Góp ý của Đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi – Thanh Hoá

Thứ Năm 11:05 17-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi suy nghĩ rất nhiều về Luật thanh tra (sửa đổi) lần này trình ra Quốc hội, trên cơ sở gợi ý của Đoàn thư ký tôi xin có một số ý kiến như sau.

Khi chúng ta thông qua Luật thanh tra năm 2004, trong 7 vấn đề hôm nay Đoàn thư ký xin ý kiến có đến 3 vấn đề, khi thông qua năm 2004 chúng ta cũng có rất nhiều ý kiến, tập trung vào 3 nội dung lớn.

Một, về địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra theo Điều 13 trong dự thảo luật sửa đổi lần này.

Hai, về tổ chức cơ quan thanh tra có nên tồn tại thanh tra song hành, thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành hay không?

Ba là về thanh tra nhân dân.

Tôi xin tập trung vào 3 nội dung đã có thảo luận trước đây khi chúng ta thông qua Luật thanh tra năm 2004.

Thứ nhất về địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 tại dự thảo Luật lần này quy định thanh tra là chức năng thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước, thủ trưởng cơ quan nhà nước có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật. Nêu hai nội dung rất rõ do đó việc thành lập cơ quan thanh tra chúng tôi thấy phải xuất phát từ 4 yêu cầu.

Yêu cầu thứ nhất là phải đảm bảo yêu cầu khách quan của quản lý và yêu cầu tất yếu của quản lý.

Yêu cầu thứ hai là mô hình tổ chức, vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra phải phụ thuộc vào quan điểm kinh tế xã hội và thể chế chính trị của mỗi nước.

Yêu cầu thứ ba, cơ quan thanh tra phải có một vị trí độc lập đối với các đối tượng thanh tra và cuối cùng không chỉ thanh tra dừng lại ở việc xem xét kết luận xử lý mà phải kiến nghị điều chỉnh các chủ trương chính sách. Chúng tôi thấy rằng nếu chúng ta quy định như dự thảo ở Khoản 1 Điều 13, Thanh tra Chính phủ là cơ quan của Chính phủ có chức năng quản lý Nhà nước về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng và thanh tra theo quy định của pháp luật thì Thanh tra Chính phủ chúng tôi thấy chưa đủ thẩm quyền một cách độc lập và chủ động để xử lý theo các quy định của pháp luật. Tiếp theo Thanh tra Chính phủ như vậy thì Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện cũng chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan cùng cấp, làm cho tính độc lập tự chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra rất hạn chế. Nhiều vụ việc lúc thanh tra rất bức xúc, phức tạp nhưng khi kết luận lại nhẹ nhàng, đơn giản. Đặc biệt đây còn là nguyên nhân của tình trạng đơn thư tố cáo của công dân bị kéo dài không có hồi kết, đùn đẩy lẫn nhau.

Ngoài ra việc giao cho cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống tham nhũng. Vậy việc chỉ đạo phòng, chống tham nhũng giữa cơ quan thanh tra với Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh theo như Luật phòng, chống tham nhũng thì nó có quan hệ như thế nào? Đây là vấn đề chúng ta phải xử lý. Đó là địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra, chúng tôi xin kiến nghị.

Về tổ chức các cơ quan thanh tra, theo Luật hiện hành năm 2004 thì tổ chức thanh tra bao gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra bộ, Thanh tra tỉnh và Thanh tra huyện, trong đó hoạt động của thanh tra hành chính gồm Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh, Thanh tra huyện, Thanh tra bộ và Thanh tra sở, còn thanh tra chuyên ngành chỉ có ở 2 cơ quan là Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở. Sau 5 năm thực hiện Luật thanh tra cho đến nay chúng ta có 21 cơ quan thanh tra của tổng cục, cục đều thành lập cơ quan thanh tra. Như vậy điều này thể hiện 2 vấn đề:

Một là việc chấp hành pháp luật của chúng ta không nghiêm, không có quy định chúng ta vẫn có Thanh tra tổng cục và Thanh tra cục, đây là vấn đề sai lầm.

Thứ hai là chúng ta cũng phải nhìn nhận một vấn đề là yêu cầu đòi hỏi thực tiễn mà pháp luật của chúng ta không đáp ứng với yêu cầu cho nên vẫn phải ra các cơ quan thanh tra chuyên ngành để chúng ta xử lý. Vì vậy, dự thảo luật lần này quy định thanh tra chuyên ngành gồm có thanh tra bộ, thanh tra tổng cục trực thuộc bộ nhưng chưa làm rõ hoạt động của thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành, do đó nhiệm vụ quyền hạn sẽ trùng chéo. Đặc biệt quan hệ của thanh tra bộ và thanh tra chuyên ngành của các tổng cục thì như thế nào. Trong Luật thanh tra quy định thanh tra bộ chỉ đạo về công tác chuyên ngành của thanh tra cục và thanh tra tổng cục, tôi thấy rất khó, không thể thanh tra, chánh thanh tra bộ có thể điều hành được về mặt chuyên môn của thanh tra cục và thanh tra tổng cục, tôi chưa nói đến số lượng của thanh tra. Thực tế thanh tra bộ của chúng ta không đủ số lượng thanh tra viên để tiến hành ngay thanh tra hành chính theo sự chỉ đạo của Bộ trưởng và cũng không có chuyên môn kỹ thuật sâu để thanh tra chuyên ngành, vì vậy tổ chức thanh tra chuyên ngành theo chúng tôi nên giao cho cơ quan thực hiện chức năng quản lý về ngành và lĩnh vực đó thực hiện, để Chính phủ quy định một số tổng cục, cục cần thiết phải có thanh tra chuyên ngành. Ví dụ thanh tra an toàn thực phẩm, thanh tra về an toàn vệ sinh lao động là rất cần thiết, bởi vì trong hoạt động thanh tra chuyên ngành phải gắn với việc quản lý Nhà nước theo ngành và lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động là rất cần thiết, bởi vì trong hoạt động thanh tra chuyên ngành phải gắn với việc quản lý Nhà nước theo ngành và lĩnh vực thì cán bộ chuyên môn của ngành này sẽ sâu hơn cán bộ thanh tra của chúng ta.

Thứ hai là tổ chức chỉ đạo hoạt động thanh tra theo luật là chức năng của thủ trưởng cơ quan, anh là thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước của Tổng cục và Cục anh phải có chức năng thanh tra và kiểm tra.

Thứ ba nếu chúng ta làm được như thế sẽ hạn chế được việc tăng kinh phí và biên chế trong hoạt động thanh tra.

Thứ tư là cơ quan chuyên ngành sẽ giúp khép kín được các khâu: Một là chúng ta phát hiện được và chúng ta tiến hành kiểm tra và chúng ta xử lý vi phạm. Chúng tôi thấy đây là một điều rất cần thiết đề nghị cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu lại.

Vấn đề cuối cùng là về thanh tra nhân dân, chúng tôi thấy chúng ta không nên quy định thanh tra nhân dân trong Luật thanh tra. Khi cho ý kiến về luật thanh tra năm 2004 rất nhiều đại biểu Quốc hội của chúng ta băn khoăn và đề nghị không nên quy định bởi vì 4 lý do:

Thứ nhất thanh tra nhân dân là tổ chức giám sát của nhân dân.

Thứ hai là hoạt động theo quy định cơ chế dân chủ ở cơ sở.

Thứ ba, thanh tra nhân dân là do Ban chấp hành công đoàn bầu ra và Mặt trận Tổ quốc cấp xã bầu ra Ban thanh tra nhân dân này. Thực chất thanh tra nhân dân không có chức năng xử lý các sự việc xảy ra. Nhưng khi chúng ta thông qua luật này tôi cũng nhớ hình ảnh đồng chí Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Phạm Thế Duyệt đứng lên báo cáo với Quốc hội đề nghị Quốc hội cho thành lập cơ quan thanh tra nhân dân để cho có sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác chuyên môn và tổ chức thực hiện cho tốt. Vấn đề này tôi xin đề nghị Chính phủ nên có đánh giá tổng kết việc tổ chức hoạt động của thanh tra nhân dân đã được quy định trong Luật thanh tra năm 2004 để chúng ta có quyết định đúng đắn hơn. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan