Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thị Dung – Điện Biên

Thứ Hai 10:05 24-05-2010

Kính thưa Quốc hội,

Sau khi nghiên cứu dự án luật và Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin có ý kiến vào dự án luật như sau:

Tại Điều 2, quy định về vị trí và chức năng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Khoản 1 của dự thảo luật quy định Ngân hàng Nhà nước như một cơ quan quản lý, nhưng tại Khoản 2 thì quy định như một tổ chức kinh tế. Như vậy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là cơ quan quản lý hay tổ chức kinh tế thì cần được làm rõ trong khái niệm này và cụ thể trong dự thảo luật này.

Tại Chương II, Điều 7 quy định về tổ chức Ngân hàng Nhà nước. Cả 5 khoản của Điều 7 vẫn không thể hiện được hệ thống của tổ chức Ngân hàng Nhà nước, quy định như dư thảo luật chỉ dừng lại quy định về thẩm quyền, tức là phân cấp, thành lập các tổ chức trực thuộc Ngân hàng Nhà nước mà thôi. Đề nghị cần quy định đúng với tổ chức của Ngân hàng Nhà nước là như thế nào và bao gồm những gì, nhất là hệ thống tổ chức của Ngân hàng Nhà nước là cần phải được quy định một cách cụ thể trong luật này.

Điều 8, về lãnh đạo và điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Thực ra quy định của dự thảo luật quy định tại điều này là xác định vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Như vậy, theo chế độ thủ trưởng không cần thiết, không cần quy định trong luật này.

Điều 9, quy định về cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước, đã là cán bộ, công chức Ngân hàng Nhà nước thì cũng là cán bộ, công chức phải thực hiện sự điều chỉnh của Luật cán bộ, công chức. Nếu quy định như dự thảo luật sẽ tạo ra một loại cán bộ, công chức đặc biệt, vì vậy cần quy định lại điều này.

Điều 23, các hành vi bị nghiêm cấm. Tôi thấy quy định như dự thảo luật thì không cần thiết phải quy định những hành vi này vì đã được pháp luật hiện hành quy định, nhất là Bộ luật hình sự.

Chương V, về thanh tra giám sát ngân hàng, Điều 50 quy định về mục đích thanh tra giám sát ngân hàng. Mục đích thanh tra giám sát ngân hàng đã nằm trong mục đích chung của thanh tra giám sát, nên có nhất thiết quy định điều này nữa hay không?

Điều 51, nguyên tắc thanh tra giám sát ngân hàng, Khoản 1, đề nghị bỏ cụm từ "thanh tra giám sát ngân hàng phải tuân theo pháp luật", vì đó là đương nhiên, quy đinh như vậy là thừa.

Khoản 4, đề nghị bỏ đoạn "trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của luật này và quy định khác của pháp luật về thanh tra giám sát ngân hàng thực hiện theo quy định luật này". Thực chất thanh tra ngân hàng là thanh tra chuyên ngành, việc thực hiện pháp luật chuyên ngành, việc chấp hành các quy định về quy chuẩn kỹ thuật, về chuyên môn nghiệp vụ của một ngành, lĩnh vực nhất định và thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ, ngành. Vì vậy trước hết thanh tra chuyên ngành phải tuân theo pháp luật về thanh tra.

Tại kỳ họp này Quốc hội cũng cho ý kiến về dự án Luật thanh tra (sửa đổi). Điều đó càng cần phải có quy định bảo đảm tính thống nhất của 2 luật, không nên có quy định tạo kẽ hở như vậy.

Điều 53: Quyền, nghĩa vụ của đối tượng thanh tra ngân hàng. Cả 2 khoản của điều này không thể hiện được quyền và nghĩa vụ của thanh tra. Cần quy định đúng về quyền và nghĩa vụ của thanh tra là những gì, không nên quy định theo kiểu nhắc lại luật như thế này thì thật khó thực hiện. Tôi xin đọc Khoản 2 như sau: "Thực hiện các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm theo quy định của Luật thanh tra và các văn bản pháp luật liên quan". Vậy quyền và nghĩa vụ theo luật ở đây là như thế nào? Như vậy Khoản 2, Điều 53 này lại viện dẫn đến Khoản 4, Điều 51. Nhưng Khoản 4, Điều 51 lại quy định: "hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng thực hiện theo quy định của luật này và Luật các tổ chức tín dụng". Không thấy có quy định thực hiện theo Luật thanh tra.

Điều 54: Căn cứ để ra quyết định của thanh tra. Đề nghị nghiên cứu lại quy định tại Điểm b, Điểm d, Khoản 1. Điểm b quy định như sau: "yêu cầu của Thống đốc", Điểm d là mức độ rủi ro và an toàn hoạt động của đối tượng thanh tra ngân hàng. Liệu đây có phải 2 căn cứ để ra quyết định thanh tra hay không? Tôi xin tham gia một số ý kiến như vậy, xin hết.

Các văn bản liên quan