Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Phương Hoa – Nam Định

Thứ Ba 10:51 22-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch.

Kính thưa Quốc hội.

Liên quan đến các vấn đề lớn của dự thảo Luật tố tụng hành chính mà Đoàn thư ký kỳ họp đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về các khiếu kiện, hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án, tôi hoàn toàn nhất trí với quy định theo phương pháp loại trừ tại Điều 25 dự thảo luật. Quy định như vậy sẽ đảm bảo sự ổn định của pháp luật, kịp thời điều chỉnh những lĩnh vực mới phát sinh mà không cần phải sửa luật. Việc loại trừ các khiếu kiện hành chính trong lĩnh vực an ninh quốc phòng ngoại giao cũng là phù hợp. Vì đây là lĩnh vực đặc biệt có liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia nên cần có cơ chế riêng để giải quyết. Đối với các hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan hành chính nhà nước cũng nên loại trừ để không tư pháp hóa các quan hệ thông thường. Tuy nhiên dự thảo luật cũng cần bổ sung vào phần giải thích từ ngữ cho rõ thế nào là hành vi hành chính mang tính nội bộ cơ quan hành chính nhà nước để tòa án các cấp áp dụng cho thống nhất.

Thứ hai, về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính quy định tại Điều 67 của dự thảo luật. Một trong những yêu cầu đề ra tại Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị đó là đổi mới mạnh mẽ thủ tục giải quyết các khiếu kiện hành chính tại tòa án, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia tố tụng. Vì vậy, việc đơn giản hóa điều kiện khởi kiện vụ án hành chính cũng là một trong những yếu tố nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tổ chức trong việc khởi kiện vụ án hành chính. Mặc dù pháp luật hiện hành đã quy định tương đối thông thoáng về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính nhưng người dân vẫn không mặn mà với việc khởi kiện ra tòa, bằng chứng cụ thể là đối lập với quang cảnh tấp nập tại các phòng tiếp công dân, lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo quá tải cho việc giải quyết khiếu nại của các cơ quan hành chính. Cả năm 2009, lượng án hành chính được tòa án các cấp đưa ra xét xử chỉ có khoảng 1.300 vụ trên tổng số 265.000 vụ án các loại. Nguyên nhân chính là do người dân chưa thực sự tin tưởng việc giải quyết của tòa án, việc thi hành án hành chính chưa được quy định cụ thể nên người dân thường lựa chọn con đường khiếu nại thay vì khởi kiện tại tòa án. Do đó theo tôi ngoài việc mở rộng điều kiện khởi kiện nghĩa là không đồng ý với hành vi hành chính, quyết định hành chính, người dân có thể lựa chọn hoặc là khởi kiện ra tòa hoặc hoặc là khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Luật cũng cần có những quy định cụ thể, chặt chẽ bởi cơ chế xét xử, thi hành án hành chính để người dân tin tưởng, lựa chọn việc khởi kiện hành chính, góp phần giảm tải việc giải quyết khiếu nại, tiếp công dân của các cơ quan hành chính hiện nay. Tôi đề nghị không nên giới hạn một số lĩnh vực như thế. sở hữu trí tuệ, quản lý nhà đất bắt buộc qua thủ tục giải quyết khiếu nại như quy định tại Khoản 2, Điều 67 đối với những lĩnh vực mà tòa án không có chuyên môn sâu, tòa án vẫn có quyền trưng cầu giám định hoặc tham khảo ý kiến của các chuyên gia làm căn cứ xét xử. Thực tế hiện nay đại đa số các khiếu nại của người dân thuộc về lĩnh vực đất đai, nên nếu để quy định như Khoản 2, Điều 67 thì việc mở rộng chỉ là "bình mới, rượu cũ" mà thôi. Đồng thời để tránh hiện tượng xung đột pháp luật giữa luật này với các luật khác thì chúng ta có thể áp dụng dùng một luật sửa nhiều luật tại Luật ban hành quy phạm văn bản pháp luật.

Thứ ba, về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính quy định tại Điều 68. Thực tiễn giải quyết vụ án trong thời gian qua cho thấy việc quy định thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính như pháp luật hiện hành là quá ngắn, cần được kéo dài thêm để các bên khởi kiện có đủ thời gian thu thập chứng cứ, hoặc nhờ tư vấn, trợ giúp pháp lý trước khi khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, nếu quy định 2 năm như Luật dân sự lại không phù hợp với lĩnh vực hành chính do nhiều lĩnh vực cần phải giải quyết nhanh để kịp thời khắc phục hậu quả, hoặc kịp thời triển khai các công việc khác có liên quan. Riêng với những khiếu kiện đã có quyết định giải quyết khiếu nại thì thời hiệu có thể ngắn hơn vì đương sự đã có thời gian để chuẩn bị tài liệu, chứng cứ ở giai đoạn khiếu nại. Theo tôi việc quy định thời hiệu khác nhau đối với từng lĩnh vực như Điều 68 dự thảo luật là phù hợp.

Thứ tư, về thủ tục thỏa thuận trong tố tụng hành chính. Quan hệ hành chính thực chất là quan hệ giữa một bên là cơ quan hành chính đại diện cho Nhà nước và một bên là tổ chức hoặc cá nhân. Cơ quan hành chính không được phép thỏa thuận hoặc quyết định những vấn đề có thể gây thiệt hại cho Nhà nước hoặc cho bên thứ ba mà chỉ được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Do đó, trong tố tụng hành chính, các bên chỉ có thể đối thoại với nhau để chỉ ra chỗ đúng, chỗ sai trong quyết định hành vi hành chính, từ đó chấp nhận hoặc không chấp nhận hành vi, quyết định đó mà thôi.

Riêng đối với các vụ án hành chính đã qua thủ tục giải quyết khiếu nại trước khi khởi kiện ra tòa thì các bên không bắt buộc phải tiến hành đối thoại nữa, vì việc đối thoại đã được thực hiện trong quá trình giải quyết khiếu nại.

Thứ năm, về cơ chế xử lý đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện sai lầm nghiêm trọng nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc trường hợp đã có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, những phát hiện có sai lầm nghiêm trọng. Để đảm bảo quyền lợi cho các bên đương sự, tôi đề nghị cần có cơ chế xem xét lại đối với những bản án, quyết định như trên. Tuy nhiên, cần có quy định rất chặt chẽ để cơ chế này không bị lợi dụng. Nếu được chấp nhận đây sẽ là tiền đề cho việc xem xét, sửa đổi, bổ sung trong Luật tố tụng dân sự và Tố tụng hình sự.

Thứ sáu, về việc thi hành bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật, dự thảo chỉ dành duy nhất Điều 159 để quy định về việc thi hành án hành chính, theo tôi chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra, chưa giải quyết được những bất cập của pháp luật hiện hành mà chính Ban soạn thảo cũng nhận thấy khi tổng kết việc thi hành Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính. Dự thảo luật quy định các cơ quan hành chính nhà nước có thẩm quyền tổ chức thi hành bản án hành chính là không khách quan, vì trong các vụ án hành chính các cơ quan hành chính nhà nước là bị đơn, là người được thi hành hoặc phải thi hành án. Mặt khác quy định cơ quan hành chính cấp trên chịu trách nhiệm giám sát việc thi hành án của cơ quan cấp dưới cũng không hợp lý, vì trường hợp cơ quan hành chính cao nhất là bên phải thi hành án thì sẽ không có cơ quan nào giám sát.

Để giải quyết những bất cập trên, tôi đề nghị giao cho Bộ Tư pháp, Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thi hành án hành chính giao việc thi hành án hành chính cho các cơ quan thi hành án dân sự, vì hiện nay các cơ quan thi hành án dân sự đang chịu trách nhiệm thi hành phần dân sự trong bản án hành chính. Nếu giao cho Bộ Tư pháp quản lý nhà nước và giao cho cơ quan thi hành án dân sự thi hành bản án hành chính sẽ không làm hình thành thêm bộ máy, hệ thống cơ quan thi hành án hành chính phù hợp với tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp, vừa đảm bảo tính khách quan, công bằng và dân chủ. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan