Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Viết Lểnh – Bình Định

Thứ Hai 10:05 22-11-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cũng xin bày tỏ sự nhất trí với quan điểm chỉ đạo, xây dựng Luật lưu trữ gồm 4 nội dung được nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Đồng thời cũng tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật của Quốc hội., đặc biệt sự khẳng định mục đích của việc ban hành Luật lưu trữ là góp phần khắc phục những hạn chế bất cập của Pháp lệnh lưu trữ quốc gia hiện hành, điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong họat động lưu trữ. Để góp phần hoàn chỉnh dự thảo luật và cũng là biểu thị ý kiến của cá nhân đối với các nội dung cụ thể. Tôi xin góp ý về 6 nội dung.

Thứ nhất là về quản lý tài liệu thuộc phông lưu trữ Đảng cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam. Tôi tán thành với ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội khi thảo luận ở tổ cũng như ở trên hội trường là nên thống nhất phông lưu trữ của Đảng cộng sản Việt Nam và phông lưu trữ Nhà nước Việt Nam và gọi tên là phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam. Để vừa thống nhất quản lý Nhà nước, vừa tận dụng phát huy được các điều kiện và phương tiện đội ngũ cán bộ, công chức trong việc thu thập bảo quản và khai thác tư liệu. Chúng ta đã có kinh nghiệm trong việc sáp nhập Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viên hành chính quốc gia và đang từng bước hoàn thiện bộ máy hành chính Nhà nước. Cho nên, chúng tôi thấy việc sáp nhập là hợp lý.

Thứ hai là về chính sách của Nhà nước về lưu trữ. Tại Khoản 1 của Điều 5 tôi đề nghị sửa lại câu mở đầu của khoản này như sau.

Một, tài liệu lưu trữ quốc gia là di sản của dân tộc có giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc góp phần bảo tồn, phát huy giá trị nguồn tư liệu tri thức của nhân loại, đoạn từ ngân sách Nhà nước bảo đảm ngân sách đến cuối đoạn đó thì xin giữ như dự thảo. Sửa đổi nội dung nói trên, có nghĩa là sẽ thay cụm từ "Việt Nam xã hội chủ nghĩa" bằng cụm từ "và góp phần bảo tồn" phát huy giá trị nguồn tư liệu tri thức của nhân loại. Các văn kiện của Đảng thì đều khẳng định là con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta và qua thảo luận các văn kiện của Đảng thì nhiều đại biểu cũng đã nhất trí khẳng định rằng chúng ta hiện nay đang ở chặng đường đầu của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Vì vậy, những lần trước các dự thảo luật trước đây khi nói đến Tổ quốc và đất nước chúng ta thường nói đến Tổ quốc hoặc Tổ quốc Việt Nam. Thay cụm từ đó vừa phù hợp với nhiều văn bản pháp luật khác hiện hành khi đề cập đến quốc gia, dân tộc, vừa mở rộng cánh cửa để thu hút đón nhận nguồn tư liệu được tìm tòi khai thác từ các cơ sở lưu trữ trên khắp thế giới đóng góp vào phông lưu trữ Quốc gia Việt Nam. Ví dụ, rất nhiều nguồn tư liệu về 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà trên các phương tiện thông tin đại chúng chúng ta được biết các nhà khoa học người Việt ở nước ngoài đã sưu tầm, tìm được và cung cấp về. Chúng ta thấy rằng nếu chúng ta mở rộng nguồn để thu thập tài liệu thì chúng ta sẽ thu hút được nhiều hơn các nguồn tư liệu để phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là biểu hiện là chúng ta sẽ khẳng định nguồn tư liệu lưu trữ quốc gia là một phần quan trọng trong kho tàng tư liệu tri thức của nhân loại như mộc bản triều Nguyễn và bản dập văn bia tiến sỹ ở Văn Miếu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá của nhân loại.

Nội dung thứ ba, về tổ chức lưu trữ lịch sử ở Điều 18. Tôi nhất trí với quy định tại Khoản 1, Điều 18, theo đó lưu trữ lịch sử được tổ chức tại Trung ương và cấp tỉnh, có nghĩa là ở cấp huyện chúng ta không tổ chức lưu trữ. Tuy nhiên, tại Khoản 4, Điều 36 dự thảo luật lại giao cho Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và Uỷ ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý Nhà nước về lưu trữ ở địa phương theo thẩm quyền. Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để thể hiện lại cho rõ nội dung, thể hiện ý kiến của Ban soạn thảo trong dự thảo luật.

Nội dung thứ tư, về Hội đồng xác định giá trị tài liệu lưu trữ tại Điều 16. Tôi tán thành với việc tổ chức Hội đồng xã định giá trị tài liệu và quy định người đứng đầu cơ quan, tổ chức thành lập với cơ cấu thành viên như Ban soạn thảo dự kiến. Tuy nhiên cần bổ sung ít nhất là một chuyên gia về lĩnh vực mà tài liệu được lưu trữ là thành viên của Hội đồng này.

Nội dung thứ năm, về xã hội hóa hoạt động dịch vụ lưu trữ tại Điều 40. Tôi nhất trí với nhận xét của Ủy ban pháp luật là hầu hết các hoạt động ghi tại Khoản 1, Điều 40 chưa đúng với nội dung tên của điều luật. Đề nghị Ban soạn thảo xác định rõ những hoạt động dịch vụ lưu trữ nào được phép thực hiện xã hội hóa và xã hội hóa đến mức nào. Ví dụ việc nhận ký gửi, bảo quản tài liệu lưu trữ, cho phép sao chụp các loại tài liệu nào để cung cấp dịch vụ cho người có nhu cầu khảo cứu sử dụng, vì tài liệu sử dụng cho việc sao chụp chỉ có tuổi thọ nhất định và số lần sao chụp cũng chỉ nhất định, không thể nào tự do sao chụp nhiều lần. Nếu sử dụng bản gốc để làm dịch vụ thì sẽ hỏng tư liệu. Vì vậy trong luật cần có quy định cụ thể.

Nội dung thứ sáu, về người làm công tác lưu trữ ở Điều 42, quy định tại Điều 42 quá chung chung, cần đánh giá đúng vị trí, vai trò của người làm công tác lưu trữ với những nét đặc thù nghề nghiệp, họ chịu đựng nhiều sức ép, áp lực, thầm lặng, độc lập, dễ Street và độc hại vì tiếp xúc với nhiều loại hóa chất để bảo quản tư liệu, cũng như môi trường, thậm chí bản thân họ giữ bí mật cũng là sự kìm nén rất nặng nề. Tôi đề nghị cần có chính sách đặc thù đối với những người làm công tác lưu trữ.

Về kỹ thuật văn bản, chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cần có chỉnh sửa từ lời mở đầu cho đến các khái niệm trong luật cho thống nhất. Xin hết.

Các văn bản liên quan