Góp ý của Đại biểu Quốc hội Tạ Ngọc Tấn – Thái Bình

Thứ Sáu 10:28 27-11-2009

Kính thưa Chủ tịch đoàn,

Thưa Quốc hội,

Trước hết tôi chia sẻ ý kiến với nhiều đại biểu phát biểu trước tôi, đồng thời cũng có những ý kiến của một số đại biểu, tôi cảm thấy không đồng ý theo quan điểm của riêng tôi. Với tinh thần chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Đức Kiên, chúng tôi xin phát biểu ngắn vào 3 ý nhỏ như sau:

Thứ nhất, theo tôi Khoản 1, Điều 32 là rất cần thiết, hợp lý và đúng đắn, chúng ta biết việc quy định Thủ tướng Chính phủ chỉ định một doanh nghiệp bưu chính của Nhà nước quản lý mạng bưu chính công cộng và thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo nhiệm vụ, kế hoạch mà Nhà nước giao là rất cần thiết, bởi mấy lý các đồng chí phát biểu, tôi xin nhắc lại thật nhanh.

Một, đây là việc liên quan đến giải quyết các dịch vụ rất khó khăn, thu lợi ít, thậm chí không thu lợi. Các đại biểu trước đã phát biểu, nếu như hai ngành bưu chính và viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông có thể nói ngành viễn thông là ngành thu lợi nhiều nhất thì nó tách ra khỏi bưu chính. Hiện nay còn bưu chính ở lại là ngành rất khó khăn và khoản thu lợi ở đây rất ít, bởi vì chủ yếu là phục vụ dịch vụ, mà dịch vụ này lợi nhuận không đáng kể. Nếu chúng ta có thể dễ dàng gửi 100 triệu, 1 tỷ từ Hà Nội về Hải Phòng theo tuyến xe Hoàng Long một cách đơn giản, nhưng gửi số tiền 50.000 hoặc mấy tờ báo lên một xã vùng xa ở Mù Căng Chải hoặc ở Đông hoặc Tây Trường Sơn, chuyện đó không có dịch vụ tư nhân nào họ làm cho chúng ta. Mà đấy là điều cần thiết để khẳng định Nhà nước cần phải chỉ định một công ty. Theo tôi thậm chí chỉ định trực tiếp là Tổng công ty Bưu chính Việt Nam. Với lý do là ngoài tất cả những dịch vụ ấy thì Tổng công ty này còn có trách nhiệm để thực hiện một loạt dịch vụ và các nhiệm vụ liên quan đến an ninh, quốc phòng và liên quan đến nhiệm vụ Nhà nước, ví dụ chuyển thư, điện khẩn hoặc những bưu gửi đặc biệt liên quan đến an ninh, quốc phòng.

Mặt khác, để đảm bảo thực hiện những nhiệm vụ dịch vụ ở những vùng khó khăn mang lại phúc lợi cho bà con ở vùng sâu, vùng xa theo tôi Nhà nước cần đầu tư hơn nữa cho doanh nghiệp dịch vụ này, để họ có thể phát triển được mạng lưới và đảm bảo được chất lượng phục vụ một cách tốt nhất tất cả các dịch vụ công ích về mặt bưu chính. Chúng ta biết công ích và sự tiện lợi của dịch vụ bưu chính ấy là một trong những tiêu chí để đánh giá trình độ phát triển, trình độ văn minh của xã hội. Đấy là ý thứ nhất.

Còn theo tôi để đảm bảo chất lượng cho những dịch vụ này thì chúng ta sử dụng những giải pháp khác, ví dụ như kiểm tra, kiểm soát, đưa vào nghị định, về những yêu cầu, về mặt chất lượng để đảm bảo.

Thứ hai, chúng tôi phát biểu về Điểm d, Khoản 1, Điều 8 đó là Điều 8 được quy định về mở, kiểm tra, thu giữ bưu gửi và cung cấp thông tin thì trong đó có Khoản 1 là việc mở, kiểm tra, thu giữ bưu gửi và cung cấp thông tin riêng liên quan đến bưu gửi được thực hiện trong trường hợp sau, thì trường hợp d là khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản thì theo chúng tôi quan niệm rằng quy định này là cần thiết là hợp lý. Tuy nhiên nó phải rõ ràng để đảm bảo việc bí mật thông tin và bí mật các bưu gửi của công dân được đảm bảo an toàn. Đây cũng là một trình độ để đánh giá sự phát triển của mỗi quốc gia. Nếu như chúng ta quy định chung chung như thế này thì rất dễ có thể bị lợi dụng, mà khi lợi dụng giải quyết những việc riêng thì ảnh hưởng đến lợi ích của những người có bưu gửi. Cho nên tôi đề nghị là nếu không quy định thẳng vào luật thì khi thực hiện trong Nghị định của Chính phủ phải ghi rõ là những cơ quan nào. Ví dụ như cơ quan an ninh cấp tỉnh trở lên hoặc là chủ tịch tỉnh, hoặc là tòa án cấp tỉnh trở lên hoặc cấp Trung ương mới được quyền cho phép mở, kiểm tra bưu gửi.

Thứ ba, tôi xin góp ý về Khoản 2, Điều 9 là các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động bưu chính thì ở trong Khoản 2 ghi "gửi, chuyển chất nổ, chất độc, chất phóng xạ, ma tuý, vi trùng dịch bệnh nhằm mục đích khủng bố, xâm hại tài sản, tính mạng công dân gây mất trật tự an toàn xã hội". Theo tôi ghi như thế này sẽ rất khó thực hiện, bởi vì chủ thể gửi bưu gửi là chất nổ, chất độc, chất phóng xạ không thể hiện một cách trực tiếp mục đích là khủng bố hay chống lại người khác. Nếu như thế này sẽ rất nhầm lẫn với việc gửi và chuyển những chất chúng ta đề ra ở đây để phục vụ cho hoạt động có tính chất dịch vụ, có tính chất xã hội, khoa học hoặc là thực những nhiệm vụ nào đó của Nhà nước. Theo tôi cần chính thức hoá lại điều này, khoản này, nếu có thể thì sửa lại là "gửi, chuyển chất nổ, chất độc, chất phóng xạ, ma tuý, vi trùng dịch bệnh mà không có giấy phép của cơ quan có trách nhiệm" tức là bỏ "vì mục đích khủng bố" đi để đưa vào đó là nếu không có giấy phép của cơ quan có trách nhiệm, có nghĩa là nếu như có giấy phép của các cơ quan có trách nhiệm do Nhà nước giao cho thẩm quyền thì người ta mới được gửi và được gửi thế này để tránh trường hợp gây khó dễ của các cơ quan bưu điện. Hơn nữa nêu đếu để như thế này thì các cơ quan bưu điện không biết thế nào để tiếp nhận xử lý, bởi vì không biết thế nào để khẳng định đấy là có mục đích khủng bố, xâm phạm người khác hay không. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan