Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Luật – Kiên Giang

Thứ Sáu 10:30 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có một số ý kiến phát biểu về dự án luật.

Trước hết, tôi tán thành với nhiều nội dung nêu trong Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường và nhiều ý kiến của các vị đại biểu đã phát biểu trước tôi xin không nhắc lại.

Thứ nhất, các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bưu chính được quy định tại Điều 9 tôi rất tán thành. Tôi xin báo cáo với Quốc hội về Khoản 4 là mạo danh người khác khi sử dụng dịch vụ bưu chính vì cái này có liên quan đến trách nhiệm của các doanh nghiệp, các tổ chức cung cấp dịch vụ bưu chính. Trong thời gian vừa qua khi đi khảo sát ở một số địa phương liên quan đến thi hành pháp luật, thi hành án hình sự thì chúng tôi có hỏi một số các đồng chí công tác ở một số trại giam về kiểm tra thẩm lậu ma túy dưới hình thức như gửi vào trại giam, tức là người thân bên ngoài gửi vào trại giam kiểm soát có khó khăn gì không? Có thực tế chúng tôi xin báo cáo Quốc hội để Ban soạn thảo cân nhắc lưu ý đến thực trạng này.

Một số đồng chí cho biết là có một số hiện tượng kiểm tra phát hiện gửi ma túy thông qua bưu gửi vào cho phạm nhân rất tinh vi. Tức là họ gửi lạc khô để cả vỏ, tách ra cho ma túy vào và lấy keo con voi dán lại, các lực lượng chuyên trách trong trại giam phát hiện. Căn cứ vào đó theo địa chỉ trên bưu gửi qauy trở lại bưu điện nơi nhận gửi thì hoàn toàn không đúng với địa chỉ của người gửi là mạo danh. Vậy làm như thế nào để kiểm soát được vấn đề này, chúng tôi xin đề nghị ở Chương V quy định về trách nhiệm của các cơ quan cung cấp dịch vụ nhất là bưu điện khi nhận bưu phẩm, bưu kiện thì phải kiểm tra hết sức chặt chẽ căn cước của người gửi để làm cơ sở cho các cơ quan chức năng phát hiện. Cho nên Điều 9 nếu ta quy định như thế này, như một số đại biểu phát biểu trước thì khả năng thực thi khi các cơ quan chức năng phát hiện xử lý như thế nào? Trách nhiệm của người gửi ít nhất đối với một số loại bưu phẩm, bưu kiện thì phải bắt buộc xuất trình chứng minh để kiểm tra căn cước để cho các điều cấm có khả năng thực thi như một số vị đại biểu đã phát biểu trước.

Ý thứ nhất, chúng tôi xin kiến nghị ở Chương V đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ và người cung cấp dịch vụ có liên quan như vậy.

Ý kiến thứ hai, có liên quan đến giải quyết khiếu nại, tranh chấp và bồi thường tôi tán thành với rất nhiều ý kiến của các vị đại biểu phát biểu trước thì tôi xin không phân tích lại. Tôi xin kiến nghị Ban Soạn thảo và Ủy ban Thẩm tra sẽ xem xét dưới mấy góc độ:

Thứ nhất, tuy hợp đồng dịch vụ bưu chính giữa các cơ sở cung cấp dịch vụ và người sử dụng có thể là hợp đồng dân sự, có thể là hợp đồng kinh doanh thương mại theo Luật Thương mại. Nhưng ở đây nó có một đặc thù là người cung cấp dịch vụ hoàn toàn đặt ra các điều kiện và người sử dụng dịch vụ phải chấp nhận mà không mang hoàn toàn tự nguyện như trong dân sự bình thường. Đúng là có yếu tố thỏa thuận nhưng thỏa thuận trên cơ sở các điều kiện người cung cấp dịch vụ áp đặt, anh chấp nhận thì tôi thực hiện dịch vụ cho anh, anh không chấp nhận tôi không thực hiện dịch vụ, nó khác là như vậy. Cho nên trong quá trình xử lý các tranh chấp, các vi phạm cũng phải có đặc thù. Tôi tán thành với quan điểm là các tranh chấp phát sinh giữa các bên trong quá trình thực hiện dịch vụ thì các bên phải ngồi với nhau thương lượng, giải quyết với nhau hòa giải để sớm chấm dứt tranh chấp đỡ phải đưa nhau ra tòa, vừa tốn kém vừa mất thì giờ. Cho nên phải có quy định riêng về giải quyết khiếu nại thời hạn hết sức ngắn chứ trong này dự thảo Luật quy định là thời hiệu khiếu nại tối thiểu song lại tối đa để cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công bố thì tôi thấy nó không phù hợp. Mà trong luật này phải quy định thời hạn khiếu nại là bao nhiêu ngày trong trường hợp hết thời hạn đó mà hai bên không thỏa thuận được thì các bên có quyền khởi kiện ra tòa án có thể là theo thủ tục tố tụng dân sự, vì đây chủ yếu là các vụ án dân sự kinh doanh thương mại và khi khởi kiện ra Tòa án rồi đương nhiên thời hiện khởi kiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật thương mại và các luật khác, chúng ta quy định như thế nó chặt chẽ.

Thứ hai, tôi xin kiến nghị là phải căn cứ vào các nguyên tắc trong Bộ luật dân sự để quy định trách nhiệm bồi thường. Ở đây mức giới hạn trách nhiệm bồi thường tôi đề nghị nếu thực hiện các dịch vụ quốc tế tương tự như trong vận chuyển hàng không là Công ước Vacsava quy định mức bồi thường trần, như trước đây có một số trường hợp 20.000 đôla là mức trách nhiệm trần không thể vượt được. Nhưng nếu chúng ta không quy định ở đây sau này Tòa án hoặc trọng tài giải quyết thì quyết định như thế nào mà luật không quy định. Tôi xin kiến nghị một số nội dung cụ thể như vậy, xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan