Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hoa Ry – Bạc Liêu

Thứ Tư 09:34 17-11-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi đồng tình với nhiều nội dung đã thể hiện trong Tờ trình của Chính phủ, cũng như trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật. Tôi xin đóng góp 5 vấn đề cụ thể để góp phần vào hoàn thiện Luật khiếu nại.

Thứ nhất, liên quan đến chủ thể thực hiện quyền khiếu nại được quy định tại Điều 3, tại Khoản 3 của Điều 3 có quy định là người khiếu nại là công dân, cơ quan, tổ chức hoặc cán bộ, công chức thực hiện quyền khiếu nại. Như vậy, theo quy định này chủ thể thực hiện quyền khiếu nại đối với cá nhân thì chỉ là công dân Việt Nam. Nhưng trong thực tiễn việc khiếu nại có thể xảy ra không chỉ là công dân Việt Nam mà còn có thể là các cá nhân khác, ví dụ như người nước ngoài ở tại Việt Nam hoặc người không có quốc tịch đang sinh sống ở tại nước ta. Chính vì vậy, cho dù họ muốn hay không thì cũng phải tham gia vào các quan hệ pháp luật ở tại nước ta, theo đó họ cũng có thể bị tác động bởi các quyết định hoặc hành vi hành chính của chủ thể có thẩm quyền ban hành. Nếu họ có căn cứ cho rằng các quyết định hành vi này trái pháp luật và xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp của họ thì họ cũng phải có quyền khiếu nại vào vấn đề này theo quy định của luật hiện hành cũng đã được thể hiện ở tại Điều 110. Chính vì vậy, tại Khoản 3, Điều 3 dự thảo quy định việc khiếu nại là công dân là chưa bao hàm hết chủ thể khiếu nại có quyền khiếu nại, chỉ có công dân Việt Nam thì mới có quyền khiếu nại còn các chủ thể khác như người nước ngoài, người không quốc tịch thì không có quyền khiếu nại. Tôi đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc thêm về vấn đề này và nên biết sử dụng khái niệm là "cá nhân" thay cho "công dân" là hợp lý hơn, trong đó bao gồm cả công dân Việt Nam, người nước ngoài và người không quốc tịch đang sinh sống ở tại Việt Nam.

Vấn đề thứ hai, tại Khoản 4, Điều 3 quy định: cơ quan, tổ chức có quyền khiếu nại. Trong này quy định bao gồm là cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức kinh tế và đơn vị vũ trang nhân dân. Tôi thấy Ban Soạn thảo nên cần cân nhắc thêm vấn đề này bởi vì quy định như vậy là chưa ổn. Trong các cơ quan tổ chức này có cơ quan tổ chức lại giữ vị trí, vai trò lãnh đạo mà lại đi khiếu nại cơ quan hành chính tôi cho là không hợp lý. Vì nếu trong quá trình thực hiện, chủ thể cơ quan Nhà nước có bị tác động bởi các quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính của chủ thể có thẩm quyền thì các chủ thể này có quyền đề nghị, yêu cầu xem xét giải quyết là được.

Một vấn đề nữa, tôi rất e ngại vì theo quy định của Khoản1, Điều 9: chủ thể không chỉ có quyền khiếu nại đến người ra quyết định hành chính hoặc cơ quan của người ra quyết định hành chính mà còn có quyền khởi kiện ra tòa án. Nếu xảy ra trường hợp giữa cơ quan Nhà nước khởi kiện nhau ra tòa án thì không biết sự việc này sẽ đi về đâu.

Từ những phân tích trên, tôi đề nghị đối với chủ thể là tổ chức chỉ nên bao gồm là tổ chức xã hội nghề nghiệp và tổ chức kinh tế, không quy định các tổ chức còn lại.

Về hình thức khiếu nại, tôi cơ bản tán thành với Khoản 5 của Điều 10 quy định về hình thức khiếu nại nhiều người cùng một nội dung thì chúng ta xem xét giải quyết ở trong luật này. Tuy nhiên, quy định như việc hướng dẫn cho từng người viết đơn riêng lẻ tôi thấy phát sinh thủ tục này không cần thiết và nhiều đại biểu đã phát biểu trước tôi đã phân tích về vấn đề này. Tôi đề nghị Ban Soạn thảo nên cân nhắc thêm trong trường hợp này nên quy định theo hướng cho phép họ có thể ủy quyền cho người đại diện thì để chúng ta giải quyết hợp lý hơn.

Vấn đề thứ ba, về nghĩa vụ của người bị khiếu nại tại Khoản 2, Điều 15. Tại Điểm a quy định: được tham gia đối thoại hoặc ủy quyền cho người đại diện hợp pháp tham gia đối thoại. Tôi thấy quy định nghĩa vụ của người bị khiếu nại là chưa phù hợp, dễ dẫn đến việc người khiếu nại không làm tròn trách nhiệm của mình mà vẫn hợp pháp. Trong khi đó tình hình khiếu nại thời gian qua không những không giảm mà còn tăng rất nhiều như trong Báo cáo của Chính phủ về công tác giải quyết khiếu nại năm 2009, có địa phương tăng trên 250%, cũng không ít người dân đến khiếu nại có thái độ rất bức xúc, gay gắt. Một trong những nguyên nhân đó là chưa quan tâm, lắng nghe ý kiến người dân, giải quyết không đến nơi, đến chốn hoặc xâm phạm tới quyền lợi hợp pháp của người dân. Tôi thiết nghĩ một trong những cơ sở quan trọng để giải quyết có hiệu quả vấn đề khiếu nại hiện nay đó là vấn đề đối thoại trực tiếp với người khiếu nại. Vấn đề này phải thể hiện trong luật, không chỉ là trách nhiệm của người giải quyết khiếu nại mà còn là trách nhiệm của người bị khiếu nại buộc phải lắng nghe ý kiến, đối thoại trực tiếp với người khiếu nại. Chỉ trong trường hợp bất khả kháng không tham gia đối thoại được thì mới ủy quyền cho người đại diện hợp pháp của mình.

Vấn đề thứ tư, về quyền, nghĩa vụ của người giải quyết khiếu nại lần đầu được quy định tại Điều 16. Tôi đề nghị bổ sung thêm vào Khoản 2 điều này một ý là trong trường hợp giải quyết khiếu nại nhiều người cùng một nội dung thì phải tổ chức việc gặp gỡ đối thoại với người khiếu nại xem như là thủ tục bắt buộc, phải được xem xét thận trọng ngay từ đầu, trừ những trường hợp người khiếu nại đồng ý với hướng giải quyết của người giải quyết khiếu nại.

Vấn đề thứ năm, về xử lý vi phạm các quy định về giải quyết khiếu nại tại Điều 41, tôi thấy quy định như hình thức kỷ luật, khiển trách đối với các hành vi vi phạm tại các Điểm d, đ, e, g và h, cụ thể như làm sai lệch hồ sơ trong quá trình giải quyết khiếu nại, ra quyết định giải quyết khiếu nại trái pháp luật, bao che cho người bị khiếu nại mà chỉ bị xử lý khiển trách, tôi cho là quá nhẹ nhàng và không tương xứng với hành vi vi phạm. Chính vì vậy đối với 5 điểm này tôi đề nghị áp dụng ít nhất phải là hình thức kỷ luật cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức và cách chức hoặc buộc thôi việc. Tôi xin có một số ý đóng góp, xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan