Góp ý của đại biểu Quốc hội Trần Thế Vượng – Hải Dương

Thứ Tư 14:21 28-10-2009


Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin phép phát biểu về hai vấn đề mà nhiều đại biểu rất quan tâm.

Vấn đề thứ nhất về cơ quan quản lý chuyên ngành tần số vô tuyến điện. Kính thưa Quốc hội, đây là một vấn đề theo chúng tôi phải hết sức cân nhắc, nếu chúng ta thành lập một cơ quan độc lập với những nhiệm vụ quyền hạn mà do Quốc hội quy định thì đây là một vấn đề chúng ta phải tính đến các quy định của Hiến pháp và của Luật tổ chức Chính phủ cũng như các luật có liên quan khác. Theo Hiến pháp thì chỉ có các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ mới là người có quyền quản lý đối với toàn bộ lĩnh vực của đất nước và Luật tổ chức Chính phủ cũng vậy. Chính vì thế năm 2001 khi sửa Hiến pháp chúng ta thấy có một số tổng cục cho nên chúng ta đã đi đến quyết định là tổng cục nào thấy quan trọng cần thiết thì nâng lên thành bộ, ví dụ như Tổng cục đất đai. Những tổng cục nào thấy chưa cần thiết nâng lên thành bộ mà nó gần gũi với bộ nào thì đưa về bộ liên quan ví dụ như Tổng cục Du lịch. Vì sao như vậy? bởi vì chỉ có Bộ trưởng là thành viên của Chính phủ và Chính phủ là cơ quan chịu trách nhiệm trước Quốc hội, trước nhân dân về toàn bộ lĩnh vực mà mình đảm nhiệm. Và trong đó thì các thành viên Chính phủ là người do Thủ tướng đề nghị và Quốc hội phê chuẩn mới có đủ địa vị pháp lý để làm việc đó.

Vì vậy, trong quá trình quản lý một lĩnh vực Quốc hội cũng chỉ biết chất vấn Bộ trưởng về bất cứ lĩnh vực gì thuộc Bộ đó quản lý, còn Quốc hội không biết đến ai khác. Chính vì thế nếu chúng ta thành lập một cơ quan quản lý độc lập và chính Quốc hội giao cho cơ quan này những nhiệm vụ, quyền hạn riêng thì vô hình chung việc đó là thoát ly khỏi trách nhiệm của Bộ trưởng. Như vậy toàn bộ những trách nhiệm của ông Bộ trưởng về lĩnh vực này trước Quốc hội, trước Chính phủ, trước nhân dân thì xử lý như thế nào? Trong khi đó chúng ta cũng có ký khi tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới chúng ta cũng có thừa nhận thành lập một cơ quan độc lập quản lý về lĩnh vực này, cũng như một vài lĩnh vực khác rồi đây các luật liên quan sẽ đặt ra.

Bây giờ quan niệm như thế nào là một cơ quan quản lý độc lập về điều này. Thì theo các luật của Việt Nam thì Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan độc lập quản lý về lĩnh vực này chứ không thể nào nói rằng là có một cơ quan quản lý chung về việc này, rồi lại có một cơ quan độc lập quản lý riêng về việc này, tổ chức bộ máy Nhà nước không thể như thế được. Chính vì vậy, cho nên là hài hòa trước tình hình hiện nay thì chúng ta quy định ở trong Điều 6, tức là khẳng định việc đó là việc của Bộ thông tin và truyền thông, tuy nhiên do đặc thù khác với những lĩnh vực khác ở trong Bộ, cho nên riêng cái này chúng ta có nói là cơ quan này có quản lý một số việc theo sự phân công, phân cấp của Bộ trưởng. Điều đó có nghĩa là hoàn toàn việc này là Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Chính vì vậy, tôi đề nghị nên giữ như Khoản 1, Điều 6 và theo tôi cũng không cần thiết Khoản 2. Bởi vì đã theo sự phân công, phân cấp của Bộ trưởng thì Thủ tướng Chính phủ cũng không phải quy định về tổ chức nghiệp vụ. Bởi vì ông Bộ trưởng phân công, phân cấp không có nghĩa là phân công bằng miệng mà cũng phải có văn bản và ông Bộ trưởng cũng có quyền ban hành văn bản qui phạm pháp luật, cho nên không cần thiết kế Khoản 2.

Thưa Quốc hội, đối với mỗi Bộ thì hiện nay chúng ta đều có một Nghị định của Chính phủ trong đó nghị định đó quy định rất rõ tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Bộ, rồi của từng đơn vị ở trong Bộ. Cho nên ngay cả Cục này cũng sẽ được quy định trong Nghị định của Chính phủ về Bộ Thông tin và Truyền thông. Đấy là vấn đề thứ nhất chúng tôi đề nghị giữ, không cần hai khoản mà chỉ Khoản 1 là đủ, còn Khoản 2 không cần thiết. Bởi vì như thế là chồng chéo, thứ nhất là Chính phủ đã có nghị định và Bộ trưởng lại phân công, phân cấp rồi lại đến Thủ tướng quy định nữa thì như vậy nó sẽ hết sức là chồng chéo, mâu thuẫn không cần thiết.

Còn nhân đây tôi xin báo cáo thêm là do nước ta tổ chức bộ máy Nhà nước trong Hiến pháp và luật quy định khác với một số nước, cho nên chúng ta không thể nhất thiết cứ phải lăn lóc theo các nước được. Bởi vì các nước xin thưa với Quốc hội, Bộ trưởng một số nước là người ta không làm quản lý điều hành mà người ta là chính khách, người chuyên hoạch định chính sách còn những cơ quan hành chính ở bên dưới ông Bộ trưởng đó mới là người quản lý điều hành. Nếu chúng ta sau này muốn đi theo hướng như vậy như một số đại biểu nêu lên thì chúng ta phải sửa Hiến pháp, Bộ trưởng không phải là người quản lý điều hành mà chỉ là người chính khách hoạch định chính sách và đặt ra các pháp luật rồi trình Chính phủ hoặc do mình ban hành, hoặc giúp Chính phủ soạn thảo những dự án luật để trình ra Quốc hội, người ta chỉ làm việc như vậy. Cho nên toàn bộ điều hành quản lý bên dưới là cơ quan hành chính, dưới mỗi ông Bộ trưởng có các thủ trưởng cơ quan hành chính về từng lĩnh vực như cơ quan này chẳng hạn. Cho nên đặc điểm nó khác như vậy nên chúng ta không thể dứt khoát cứ đã tham gia vào tổ chức đó thì mình cũng cứ phải làm theo, tất nhiên mình phải tuân theo những gì mình đã cam kết nhưng tuân theo trong bối cảnh Hiến pháp và luật của chúng ta đã quy định. Vì vậy, trước tình hình đó tôi nghĩ Khoản 1 và bỏ 1, 2 đi và cũng bỏ luôn Khoản 2 thế là đủ.

Về thanh tra, xin báo cáo với Quốc hội, đây là vấn đề rất phức tạp, trước khi chúng ta có Luật thanh tra chúng ta có pháp lệnh ,trong pháp lệnh lúc đó cũng rất phức tạp, pháp lệnh quy định một đằng nhưng các luật, các pháp lệnh khác lại quy định một nẻo, cũng giống như tình trạng ngày hôm nay. Cho nên nói thôi tạm thời như thế này khi nào chúng ta có Luật thanh tra chúng ta sẽ chấn chỉnh lại. Báo cáo với Quốc hội, khi có Luật thanh tra rồi thì tình hình vẫn cứ như thế thôi, tức là quy định về vấn đề thanh tra, đặc biệt nhức nhối về chỗ thanh tra chuyên ngành.

Tôi xin nói tiếp về vấn đề thanh tra. Như tôi đã trình bày, trước Luật thanh tra thì tình trạng cũng giống như ngày hôm nay, chúng ta nói là chúng ta chờ khi nào có Luật thanh tra nó sẽ đảm bảo sự thống nhất về vấn đề thanh tra giữa các luật và pháp lệnh. Nhưng từ ngày có Luật thanh tra đến nay tình hình không có gì thay đổi cả. Có nghĩa là tổ chức về thanh tra hiện nay ở mỗi luật, mỗi pháp lệnh lại quy định khác không giống với quy định của Luật thanh tra.

Từ Điều 23 đến Điều 25 của Luật thanh tra chúng ta khẳng định ở Bộ chỉ có một cơ quan thanh tra đó là thanh tra Bộ. Thanh tra Bộ làm hai chức năng, thanh tra hành chính tức là thanh tra thực thi nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức thuộc quyền quản lý của Bộ, đồng thời cũng cơ quan thanh tra này thực hiện chức năng thứ hai là thanh tra chuyên ngành. Như vậy một cơ quan thanh tra mà thực hiện hai chức năng chứ không phải có hai cơ quan thanh tra. Chúng ta đặt ra như vậy là vì sao? Tôi hôm nay xin phép báo cáo trước Quốc hội, vì tình hình hiện nay chúng ta có quá nhiều cơ quan thanh tra, rồi có cảnh sát kinh tế, rồi kiểm tra, thanh tra rất nhiều, chính vì vậy mà doanh nghiệp trong một năm, trong một quý, trong một tháng có rất nhiều cơ quan thanh tra đến làm việc. Cũng làm theo luật thôi nhưng chính vì vậy nó rất khó khăn, trở ngại cho hoạt động bình thường của các doanh nghiệp. Chính vì thế, trước tình hình đó Thủ tướng Chính phủ đã phải đi đến một quyết định là mỗi năm thanh tra nào thì thanh tra chỉ nên đến một lần thôi, không nên thanh tra thường xuyên. Mặc dù quy định đó không hoàn toàn phù hợp với Luật Thanh tra, nhưng trước một thực tế nhức nhối như vậy thì Thủ tướng đã phải đi đến một quyết định như thế. Vì Bộ quản lý đa ngành, cho nên 5-7 ngành ở trong một Bộ, mỗi một ngành đó lại có một cơ quan thanh tra, mà ngay trong lĩnh vực này nếu không phải chỉ có Bộ thì còn những Bộ liên quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có cần phải có thanh tra chuyên ngành về lĩnh vực này không? Như thế sẽ rất nhiều.

Còn có ý kiến cho rằng đây là lĩnh vực chuyên môn, làm cho bộ máy thanh tra của Bộ tăng biên chế, trang thiết bị v.v... Tôi xin phép Quốc hội có thể tính toán như thế này được không? Không có việc gì phải tăng biên chế cả, hiện nay thanh tra đang nằm ở Cục, ở Tổng cục thì toàn bộ bộ phận đó ta đưa lên thanh tra Bộ và đấy là một bộ phận của thanh tra Bộ mà cũng là những người làm về lĩnh vực này, hiểu biết về lĩnh vực này. Cả trang thiết bị thì cũng đưa chuyển lên thanh tra Bộ quản lý và sử dụng, thiếu thì lại bổ sung thêm, có vấn đề gì đâu. Hai nữa là về nguyên tắc tổ chức là thanh tra là tai mắt, là công cụ của nhà quản lý, vậy nếu Bộ quản lý thì Bộ phải có công cụ đó, còn cơ quan này chỉ là cơ quan giúp việc như ở trong Khoản 1 của dự thảo hiện nay. Đã là cơ quan giúp việc thì anh chỉ làm một số việc, còn thanh tra của Bộ không những thanh tra lĩnh vực này, mà nó còn thanh tra ngay cả các cán bộ của cơ quan này trong quá trình quản lý lĩnh vực này.

Cho nên nếu chúng ta quy định như thế này thì về nguyên tắc tổ chức hiện nay nếu như một số đại biểu thì nó sẽ không phù hợp với Hiến pháp, với Luật tổ chức Chính phủ, sẽ có những điều bất lợi và vô hình chung ông Cục trưởng này sẽ trở thành cơ quan quản lý Nhà nước cao nhất về lĩnh vực tần số vô tuyến điện, như vậy hoàn toàn không phù hợp. Quốc hội nếu thấy có chuyện gì hỏi đồng chí Bộ trưởng, chất vấn đồng chí bảo không việc này Quốc hội đã giao cho đồng chí Cục trưởng rồi, tôi xin phép Quốc hội cho đồng chí Cục trưởng lên trả lời có được không? Chuyện đó hoàn toàn không thể được. Ngay Chính phủ khi bàn về việc này, cụ thể dự Luật này đồng chí Cục trưởng giỏi mấy thì giỏi không thể là trưởng Ban soạn thảo về luật này được và cũng không thể ra trình bày, phát biểu ý kiến với Chính phủ được. Nói tóm lại, trách nhiệm là thuộc đồng chí Bộ trưởng, cho nên chúng tôi đề nghị như vậy.

Thế còn thanh tra cũng thế, thanh tra là công cụ mà nếu công cụ này đặt ở đâu cũng là vấn đề. Nếu anh đặt ở cục này thì nó là tai mắt của cục này, cục này lại làm quản lý nữa thì đến đó là nhất thì không phải. Như vậy ông Bộ trưởng sẽ không có trách nhiệm gì về lĩnh vực này cả. Cho nên chúng tôi đề nghị Điều 6 như vậy.

Điều 7 chúng tôi nghĩ rằng nếu bây giờ mà chỉ có hai cách thôi. Một là chúng ta bàn bảo là các luật khác thì làm theo Luật giao thông đường bộ thì cũng viết như giao thông đường bộ, còn nếu không thì cũng không cần thiết điều này. Nó chỉ có hai cách chứ còn bây giờ giao cho Bộ trưởng để quy định về tổ chức bộ máy và thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định là không đúng. Luật thanh tra là Quốc hội đã quy định tổ chức của Luật thanh tra từ Trung ương là thanh tra Chính phủ cho đến tận huyện là Chính phủ quy định là tổ chức cả rồi. Giờ tại sao thanh tra Bộ nói chung thì là Quốc hội quy định thế còn tách ra phần chuyên ngành này đặt ở dưới cục này rồi bảo giao cho Bộ trưởng quy định thì nó không theo nguyên tắc nào cả. Tôi nghĩ là thẩm quyền về thanh tra này tuy rằng là công cụ của Bộ trưởng nhưng không phải vì là công cụ mà có thể quy định về tổ chức của nó được. Tôi xin phép phát biểu một vài ý như vậy. Tôi xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan