Góp ý của Đại biểu Quốc hội Lê Minh Hồng – Hà Nam

Thứ Sáu 09:42 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia một số ý kiến xung quanh Luật bưu chính.

Trước hết chúng tôi thấy dự án luật được chuẩn bị khá công phu, theo đúng thủ tục, đúng quy trình. Sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Khoa học, công nghệ và Môi trường cho ý kiến thì Ban soạn thảo đã nghiêm túc tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện được rất nhiều. Theo gợi ý của Đoàn Chủ tịch tôi xin đóng góp trực tiếp vào một số điều, khoản sau:

Vấn đề thứ nhất là việc giải quyết khiếu nại của người sử dụng dịch vụ bưu chính được quy định ở Điều 38. Điều này theo tôi còn một số bất cập sau đây:

Một là, tên điều là "giải quyết khiếu nại" nhưng chỉ mới quy định về thời hiệu khiếu nại và thời hạn giải quyết khiếu nại, chưa có quy định về thẩm quyền, trình tự và thủ tục giải quyết khiếu nại để người sử dụng dịch vụ bưu chính biết là mình phải làm gì, làm như thế nào khi doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính để xảy ra những sai sót. Chẳng hạn như làm thất lạc hoặc làm hư hỏng bưu gửi. Đây là những khiếu nại mang tính đặc thù và nó khác với khiếu nại về các quyết định hành chính và hành vi hành chính. Vì vậy cần có quy định về thẩm quyền, trình tự thủ tục để giải quyết khiếu nại. Phải quy định rõ thẩm quyền giải quyết khiếu nại ban đầu là thuộc về doanh nghiệp hay là cơ quan Nhà nước trong này chưa rõ.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại ban đầu thì họ có quyền đến tiếp những nơi nào, đến công ty mẹ của công ty con hay là đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hay là khởi kiện tại tòa án thì tôi thấy rằng đây là những vấn đề rất cần được quy định rõ nếu không thì người dân rất là lúng túng, rất bỡ ngỡ.

Bất cập thứ hai của điều này là trong dự thảo Luật quy định thời gian giải quyết khiếu nại đối với dịch vụ bưu chính trong nước hai tháng, tôi nghĩ là quá dài không phù hợp với tinh thần cải cách thủ tục hành chính, đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu rút ngắn xuống 30 ngày và cùng lắm theo tôi nghĩ là khoảng 45 ngày và lấy đơn vị là ngày chứ không lấy theo đơn vị là tháng bởi vì có những tháng 31 ngày, nhưng có những tháng chỉ có 28 hoặc là 29 ngày, đấy là vấn đề thứ nhất.

Vấn đề thứ hai là về quản lý Nhà nước về hoạt động bưu chính quy định ở Chương IX thì đề nghị làm rõ nội dung quản lý Nhà nước về hoạt động bưu chính, sau đó mới giao trách nhiệm cho các bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp. Trong dự thảo Luật giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước không biết làm cái gì? Nội dung ra sao? Như vậy rất khó khi chúng ta triển khai thực hiện.

Tại Điều 44 theo tôi không nên quy định mỗi tỉnh, thành phố có một bộ phận chuyên môn giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ quản lý về bưu chính. Bởi lẽ theo Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân thì nhiệm vụ này đương nhiên thuộc Sở Thông tin và truyền thông là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh vì vậy quy định thêm là không cần thiết. Vừa làm phình bộ máy vừa dễ dẫn đến chồng chéo trùng lắp trong chức năng, nhiệm vụ. Đó là vấn đề thứ hai.

Vấn đề thứ ba, về cấp phép trong hoạt động bưu chính được quy định trong các Điều 22, 23 của Chương III, tôi tán thành cần phải có cấp phép trong hoạt động đầu tư kinh doanh dịch vụ bưu chính, đây là lĩnh vực đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên giữa cấp phép và giấy xác nhận, thông báo hoạt động có gì khác nhau không? đề nghị Ban soạn thảo giải thích thêm, bản chất nó có gì khác nhau không? Nếu giấy xác nhận thông báo hoạt động cũng có giá trị pháp lý như là giấy phép hoạt động thì cũng phải có quy định về điều kiện để được cấp mới hoặc cấp lại. Thủ tục quy trình để cấp mới, cấp lại như thế nào và đặc biệt về thẩm quyền cấp mới, cấp lại cả giấy phép và giấy xác nhận, thông báo hoạt động đều chưa có quy định trong dự thảo Luật. Ít nhất phải có quy định về mặt nguyên tắc sau đó thì mới giao cho Chính phủ hoặc Bộ Thông tin và truyền thông quy định cụ thể làm sao để vừa đảm bảo được sự chặt chẽ nhưng đồng thời cũng vừa thuận tiện cho người dân và doanh nghiệp để họ không phải lo lắng, kêu ca, phàn nàn về thủ tục rắc rối phiền hà.

Vấn đề thứ tư, chính sách của Nhà nước về bưu chính được quy định tại Điều 5 của dự thảo luật. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và có chỉnh lý thêm để thể hiện rõ hơn các chính sách của Nhà nước và những chính sách gì, tránh viết chính sách theo dạng tức là tích cực, đẩy mạnh, rồi tăng cường mà nên đi thẳng vào một số chính sách cụ thể khả thi, chẳng hạn như Nhà nước có chính sách hỗ trợ tạo điều kiện cho người nghèo, người cận nghèo, đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận được hệ thống dịch vụ bưu chính. Điều này theo tôi nghĩ rất quan trọng vì nó thể hiện chính sách của Đảng, Nhà nước ta về tính công bằng xã hội trong các dịch vụ bưu chính. Hoặc Nhà nước có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đầu tư kinh doanh dịch vụ bưu chính vào vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn, rồi Nhà nước có chính sách ưu đãi đặc biệt cho doanh nghiệp công ích như nhiều đồng chí đã phát biểu trước thì để làm những việc mà người khác không muốn làm và một số chính sách khác v.v... Tóm lại đã nói về chính sách là phải thể hiện rất rõ về chính sách chứ không nó lẫn lộn với nhiệm vụ. Trong này dự thảo tôi thấy còn đang lẫn lộn giữa nhiệm vụ với chính sách.

Vấn đề cuối cùng, tôi tán thành ý kiến của Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường, đề nghị Quốc hội xem xét cho ý kiến để các cơ quan hữu quan tiếp tục hoàn thiện và đề nghị Quốc hội cho thông qua dự án luật tại kỳ họp này. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan