ quy định chung chung như tại một số điều, chương trong dự thảo luật này tôi cho tính khả thi chưa cao, làm cũng được mà không làm cũng không sao. Trong thực tế không khắc phục được việc hạn chế thời gian qua tình trạng khoán trắng cho các cơ quan chuyên môn. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan