Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Thế Vượng – Hải Dương

Thứ Sáu 09:43 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có 2 ý kiến về dự án luật này.

Thứ nhất, tôi đề nghị xem lại Điều 33 về trách nhiệm của doanh nghiệp được chỉ định cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Điều này đoạn đầu có mở đầu là "ngoài các quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều 31 của luật này, doanh nghiệp được chỉ định có trách nhiệm sau đây" nhưng tìm Điều 31 thì không thấy có quy định gì về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ mà Điều 31 là quy định về mạng bưu chính công cộng. Cho nên tôi đề nghị xem xét lại, không biết có nhầm với Điều 28 không. Bởi vì Điều 28 là quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính, nhưng đây là doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính thông thường, còn Điều 33 là nói về doanh nghiệp được chỉ định cung ứng dịch vụ công ích. Tôi đề nghị xem xét lại Điều 33.

Vấn đề thứ hai đại biểu Lê Minh Hồng đã có ý kiến chúng tôi muốn phát biểu thêm đó là Chương VIII giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại. Chúng tôi đề nghị xem xét lại các quy định của chương này, bởi vì đây có phải là vấn đề khiếu nại hay không? mà đây thực ra là hợp đồng dịch vụ giữa người sử dụng dịch vụ và người cung ứng dịch vụ bưu chính đây là hợp đồng dân sự về cung ứng dịch vụ, hợp đồng dịch vụ, đã là hợp đồng dịch vụ tức là hai bên người cung cấp và người dịch vụ là bình đẳng với nhau, nếu phát sinh cái gì thì đó là tranh chấp chứ không phải là việc khiếu nại giữa người sử dụng và người cung ứng dịch vụ. Cho nên ở đây đặt vấn đề khiếu nại theo chúng tôi cần phải được xem xét lại, đây thực chất là sự tranh chấp giữa các bên khi có vi phạm về hợp đồng dịch vụ. Đặc biệt ở đây quy định rằng người khiếu nại có thể đến khiếu nại trực tiếp, gửi văn bản hoặc khiếu nại bằng các hình thức khác do doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quy định. Một doanh nghiệp không thể có quyền quy định các hình thức cho phép người dân được khiếu nại dưới các hình thức này.

Phần bồi thường thiệt hại cũng vậy, mức bồi thường thiệt hại doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính xây dựng công bố và áp dụng. Làm sao một doanh nghiệp có quyền quy định mức bồi thường khi chính mình gây thiệt hại cho bên sử dụng dịch vụ. Tóm lại doanh nghiệp không có quyền quy định về những vấn đề này. Tất cả những vấn đề này phải là cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Trong khi đó các Điều 37, 38 nói về khiếu nại, nhưng đến Điều 39 lại là giải quyết tranh chấp. Chương này không hiểu cơ quan soạn thảo ý tưởng nói về việc này như thế nào.

Thứ hai, bồi thường thiệt hại cho người sử dụng dịch vụ bưu chính như trong này quy định, nhưng ngược lại trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người sử dụng khi gây thiệt hại cho doanh nghiệp thì không thấy cơ sở nào để bồi thường thiệt hại, ai giải quyết việc này để buộc người sử dụng dịch vụ khi gây thiệt hại cho doanh nghiệp cung ứng dịch vụ. Tóm lại, theo tôi chương này phải xây dựng lại theo hướng đây là tranh chấp hợp đồng dịch vụ, tranh chấp này về cơ bản nó phải tuân theo các quy định của Bộ luật Dân sự. Xin hết.

Các văn bản liên quan