Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Lộc – Bắc Kạn

Thứ Sáu 10:29 27-11-2009

Kính thưa Chủ tọa phiên họp.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi cũng nhận thấy rằng đối với dự thảo này đã được Ban soạn thảo chuẩn bị rất công phu và kỹ lưỡng, tuy nhiên để thông qua tại Kỳ họp thứ 6 này thì tôi cũng xin được tham gia một số ý kiến như sau:

Ý kiến thứ nhất, về điểm bưu điện văn hóa xã, trong những năm qua chúng ta thấy rằng Nhà nước ta cũng có sự đầu tư xây dựng về quá trình hoạt động của điểm bưu điện văn hóa xã cũng đã đưa lại nhiều kết quả. Đặc biệt là đối với các vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa thì chúng tôi thấy rằng điểm bưu điện văn hóa xã đã phát huy được những hiệu quả tích cực của nó và giúp cho người dân tiếp cận một cách rất thuận lợi với các thông tin cũng như sử dụng một số dịch vụ tại điểm bưu điện văn hóa xã đã thực hiện. Nhất là đối với chị em phụ nữ là một đối tượng ít có cơ hội để tiếp cận với các nguồn thông tin, các dịch vụ nhưng trong thời gian qua chúng tôi thấy rằng điểm bưu điện văn hóa xã đã đưa lại những lợi ích thiết thực cho những đối tượng này. Vì vậy tôi thiết nghĩ là đề nghị cần luật hóa về điểm bưu điện văn hóa xã này. Hai nữa là cần phải giao thêm cho điểm bưu điện văn hóa xã thực hiện một số dịch vụ liên quan để giúp cho người dân có thể được tiếp cận nhằm tăng thêm thu nhập cho nhân viên ở tại các điểm bưu điện văn hóa xã này.

Ý kiến thứ hai, đối với các quy định về bồi thường thiệt hại trong cung cấp và sử dụng dịch vụ bưu chính quy định tại các Điều 40, 41, 42 thì tôi xin có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể về mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại tại Điều 40, vì trong dự thảo chỉ quy định chung chung mức bồi thường thiệt hại do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ về bưu chính xây dựng, công bố và áp dụng không được thấp hơn mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định, nhưng lại không quy định cụ thể chủ thể nào là quy định ngay trong điều này cũng như các điều liên quan đến về quản lý Nhà nước được quy định trong dự thảo luật này.

Đồng thời cũng đề nghị xem xét lại trách nhiệm của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính trong việc bồi thường thiệt hại. Hiện nay trong dự thảo chỉ quy định hai đối tượng phải thực hiện bồi thường khi có thiệt hại xảy ra đó là về chất lượng và thời gian để thực hiện dịch vụ bưu chính. Nhưng theo Điều 518 của Bộ luật dân sự thì hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên và theo đó cung ứng dịch vụ phải thực hiện công việc cho bên thuê dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ thì phải trả tiền dịch vụ cho bên cung ứng dịch vụ.

Theo Khoản 9, Điều 29 của dự thảo luật thì người sử dụng dịch vụ bưu chính có nghĩa vụ thực hiện thanh toán đầy đủ các giá cước dịch vụ mà mình sử dụng, như vậy bản chất của bồi thường thiệt hại trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là bồi thường thiệt hại trong việc thực hiện hợp đồng. Do đó việc bồi thường thiệt hại không chỉ là thực hiện ở hai nội dung về chất lượng và thời gian mà nó còn phải bao gồm nhiều yếu tố như chất lượng, số lượng, thời gian, địa điểm và các thỏa thuận khác thì mới đảm bảo được đầy đủ các nội dung thuộc về trách nhiệm thực hiện hợp đồng này.

Đề nghị cần quy định cụ thể về quyền, nghĩa vụ của các bên khi tham gia hợp đồng vì tại Chương II quy định về hợp đồng thì phải có quyền và nghĩa vụ của các bên khi tham gia giao kết và thực hiện hợp đồng thì mới có cơ sở để cho việc xác định trách nhiệm bồi thường thiết hại.

Ý kiến thứ ba, tại Điều 10 quy định về hợp đồng cung ứng và sử dụng dịch vụ chủ yếu mang tính chất về khái niệm hợp đồng cung ứng về sử dụng dịch vụ bưu chính. Tuy nhiên ở phần cuối Khoản 1 của Điều 10 này quy định dấu ngày và các thông tin xác định thời gian chấp nhận bưu chính gửi là căn cứ xác định trách nhiệm của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính. Theo tôi nội dung này nó không liên quan đến nội dung trong Điều 10 này. Cho nên chúng ta cần chuyển nó về Khoản 3 của Điều 11 thì hợp lý hơn.

Ý kiến thứ tư, đó là trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động bưu chính của Ủy ban nhân dân các cấp tại Khoản 2 của Điều 44 như các đại biểu trước đã phát biểu nhiều, nó không hợp lý ở chỗ bây giờ chúng ta lại có thêm bộ phận chuyên môn để giúp cho Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về bưu chính, không hợp lý, nó sẽ vướng mắc khi dự án luật này đi vào thực thi. Do đó tôi cần phải xem xét để chỉnh sửa lại cho hợp lý, có thể là chỉ một cán bộ theo dõi chứ không phải là một bộ phận như trong dự thảo luật đã quy định.

Ý thứ năm, là các hành vi nghiêm cấm được quy định tại Điều 9, tôi nghĩ thực sự cần thiết nhưng có vấn đề đặt ra chúng ta cũng cần phải xem xét đó là ai có thể kiểm tra một số hành vi nghiêm cấm như quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 của Điều 9. Khoản 1 quy định là truyền bá những tài liệu cấm, truyền bá những tài liệu kích động gây mất an ninh, phá hoại đoàn kết dân tộc, tôn giáo, nhằm mục đích chống phá Nhà nước. Hay là tại Khoản 3 truyền bá văn hoá phẩm trái với đạo đức xã hội v.v... Tuy nhiên trong Điều 4 quy định về nguyên tắc của hoạt động bưu chính phải đảm bảo về bí mật thư tín theo quy định của Hiến pháp và Pháp luật, Khoản 2, Điều 4 này. Có nghĩa là nhân viên của bưu điện không thể nào bóc thư của người gửi để xem xét những nội dung bên trong, vì vậy những bưu phẩm được gửi đi thì có những vấn đề quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 của Điều 9, vấn đề này sẽ xử lý như thế nào, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc xem xét thêm. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan