Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hiền – Khánh Hoà
Kính thưa Đoàn Chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội,
Theo Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng dân sự hiện nay có 117 điều trong tổng số 418 điều của Bộ luật tố tụng dân sự có vướng mắc, bất cập. Trong đó có một số vướng mắc, bất cập đặt ra yêu cầu phải sửa đổi Bộ luật tố tụng dân sự. Cụ thể, lần này Tòa án nhân dân tối cao đề nghị sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ 61 điều. Đây là một đạo luật lớn và lần sửa đổi này cũng là lần sửa đổi với một số điều khá lớn so với các luật khác. Cũng tại kỳ họp này chúng ta đã thông qua một số luật và cho ý kiến một số luật có liên quan như Luật tố tụng hành chính, Luật khiếu nại, Luật Tố cáo. Như vậy rất thuận lợi cho các đại biểu Quốc hội chúng ta có điều kiện để tham khảo và so sánh giữa các luật với nhau.
Theo tôi dự án luật đã được chuẩn bị công phu trên cơ sở khảo sát thực tiễn, áp dụng Bộ luật tố tụng dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Nhìn chung hồ sơ dự án luật đã được chuẩn bị đầy đủ theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Sau đây tôi xin được đóng góp 2 vấn đề đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.
Vấn đề thứ nhất, tôi thống nhất với Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao về việc cần trao lại cho Tòa án thẩm quyền hủy quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác. Tại Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989 có quy định: Khi xét xử vụ án dân sự Tòa án có thẩm quyền hủy quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ án mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết. Thực tiễn 15 năm thi hành Điều 12 của Pháp lệnh cho thấy việc xử lý các quyết định hành chính, văn bản hành chính trong khi xét xử các vụ án dân sự là thống nhất, đảm bảo tính chính xác, nhanh chóng, đúng pháp luật, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức. Kể từ khi có Bộ luật tố tụng dân sự đến nay đã thi hành hơn 5 năm, quy định này không còn nhưng việc xử lý của các Tòa án đối với các quyết định hành chính chủ yếu là trong các tranh chấp thừa kế, tranh chấp quyền sử dụng đất, Tòa án đã phát hiện nhiều giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà, quyết định giao đất rõ ràng trái pháp luật, giao trái thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng thực trạng cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu bỏ sót để lọt hàng thừa kế.
Việc xử lý của Tòa án trong các trường hợp này còn nhiều bất cập, có nhiều trường hợp khi xét xử Tòa án không phán quyết gì đến các quyết định hành chính trái pháp luật, mặc dù quyết định của Tòa án đã có điều chỉnh, phân chia diện tích nhà đất, chủ sở hữu khác với nội dung đã ghi trong quyết định hành chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dẫn đến tình trạng song song tồn tại một bản án có hiệu lực pháp luật công nhận quyền sử dụng cho nguyên đơn một quyết định hành chính có hiệu lực công nhận quyền lợi cho bị đơn. Có trường hợp Tòa án ghi trong phần quyết định kiến nghị các cơ quan đã ban hành quyết định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật thu hồi hoặc hủy bỏ quyết định hành chính, cũng có tòa vẫn tuyên hủy quyết định. Trên thực tế việc thực thi quyết định hành chính theo kiến nghị của tòa chỉ được thực hiện khi cơ quan hành chính tự đồng thuận với kiến nghị còn những trường hợp không được đồng thuận thì không thực hiện hoặc không thực hiện đúng quyết định của tòa. Với lý do việc thi hành phần quyết định của tòa án là theo thủ tục thi hành án dân sự còn thi hành án dân sự thì cho rằng không có thủ tục thi hành phần kiến nghị hủy quyết định hành chính dẫn đến việc tuân thủ bản án quyết định của tòa án không nghiêm. Mặt khác, việc quy định này dẫn đến các cơ quan chuyên môn lại thêm một thủ tục nữa làm mất nhiều thời gian của người dân.
Theo báo cáo thực tiễn thi hành 5 năm Bộ luật tố tụng dân sự của tòa án và Báo cáo đánh giá tác động dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự của Tòa án nhân dân tối cao có nêu: thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự tại tòa án nhân dân trong 5 năm qua cho thấy, việc bỏ quy định này đã làm cho tòa án trong quá trình xét xử vụ việc dân sự phát hiện có quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án mà tòa án có nhiệm vụ giải quyết nhưng tòa án không có thẩm quyền tuyên hủy quyết định đó mà chỉ kiến nghị cơ quan ban hành văn bản tự hủy bỏ dẫn đến mất nhiều thời gian của nhà nước và không đảm bảo kịp thời quyền và lợi ích chính đáng của các bên đương sự. Việc bổ sung quy định về thẩm quyền của tòa án đối với quyết định này nhằm khắc phục những tình trạng trên.
Như vậy qua thực tiễn thi hành Bộ luật tố tụng dân sự 5 năm qua, Điều 12 của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự đã được đa số ý kiến của tòa án các cấp kiến nghị khôi phục lại thẩm quyền như Điều 12. Cũng tại kỳ họp này Quốc hội đã thông qua Luật tố tụng hành chính ngày 24/11/2010, tại luật này quy định: Hội đồng xét xử có thẩm quyền quyết định chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện, tuyên hủy một phần hoặc toàn bộ quyết định hành chính trái pháp luật buộc cơ quan Nhà nước hoặc người có thẩm quyền trong cơ quan Nhà nước thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật. Điểm b, Khoản 2, Điều 163 Luật tố tụng hành chính đây là lý do để Ban soạn thảo Bộ lụât tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định cơ quan tổ chức khác tại dự án luật.
Quy định này là căn cứ pháp luật để thẩm phán, Hội đồng xét xử giải quyết vụ án dân sự, tuyên hủy quyết định rõ ràng trái pháp luật với các tổ chức khác và tránh được tình trạng Hội đồng xét xử chỉ có kiến nghị cơ quan ban hành quyết định trái pháp luật tự hủy bỏ. Việc bổ sung quy định này còn có ý nghĩa bảo đảm Tòa án khi nhân danh Nhà nước giải quyết các vụ án dân sự, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, tổ chức khác. Trong dự thảo Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung lần này đã có quy định trao lại thẩm quyền này cho Tòa án về cơ bản như Điều 12 cũ, nhưng lại bổ sung cụm từ "nhưng không trái với các quy định khác". Tại Điều 21 b, Thẩm phán của Tòa án đối với quyết định cơ quan khác như sau: khi xét xử vụ án dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ án mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết nhưng không trái với các quy định khác của pháp luật.
Theo quan điểm của tôi, tôi đề nghị Ban soạn thảo xem xét như sau: đối với việc sửa đổi, bổ sung Điều 21 b vào dự án luật, cần giữ nguyên như nội dung của Điều 12, pháp lệnh, thủ tục giải quyết các vụ án dân sự trước đây, không cần phải bổ sung cụm từ "nhưng không trái với các quy định khác của pháp luật". Bởi lẽ như tôi đã phân tích ở trên, thực tiễn xét xử 15 năm áp dụng nội dung Điều 12 của pháp lệnh là thống nhất đảm bảo việc thực thi pháp luật cả về lý luận và thực tiễn, tổng kết 5 năm thi hành Bộ luật tố tụng dân sự, ngành tòa án có kiến nghị khôi phục lại thẩm quyền này cho tòa án dân sự vì trước đây với lý do bỏ Điều 12 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự là theo quan điểm khi phát hiện có quyết định trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác thì tòa án hướng dẫn đương sự phải khiếu nại theo quy định của Luật khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính, nhưng trong quá trình thực hiện Bộ luật tố tụng dân sự chúng ta đã không thực hiện được việc này. Do vậy, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự kỳ này cần trao lại thẩm quyền này cho tòa án. Theo tôi cần giữ nguyên theo quy định cũ như Điều 12.
Vấn đề thứ hai, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự lần này có việc sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến việc trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cơ quan, cá nhân, tổ chức có thẩm quyền ở Điều 7. Sự có mặt của bị đơn tại phiên tòa Điều 200, Khoản 2 đã bỏ quy định về việc bị đơn đã được triệu tập lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thay vào đó là trong trường hợp tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai bị đơn vẫn không có mặt tại phiên tòa thì phải cử người đại diện tham gia phiên tòa, nếu một bị đơn không cử người đại diện có mặt tham gia phiên tòa thì tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt.
Điều 201 về sự có mặt của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cũng tương tự như đối với bị đơn. Việc sửa đổi như vậy sẽ thuận lợi cho tòa án khi bị đơn và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì tòa án vẫn tiến hành xét xử. Điều này sẽ tháo gỡ được một số lượng án dân sự còn tồn đọng lâu nay do bị đơn vắng mặt gây khó khăn cho công tác xét xử.
Tôi đồng ý với việc sửa đổi Điều 200 và Điều 201, nhưng tôi đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát và xem xét lại để sửa đổi Điều 384 về biện pháp xử lý đối với bị đơn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Quy định bị đơn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt tại Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa không có lý do chính đáng thì tùy trường hợp có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền. Bởi vì Điều 384 nếu đối chiếu với việc sửa đổi Điều 200 và Điều 201 thì không còn phù hợp nữa, vì khi triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà bị đơn vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử. Xin cảm ơn Quốc hội.