Góp ý của Đại biểu Quốc hội Giàng A Chu – Yên Bái

Thứ Sáu 09:44 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội!

Tôi cũng nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết phải ban hành Luật Bưu chính và phạm vi điều chỉnh của luật. Các nội dung cụ thể chúng tôi xin được tham gia một số ý kiến sau đây:

Về nguyên tắc hoạt động bưu chính nêu ở Điều 4, chúng tôi cũng tán thành hoạt động bưu chính phải có nguyên tắc. Ban soạn thảo nêu 4 nguyên tắc là: Phải đảm bảo an toàn, chính xác, kịp thời và đảm bảo bí mật thư tín. Đảm bảo cạnh tranh lành mạnh và có sự quản lý của Nhà nước. Phải đảm bảo quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động bưu chính. Nhưng qua nghiên cứu chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng nên sắp xếp lại ở Khoản 1, nguyên tắc thứ nhất chỉ nêu là đảm bảo an toàn, chính xác và kịp thời, tiện lợi trong cung ứng và sử dụng dịch vụ bưu chính là đủ, không cần phải nêu an ninh vì trong nguyên tắc an toàn đã bao hàm cả nguyên tắc an ninh rồi.

Thứ hai là các hành vi bị cấm ở Điều 9, tôi cũng nhất trí với nhiều ý kiến đã phát biểu trước tôi, tôi xin phát biểu thêm như sau: Dự thảo luật nêu 10 khoản nghiêm cấm và chúng tôi thấy cũng tán thành các nội dung này, nhất là ở Khoản 1, Khoản 2, Khoản 4, tôi không nêu lại. Nhưng theo tôi vẫn chưa đủ và đề nghị Ban soạn thảo cũng nghiên cứu và bổ sung thêm một số những bưu phẩm như là hoa quả tươi, vật dễ vỡ, chất gây thối v.v...Chẳng hạn hoa quả tươi khi người gửi thì hoa quả còn tươi và đó là quyền của người gửi bưu phẩm nhưng vì những lý do khách quan, chủ quan có thể khi đến người nhận thì hoa quả đó đã bị thối và nát thì sẽ dẫn đến chúng ta phải thực hiện nguyên tắc bồi thường thiệt hại ở Điều 40 Chương VIII. Chúng tôi đề nghị nên thêm điều này.

Tuy nhiên ở các hành vi bị cấm này thì có những khoản chúng tôi thấy vẫn còn chung chung và chưa cụ thể như Khoản 3 thì đề nghị các đồng chí xem lại. Ví dụ như chuyển văn hóa phẩm trái đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục chúng tôi thấy nêu như thế này thì không sai nhưng vẫn còn chung chung, đề nghị nên nêu cụ thể hơn. Hay là ở Khoản 9 về nội dung thì chúng tôi cũng đồng tình như là sản xuất, kinh doanh sử dụng tem bưu chính Việt Nam và tem bưu chính nước ngoài trái pháp luật thì chúng tôi nghĩ là không cần phải nêu trái pháp luật mà chỉ cần nêu là không đúng quy định. Bởi vì ở Khoản 10 tất cả những cái vi phạm pháp luật thì chúng ta đã gom tất vào Khoản 10 rồi thì chúng tôi thấy như thế nó sẽ phù hợp hơn.

Thứ ba, về bưu chính công ích về cơ bản tôi nhất trí như nội dung phát biểu của đại biểu Lê Minh Hồng, tuy nhiên chúng tôi thấy cũng đồng tình với Chính phủ nên đặt ra hoạt động công ích, bưu chính công ích phải có nguyên tắc nhất định là thứ nhất.

Thứ hai, hoạt động bưu chính công ích phải được Nhà nước giao hoặc chỉ định, tôi tán thành trong vấn đề Nhà nước giao sẽ đúng hơn chứ chỉ định thì cũng nhiều khái niệm hiểu khác nhau cho một doanh nghiệp thực hiện loại hình dịch vụ này như Điều 33 quy định. Tuy nhiên chúng tôi đề nghị Nhà nước xem xét thêm loại hình dịch vụ này nhất là phương án, giá cước trong hoạt động dịch vụ công ích hiện nay rất thấp và không có hiệu quả. Cho nên để đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động công ích có hiệu quả và người được sử dụng cũng được thừa hưởng nội dung này. Cũng như một số ý kiến đại biểu đã phát biểu, chúng tôi thấy trong mục đích của hoạt động bưu chính công ích là phục vụ nông dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào các dân tộc thiểu số thì luật cũng nên quy định như thế nào để cho đối tượng này được thụ hưởng loại hình dịch vụ này, chúng tôi rất mong muốn như vậy.

Thứ tư, về tem bưu chính. Chúng tôi đồng tình với các quy định về tem bưu chính ở Chương VII, nhưng đề nghị Chính phủ có quy định về giá tem bưu chính hiện nay cho phù hợp với thời kỳ kinh tế thị trường và thời kỳ hội nhập, vì hiện nay giá tem bưu chính là quá thấp, luật có quy định là phải cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp hoạt động bưu chính thì cũng phải đảm bảo có doanh thu và có lợi ích để doanh nghiệp hoạt động bưu chính nói chung không bị thua thiệt, chúng tôi rất mong muốn như vậy.

Thứ năm, về một số từ ngữ. Trước hết, tôi nhất trí với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lân Dũng nói về bưu gửi như Khoản 5 của Điều 9 chúng tôi đề nghị nên sửa "bưu gửi" thành "bưu phẩm" thì đúng hơn. Hay là quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ bưu chính ở Điều 29. Khoản 1 chúng tôi đề nghị là người sử dụng dịch vụ bưu chính được quyền sử dụng dịch vụ nên thay từ "sử dụng" thành "lựa chọn dịch vụ" vì chúng ta cho phép người ta có nhiều loại hình dịch vụ rồi, ở đây chúng ta nói là được quyền lựa chọn dịch vụ thì đúng hơn là được quyền sử dụng. Ở Khoản 4 của điều này nêu là người sử dụng bưu chính được khiếu nại về dịch vụ bưu chính đã được sử dụng thì tôi nghĩ nên cân nhắc lại ý này vì chưa đúng lắm. Mà chúng tôi đề nghị là người sử dụng bưu chính được khiếu nại về những điều không đúng với quy định của luật này thì đúng hơn so với cụm từ hiện nay. Chúng tôi xin hết ý kiến. Cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan