Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Sinh – Lạng Sơn

Thứ Năm 11:06 17-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phát biểu một số ý kiến góp ý cho Luật thanh tra (sửa đổi). Tôi thấy có 7 vấn đề gợi ý của Đoàn thư ký, Luật kỳ này sửa đổi có 5 chương, 65 điều, tôi hoàn toàn nhất trí tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật thanh tra. Tuy nhiên sửa đổi như thế nào đó là câu hỏi đặt ra mà chúng ta phải trả lời.

Trong thời gian qua, chúng ta thực hiện Thanh tra có đóng góp rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là thanh tra được nhiều vụ việc, đã kiến nghị thu hồi cho Nhà nước một số khoản tiền cũng như xử lý một số cán bộ vi phạm. Tuy nhiên ở đây có những vấn đề mà ta thấy chưa được:

Một là thẩm quyền, ở đây liên quan đến tính độc lập.

Hai là sửa phải đảm bảo tăng thẩm quyền cho thanh tra, phù hợp với cải cách hành chính.

Ba là tăng được sức mạnh.

Thứ tư là tính khả thi của luật mới.

Chính vì vậy, tôi thấy:

Thứ nhất, về tổ chức của cơ quan thanh tra, thành lập như thế nào và địa vị pháp lý, vừa là cơ quan quản lý Nhà nước, vừa là cơ quan giúp việc, ở đây chúng ta có tách ra được không, nếu đã quản lý là quản lý, đã giúp việc là giúp việc, nếu như thực hiện được chỉ có quản lý thôi thì tôi nghĩ là thanh tra sẽ có hiệu quả và không phải chờ đợi. Tôi nói ví dụ như cấp tỉnh, khi thanh tra đã quyết định thanh tra rồi, chọn nơi thanh tra thì phải có ý kiến của thủ trưởng cơ quan trực tiếp. Tôi nói ví dụ như giải quyết các vụ đất đai chẳng hạn thì phải chờ Chủ tịch cho ý kiến, từ khi quyết định thành lập cho đến khi thành lập, khi thanh tra và khi kết luận. Khi kết luận được rồi, đoàn thanh tra đó chuẩn bị kết luật để báo cáo với Chủ tịch thì Chủ tịch cũng rất nhiều việc, cho nên có khi không xem xét giải quyết ngay cho nên phải kéo dài thời gian. Và khi đưa ra để thông qua kết luận đó, ý chí đó là ý chí của ai, báo cáo với các đồng chí nhiều khi ý chí của đoàn thanh tra bị át đi và đó là ý chí của người khác cho nên là không đảm bảo và thực hiện kết luận đó kéo dài.

Chính vì vậy tôi đề nghị là trong dự thảo luật, Điều 13 quy định tôi thấy chưa được rõ lắm về địa vị pháp lý giữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra. Chính vì vậy tôi vẫn mong muốn có một cơ quan thanh tra độc lập như ý kiến của đại biểu Thái - Đoàn Hà Nội, tôi thống nhất điều này. Để thành lập điều này ta tính thế nào thì vấn đề đặt ra, rất khó nhưng nếu làm được độc lập như vậy thì từ Trung ương, đến tỉnh, cho đến huyện tôi nghĩ là rất thuận. Tôi nói ví dụ thi hành án là độc lập, nhưng vẫn chịu sự ràng buộc, chịu sự chỉ đạo của Đảng, điều đó không thoát rời được, cho nên chúng ta không lo nhưng chúng ta phải ràng buộc và xử lý. Đồng thời trong thanh tra chúng ta có thanh tra, có kiểm tra, có giám sát, ba việc này có mối quan hệ khắng khít, mật thiết với nhau. Đó là đấy là ý thứ nhất và cũng là đề nghị, rất là mong muốn là sao có tính độc lập cao.

Vấn đề thứ hai, về hoạt động thanh tra và tổ chức của cơ quan thanh tra. Ở Điều 5, có hai việc về hoạt động nói là: thanh tra hành chính, tôi đồng tình thực hiện các thanh tra, thực hiện các chính sách pháp luật của cơ quan, các tổ chức. Thứ hai, thanh tra chuyên ngành, thanh tra về chuyên môn, kỹ thuật thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành mình. Nhưng ở đây, tôi đề nghị dự thảo luật cũng phải làm rõ giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành, đặc biệt là thanh tra chuyên ngành bởi vì nó liên quan đến phần sau, là phần chúng ta bổ sung mới một số các Cục và Tổng cục về thanh tra. Tôi thấy, trong dự thảo luật chưa nói rõ, quy định chưa được rõ trong Điều 5, đặc biệt là ở Khoản 2 và Khoản 3, cho nên đề nghị Ban soạn thảo tính thật kỹ, rành rọt vấn đề này. Nếu chúng ta thấy hai vấn đề này có tác động qua lại với nhau, có tính độc lập và cần phải có song hành thì chúng ta cần quy định và đặc biệt phải tính rất kỹ về thanh tra chuyên ngành, còn nếu không sẽ chồng chéo. Bởi ngay như một Sở chẳng hạn, như vậy ta có Chi cục, và có thanh tra Chi cục và lại có thanh tra Sở. Vậy thì ông Chi cục này ông kiểm tra rồi, thanh tra rồi, ông Chi cục ông vẫn có quyền để thanh tra chứ, phải chăng có chồng chéo ở chỗ này. Vậy thì ông Sở có đảm nhận được việc này không thì tôi nghĩ là đảm nhận được. Chính vì vậy chúng ta phải phân định rõ ranh giới giữa hai thành phần này thì chúng ta mới có quy định chính xác được.

Vấn đề thứ hai, về tổ chức của cơ quan thanh tra, Điều 22, có bổ sung Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục thuộc Bộ và Thanh tra Chi cục thuộc Sở. Tôi thấy đây cũng là một cái mới trong sửa đổi của chúng ta, nhưng nên chăng chúng ta cũng phải tính toán thật kỹ như lúc nãy tôi nói để nó tránh chồng chéo, giảm được nhiều đầu mối và đặc biệt ở đây chúng tôi thấy nói ở chỗ này thì nó liên quan đến việc, tức là nếu như chúng ta tính toán không kỹ thì nó chồng chéo, một đơn vị có khi là một năm hoặc năm trước, năm sau, một đơn vị kiểm tra, xong rồi thanh tra, xong rồi giám sát thì báo cáo là rất phiền hà cho những đơn vị mà bị thanh tra, bị kiểm tra, bị giám sát, báo cáo chỗ này chúng ta cần phải tính toán kỹ hơn. Nhưng theo tôi, chắc là không nên để chỗ thanh tra Chi cục cũng như là Điều 22 này, mà nếu để phải phân tích thật là kỹ, thật là rõ về chức năng, nhiệm vụ thì mới có thể quy định được.

Thứ ba, về thanh tra nhân dân, như các đại biểu thì đại biểu nào cũng đề cập đến thì riêng tôi, tôi có suy nghĩ như thế này. Quy định tại Điều 64, hiện nay chúng ta quy định thực hiện theo luật hiện hành năm 2004 và chúng ta thực hiện trong vòng 6 năm thì trừ đi 1 năm ta triển khai luật đi rồi công bố, tôi thấy còn hơn 5 năm. Ở đây chúng ta lại quy định trong Điều 64 là tất cả chúng ta sửa hết, nhưng riêng về thanh tra nhân dân chúng ta lại để ở Luật năm 2004 tôi thấy không ổn. Lý do gì mà chúng ta sửa hết toàn bộ, còn phần đó chúng ta lại bỏ ra và trong 6 năm qua chúng ta thực hiện cái đó được cái gì và chưa được cái gì, thì trong các văn bản mà đại biểu chúng tôi có trong tay cũng chưa phân tích kỹ. Nên chăng cái được chúng ta phải chỉ ra, cái chưa được chúng ta cũng phải chỉ ra. Bởi vì đây là của nhân dân, chúng ta không thể nói rất gọn như thế được và nếu như không quy định vào Luật mới này thì chúng ta thành văn bản nào thì chúng ta cũng chưa làm được. Cho nên ý kiến của tôi, tôi đề nghị là để trong Luật thanh tra (sửa đổi) này và trên cơ sở đó chúng ta lại tiếp tục nghiên cứu để đưa vào một văn bản nào đó và trên cơ sở đó chúng ta sẽ đưa ra khỏi Luật chúng ta đang xây dựng này thì mới được, chứ bây giờ nếu tự dưng chúng ta mà lại quy định như thế này thì tôi nghĩ nó không phù hợp lắm. Xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan