Góp ý của Đại biểu Quốc hội Hà Công Long – Gia Lai

Thứ Năm 11:07 17-06-2010

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi xin tham gia ý kiến về dự án Luật như sau:

Một, về thanh tra nhân dân, Điều 8 Hiến pháp quy định: "Các cơ quan Nhà nước, cán bộ viên chức Nhà nước phải tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân". Chế định về thanh tra nhân dân đã được quy định tại Pháp lệnh thanh tra, được tiếp tục khẳng định trong Luật thanh tra: "Thanh tra nhân dân là hình thức giám sát của nhân dân"; Điều 93 Luật khiếu nại, tố cáo quy định "thanh tra nhân dân có trách nhiệm phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, kiến nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, thủ trưởng cơ quan, đơn vị giải quyết và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo"; Điều 88 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định "Ban thanh tra nhân dân giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng"; Điều 24 Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn quy định "nhân dân thực hiện giám sát việc giám sát các nội dung công khai để nhân dân biết, để nhân dân bàn và quyết định, để nhân dân biểu quyết và tham gia ý kiến thông qua hoạt động của Ban thanh tra nhân dân"; Trong Báo cáo giải trình, tiếp thu trình Quốc hội thông qua Luật thanh tra, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Khóa XI xác định "Tổ chức và hoạt động của Ban thanh tra nhân dân là một trong những phương thức thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của nhân dân, thể hiện quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước của dân, do dân, vì dân, đồng thời cũng để thực hiện phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra ở cơ sở, quan điểm này tiếp tục được Ủy ban Pháp luật Khóa XII khẳng định trong Báo cáo thẩm tra dự án luật thanh tra sửa đổi.

Từ quan điểm xây dựng luật và quy định của pháp luật như nêu trên cho thấy thanh tra nhân dân có vị trí, vai trò rất quan trọngt, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mà Đảng và Nhà nước ta luôn luôn nhất quán chủ trương không ngừng mở rộng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thì luật lại càng cần phải quy định cụ thể, rõ ràng để đảm bảo cho thanh tra nhân dân hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các tài liệu về dự án luật trình Quốc hội, tôi nhận thấy thanh tra nhân dân chưa được quan tâm, thể hiện ở chỗ Thanh tra Chính phủ cho rằng việc quy định thanh tra nhân dân trong Luật thanh tra dẫn đến nhận thức về vị trí, vai trò về tổ chức và hoạt động của thanh tra nhân dân nhiều khi không đúng làm giảm hiệu lực hiệu quả hoạt động thanh tra nhân dân. Nhưng cho đến nay chưa thấy các cơ quan ban hành văn bản hướng dẫn để khắc phục nhận thức chưa đúng về thanh tra nhân dân nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của thanh tra nhân dân như đã nhận biết. Mặc dù theo quy định của Luật thanh tra và Nghị định 99 năm 2005 thì Thanh tra Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Ban thường trực, Uỷ ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và Đoàn chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn việc tổ chức hoạt động của Ban thanh tra nhân dân. Theo quy định tại Điều 33 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì cơ quan chủ trì soạn thảo phải tổng kết việc thực hiện các quy định của pháp luật, nhưng nghiên cứu Báo cáo tổng kết của Thanh tra Chính phủ cho thấy việc tổng kết về thanh tra nhân dân chưa được thực hiện theo đúng quy định, theo Báo cáo số 16 ngày 17 tháng 12 năm 2009 của Ban thường trực Uỷ ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam thì 100% các xã phương thị trấn trong toàn quốc đều đã có Ban thanh tra nhân dân. Nhưng theo Báo cáo của Thanh tra Chính phủ thì có 98,63% xã phường tiến hành thành lập Ban thanh tra nhân dân. Phạm vi điều chỉnh của luật hiện hành bao gồm cả thanh tra nhà nước và thanh tra nhân dân nhưng chỉ đề nghị sửa về thanh tra nhà nước, không đề nghị sửa đổi gì về thanh tra nhân dân. Cơ quan chủ trì soạn thảo cũng như cơ quan thẩm định dự án luật đều thống nhất dự án luật này là luật thay thế Luật thanh tra năm 2004, nhưng lại đề nghị tổ chức và hoạt động của thanh tra nhân dân được thực hiện theo quy định của Luật thanh tra ngày 15/06/2004. Tờ trình của Chính phủ đề nghị sửa đổi luật theo hướng không điều chỉnh về thanh tra nhân dân, nhưng lại không thể hiện sửa đổi các quy định về thanh tra nhân dân ở luật nào, cơ quan nào sẽ chủ trì soạn thảo sửa đổi, sửa đổi vào thời gian nào.

Từ phân tích thực tế như nói trên tôi cho rằng các cơ quan có trách nhiệm chưa coi trọng tổ chức và hoạt động của thanh tra nhân dân, điều đó cũng có nghĩa xem nhẹ vai trò của giám sát nhân dân đã được Hiến pháp và pháp luật quy định. Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trên là do luật hiện hành chưa có quy định cụ thể trách nhiệm quản lý Nhà nước của cơ quan thanh tra các cấp đối với thanh tra nhân dân, mới chỉ quy định trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và của công đoàn cơ sở, chưa quy định trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, của Liên đoàn lao động từ cấp huyện trở lên đối với tổ chức hoạt động của thanh tra nhân dân. Tổng kết thực tiễn việc thi hành pháp luật trong qua thời gian qua cũng cho thấy, những việc giao cho nhiều cơ quan tổ chức cùng thực hiện, cùng có trách nhiệm, trên thực tế thường là không ai thực hiện, khi xác định trách nhiệm không quy được cho cơ quan, tổ chức nào. Theo Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở tổ về Dự án luật, nhiều ý kiến cho rằng hoạt động của thanh tra nhân dân trong thời gian qua rất hình thức, thậm chí có ý kiến cho rằng không nên đặt ra thanh tra nhân dân vì không phù hợp với Hiến pháp và thực tiễn. Từ những lý do như trên tôi đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương tổng kết ngay việc thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về thanh tra nhân dân. Nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về thanh tra nhân dân trong Luật thanh tra hiện hành theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của thanh tra các cấp đối với tổ chức và hoạt động của thanh tra nhân dân đúng với quan điểm nguyên tắc sửa đổi luật như Chính phủ đã nêu trong Tờ trình dự án luật là bảo đảm phối hợp có hiệu quả giữa các công cụ giám sát, kiểm tra, thanh tra của bộ máy Nhà nước và của cả hệ thống chính trị đối với hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Hai, về thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Tôi tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật không thể phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành như quy định tại Khoản 2, Khoản 3, Điều 5 dự thảo luật. Tôi đề nghị sửa đổi về thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành theo hướng cơ quan thanh tra theo cấp hành chính là cơ quan thanh tra hành chính chịu trách nhiệm thanh tra cơ quan và quản lý Nhà nước về thanh tra. Cơ quan thanh tra Bộ, Tổng cục, Cục và thanh tra sở, chi cục là cơ quan thanh tra chuyên ngành chịu trách nhiệm thanh tra tổ chức, cá nhân. Cần sửa đổi như vậy vì chúng ta đã tổ chức bộ máy quản lý hành chính Nhà nước theo đa ngành, đa lĩnh vực. Với trách nhiệm quản lý Nhà nước về thanh tra, cơ quan thanh tra hành chính có quyền kiểm tra, thanh tra đối với thanh tra chuyên ngành nếu cơ quan này thanh tra không đúng pháp luật. Phân biệt thanh tra theo hướng này sẽ khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa cơ quan thanh tra không đúng pháp luật. Phân định thanh tra theo hướng này sẽ khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lặp các cơ quan thanh tra, phù hợp với quan điểm nguyên tắc sửa đổi luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội. Xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan