Góp ý của Đại biểu Quốc hội Võ Minh Phương – Lâm Đồng

Thứ Ba 10:52 22-06-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin tham gia một số ý kiến về dự án Luật tố tụng hành chính như sau:

Thứ nhất, về các khiếu kiện hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án thuộc Điều 25 tôi thống nhất như phương án do cơ quan soạn thảo trình và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp là quy định thẩm quyền của tòa án theo phương án là loại trừ, trong đó tòa án giải quyết tất cả các khiếu kiện hành chính và quyết định hành chính, trừ các quyết định hành chính và hành vi hành chính đặc thù mà trong dự thảo luật quy định. Các quy định này có ý nghĩa trong việc mở rộng quyền dân chủ của công dân, vừa trong việc lựa chọn cơ quan tài phán khi mà thực hiện các khiếu kiện của công dân.

Hai nữa là tăng trách nhiệm các cơ quan hành chính Nhà nước khi thực hiện nhiệm vụ công vụ.

Ba là nó phù hợp với lộ trình tăng thẩm quyền xét xử của tòa án theo cải cách tư pháp.

Tuy nhiên tôi đề nghị, quy định rõ trong luật các hành vi hành chính và quyết định hành chính đặc thù cần phải loại trừ thì có bổ sung thêm các quyết định hành chính và hành vi hành chính mà pháp luật quy định không thuộc thẩm quyền của tòa án, bởi vì các luật chuyên ngành ban hành sau này có thể sẽ quy định để giải quyết các khiếu nại hành chính và hành vi hành chính thuộc các lĩnh vực khác. Cũng qua thẩm quyền này chúng tôi đề nghị cần phải có lộ trình xem xét, bởi vì khi quy định thẩm quyền như vậy thì số việc giao cho tòa án sẽ tăng lên đáng kể.

Theo báo cáo tổng kết của Tòa án nhân dân tối cao những năm gần đây số lượng khá lớn, nếu mở rộng thẩm quyền thì việc tăng lên rất nhiều. Về chất lượng thì theo Báo cáo của Tòa án những năm gần đây số lượng giải quyết án này lượng án bị hủy khá lớn bình quân án hủy gần 6%, án cải sửa 5%, nếu mở rộng thêm thẩm quyền thì rõ ràng phải cân nhắc thêm điều kiện để đảm bảo như vấn đề cán bộ, thẩm phán, kinh phí, cơ sở vật chất v.v...

Vấn đề thứ hai, về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính tôi tán thành với quy định theo phương án 1 là công dân có thể khởi kiện vụ án hành chính ngay mà không đặt ra yêu cầu phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết trước. Về một số lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quản lý đất đai thì cần phải qua xem xét trước của cơ quan hành chính Nhà nước trước khi khởi kiện. Tôi đề nghị ở loại khiếu kiện buộc thôi việc ở Khoản 3 Điều 25 nên bổ sung thêm đó là một loại việc cần thiết để cơ quan ra quyết định giải quyết xem xét giải quyết trước khi kiện ra tòa án, tạo thêm cơ hội thuận lợi cho người bị kỷ luật có thể xem xét trước một bước trước khi kiện ra tòa.

Vấn đề thứ ba, về thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm. Theo tôi Khoản 3, Điều 42 có quy định 3 căn cứ để Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án quyết định sơ thẩm để xét xử lại trong đó có 2 căn cứ theo tôi cần phải xem xét đó là việc xác minh thu thập chứng cứ không đầy đủ mà tòa án cấp phúc thẩm không thể bổ sung được hoặc có chứng cứ mới quan trọng chưa được xem xét ở giai đoạn xét xử sơ thẩm, các căn cứ này dễ tạo cho cấp phúc thẩm dễ dãi trong việc hủy án cấp dưới và như tôi đã nói ở trên là những án đã hủy khá nhiều cũng có thể do nguyên nhân này. Tôi đề nghị cần phải xem xét lại như sau:

Trường hợp thứ nhất là việc xác minh thu thập chứng cứ có đầy đủ hay không thuộc vào trách nhiệm cung cấp của tổ chức, cá nhân, đương sự trong đó có phần xác minh của tòa án. Mặc khác vụ án hành chính có thời gian xét xử ngắn do đó không nên sử dụng khái niệm chứng cứ không đầy đủ coi đó là lý do hủy án, nhất là nhiều trường hợp các bên cố tình không cung cấp chứng cứ hoặc kéo dài thời hạn cung cấp chứng cứ mà tòa án phải xét xử trên cơ sở các chứng cứ đã thu thập và xác minh trong thời hạn luật định.

Trường hợp thứ hai là trường hợp có chứng cứ mới quan trọng thì cấp phúc thẩm có thể xác minh thêm và nếu có căn cứ thì sửa án sơ thẩm phù hợp với quy định về quyền bổ sung và sử dụng chứng cứ mới ở cấp phúc thẩm theo Điều 134 của Dự thảo luật, đây không phải là lý do hủy án để xét xử lại. Qua đó tôi đề nghị xem xét lại hai căn cứ này và có thể bỏ hai căn cứ này trong thẩm quyền của Tòa án cấp phúc thẩm.

Vấn đề thứ tư, xung quanh việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính. Để đảm bảo dự thảo luật chặt chẽ, phù hợp với Điều 23 quy định về nguyên tắc bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính, đề nghị dự thảo luật cần có một chương quy định việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng hành chính tương tự như trong các luật khác như Bộ luật tố tụng dân sự đã có quy định một phần thứ tám trong các chương về xử lý các hành vi cản trở trong hoạt động tố tụng dân sự hoặc khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự.

Vấn đề thứ năm, xung quanh một số nội dung trong báo cáo giải trình, bổ sung của cơ quan soạn thảo, có 3 vấn đề chúng tôi xin có ý kiến sau đây.

Một là hướng xử lý đối với trường hợp phát hiện bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật có sai lầm nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Vấn đề này đã được thảo luận khi xây dựng Bộ luật dân sự năm 2005 nhưng cuối cùng không giải quyết được, nay tôi cũng tán thành với việc xây dựng một cơ chế đặc biệt cho phép kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm với bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng đã hết thời hạn kháng nghị nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong những trường hợp mà lỗi của việc để quá thời hạn là do Tòa án chậm xem xét các quyết định.

Cơ quan soạn thảo có đưa ra một điều riêng cho phép kháng nghị quá hạn, theo tôi nếu quy định như vậy là đồng nghĩa với việc bỏ quy định về thời hạn kháng nghị. Theo tôi cần lưu ý mặt trái khi có quy định này có thể dẫn đến.

Một là tòa án sẽ không khẩn trương xem xét các đề nghị giám đốc thẩm bởi vì quá hạn đã có cơ chế rồi.

Thứ hai là sẽ làm cho vụ án không có điểm dừng và việc kháng nghị có thể sẽ tràn lan.

Thứ ba là việc khiếu nại giám đốc thẩm kéo dài sẽ ảnh hưởng đến công tác thi hành án, tạo ra tâm lý chờ đợi giám đốc thẩm, trì hoãn không thi hành án, sợ thi hành án xong mà bị kháng nghị sẽ phức tạp khi giải quyết hậu quả.

Theo tôi cần cho phép kháng nghị nhưng có điều kiện đó là bổ sung vào Điều 147, tức là điều về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm theo hướng kéo dài thời hạn giám đốc thẩm thêm 1 năm và đảm bảo các điều kiện, ví dụ như có đơn đề nghị kháng nghị.

Thứ hai là có căn cứ xác định bản án quyết định sai lầm nghiêm trọng.

Thứ ba là có đề nghị kháng nghị bằng văn bản của Hội đồng thẩm phán.

Vấn đề thứ hai, hướng xử lý đối với trường hợp phát hiện quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm. Thực tiễn công tác giám đốc thẩm cũng đã phát hiện có quyết định của Hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm nhưng không có cơ chế kháng nghị. Theo tôi cần có cơ chế cho phép Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của mình khi có kháng nghị của Chánh án. Đó là bổ sung quyền hạn của Chánh án, của Hội đồng thẩm phán theo Điều 22 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002. Nhưng xem đây là trường hợp rất đặc biệt cần quy định rất chặt chẽ vì đây là cơ chế mới, dễ tạo sự hoài nghi trong xã hội, về tính nghiêm minh của tất cả bản án quyết định của cơ quan xét xử cao nhất. Để kháng nghị quyết định của Hội đồng thẩm phán cần có ý kiến đề nghị kháng nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với tư cách là cơ quan giám sát, cơ quan quyết định, các thành viên của Hội đồng thẩm phán khi xét xử giám đốc thẩm phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng thẩm phán chấp thuận và sự thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Cuối cùng, cơ chế khắc phục tình trạng đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm quá nhiều, quá tải ở Tòa án nhân dân tối cao. Đây là thực tế tồn tại nhiều năm nay, nhất là ở dân sự, hàng năm giải quyết hơn 10.000 đơn và Tòa án chỉ xem xét được hơn 40%. Cơ quan soạn thảo đề xuất thành lập các Hội đồng xét đơn tại các Tòa án theo quy định của luật hiện hành không có cơ chế giải quyết đơn khiếu nại, tuy nhiên do chất lượng xét xử của các Tòa án thực sự có sai sót, không ít trường hợp đề nghị giám đốc thẩm được chấp nhận và phải kháng nghị giám đốc thẩm. Do đó tôi thống nhất nên có cơ chế giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm hữu hiệu để ngăn chặn bớt các khiếu nại không có căn cứ, cần bổ sung một điều về đơn đề nghị giám đốc thẩm và việc giải quyết đơn theo quy chế xem xét theo đề nghị giám đốc thẩm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, trong đó quy định cụ thể trình tự từ việc nhận đơn, nhận hồ sơ, người có trách nhiệm xem xét đơn, việc xem xét các căn cứ khiếu nại, trả lời đơn, việc nộp phí v.v... thì mới đầy đủ. Trên cơ sở quy định này Tòa án nhân dân tối cao sẽ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành một quy chế xem xét đơn đề nghị giám đốc thẩm không chỉ riêng án hành chính mà áp dụng chung cho các loại án dân sự và các loại án khác. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan