Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Hồng Anh – TP Hà Nội

Thứ Ba 10:50 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Về dự án Luật tố tụng hành chính tôi xin có một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về đối tượng điều chỉnh. Tôi tán thành với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Tuy nhiên tôi đề nghị bỏ cụm từ "cơ bản" thay từ "những" bằng từ "các" trong Điều 1 dòng đầu tiên vì lý do là cũng như Luật tố tụng hành chính khác, Luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính là luật hình thức quy định về thủ tục trình tự khởi kiện và giải quyết các vụ án hành chính. Các vi phạm trong Luật tố tụng hành chính được xây dựng trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức tòa án và các luật khác có liên quan, trong đó các quy định của Hiến pháp của Luật tổ chức tòa án mang tính chất cơ bản. Cho nên các nguyên tắc quy định trong Luật tố tụng hành chính phải là các nguyên tắc cụ thể, làm cơ sở hoạt động của tòa án hành chính. Thực tế quy định các điều từ Điều 3 đến Điều 23 cho thấy các điều nêu trên đều là những nguyên tắc cụ thể trong hoạt động tố tụng hành chính.

Thứ hai, việc đưa ra các Khoản 1, 2, 3 của Điều 2 giải thích từ ngữ là không hợp lý vì việc giải thích thế nào là quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc thuộc nội dung của Luật khiếu nại, tố cáo. Mặt khác, nếu Luật khiếu nại, tố cáo không hiểu quyết định hành chính, hành vi hành chính, quyết định kỷ luật buộc thôi việc như cách hiểu của Khoản 1, 2, 3 của Điều 2 dự thảo luật này, khi đó chúng ta sẽ xử lý sự xung đột pháp luật như thế nào?

Thứ ba, về thẩm quyền của Tòa án, tôi tán thành với quy định về thẩm quyền của Tòa án theo phương pháp loại trừ. Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng không rõ ràng về thẩm quyền cần xác định rõ phạm vi loại trừ. Do đó cần quy định rõ phạm vi những quyết định hành chính, hành vi hành chính trong lĩnh vực quốc phòng an ninh, ngoại giao để làm cơ sở, căn cứ vào đó Chính phủ sẽ lập danh mục về những quyết định hành chính, hành vi hành chính trong những lĩnh vực trên không thuộc thẩm quyền, phạm vi giải quyết của Tòa án. Bên cạnh đó, Khoản 1, Điều 25 cần xác định rõ hành vi mang tính chất nội bộ của cơ quan hành chính Nhà nước là những hành vi như thế nào?

Thứ tư, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại quy định của Điều 26 buộc thực hiện các biện pháp bảo đảm vì lý do sau: Quan hệ trong tố tụng hành chính là quan hệ giữa một bên là Nhà nước, một bên là công dân, trong đó công dân luôn ở thế yếu, vì ở vị thế yếu nên công dân phải nhờ đến một thiết chế trung gian đủ quyền lực để bảo vệ quyền của mình, thiết chế đó là Tòa án. Các biện pháp mà công dân yêu cầu Tòa án áp dụng là những biện pháp nhằm bảo đảm không làm xấu hơn tình trạng của công dân trước khi Tòa án ra phán quyết.

Do vậy, những biện pháp khẩn cấp tạm thời không thể gây ảnh hưởng cho các chủ thể khác. Vì vậy, việc dự thảo luật buộc người yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời phải gửi một khoản tiền, kim loại quý hoặc đá quý là không hợp lý.

Đối với các đơn kiện khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, những đơn này chỉ liên quan trực tiếp đến quyết định của hội đồng cạnh tranh chứ không liên quan đến yêu cầu buộc thực hiện các biện pháp bảo đảm.

Thứ tư, về cơ chế xử lý đối với các quyết định của tòa hành chính đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng nhưng đã hết thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, hoặc trường hợp đã có quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Tòa án nhân dân tối cao, nhưng phát hiện ra sai lầm nghiêm trọng, tôi có ý kiến như sau:

Mục tiêu cao cả của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng là bảo đảm công bằng xã hội, bảo đảm các quyền tự do dân chủ công dân, trong đó quyền công dân phải được đề cao và bảo vệ. Trên tinh thần đó, trách nhiệm của Nhà nước nói chung, của các cơ quan Tư pháp nói riêng là không để xảy ra tình trạng oan sai, xâm phạm đến quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân. Do vậy, trong trường hợp phát hiện sai lầm trong quyết định bản án của Tòa án gây ảnh hưởng đến quyền công dân thì bất luận ở tình trạng nào, bản án quyết định đó cũng cần phải được xem xét lại.

Mặt khác, theo quy định của Hiến pháp và luật hiện hành, hoạt động xét xử thuộc thẩm quyền riêng của Tòa án, phán quyết của Tòa án đã có ảnh hưởng của pháp luật buộc các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, đơn vị kinh tế cá nhân có liên quan phải chấp hành. Không một cơ quan, tổ chức, cá nhân nào có thể can thiệp hoạt động xét xử của Tòa án. Việc xem xét và ra phán quyết của Tòa án được thực hiện trên cơ sở thủ tục tố tụng chặt chẽ. Do vậy, việc xem xét lại bản án quyết định có hiệu lực pháp luật mà có sai lầm nghiêm trọng, cũng cần phải được thực hiện theo quy trình của pháp luật tố tụng và phải do cơ quan tố tụng tức là do Tòa án thực hiện, chứ không thể ủy quyền hay giao cho một cơ quan nào khác.

Với lý do đó tôi đề nghị trao thẩm quyền xem xét vụ án cho Chủ tịch nước là không hợp lý. Thủ tục xem xét các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của tòa án mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng cần phải được quy định ngay trong dự thảo luật này, hoàn toàn thuộc thẩm quyền của Quốc hội và cũng không trái với quy định của Hiến pháp hiện hành. Vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung vào dự án luật thủ tục, xem xét lại bản án, quyết định của tòa án hành chính đã có hiệu lực pháp luật mà phát hiện có sai lầm nghiêm trọng.

Thứ năm, về biện pháp bảo đảm thi hành bản án, quyết định của tòa án. Do tính chất đặc thù của đối tượng xét xử của Tòa hành chính nên việc bảo đảm các quyết định, bản án của tòa án đã có hiệu lực được thi hành trên thực tế thì cần phải thiết kế biện pháp bảo đảm thi hành mang tính chất đặc thù tương ứng. Việc dự án luật chỉ dành một điều khoản, đó là Điều 159, quy định về thi hành bản án hành chính trong khi chưa có văn bản nào bổ sung những quy định hỗ trợ nên các bản án, quyết định của Tòa hành chính khó có tính khả thi. Công tác quản lý Nhà nước về thi hành án cũng chưa rõ ràng, Khoản 5, Điều 159 quy định: "Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về công tác thi hành án hành chính trong phạm vi cả nước", nhưng lại không xác định cơ quan nào giúp Chính phủ thực hiện công tác này. Về lâu dài Quốc hội cũng cần tính đến việc xây dựng Luật thi hành án hành chính.

Cuối cùng, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại và chỉnh sửa một số thuật ngữ cho phù hợp như thay thuật ngữ "khiếu kiện" bằng thuật ngữ "khởi kiện"ở các Điều 25, 26, 27 và bỏ từ "họ" trong các Điều 38, 39. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan