Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Đình Long – Đắc Lắk

Thứ Tư 14:20 28-10-2009

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo luật chúng tôi thấy luật có 48 điều. Trong 48 điều này có 16 nội dung, đối tượng điều chỉnh đối tượng áp dụng được giao cho Chính phủ, Bộ là cơ quan ban hành quy định cụ thể, có 11 điều quy định chức năng, nhiệm vụ cho các bộ, ngành. Việc quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành có phải là nội dung quản lý hay không đó là điều mà chúng ta phải suy nghĩ, nhiều khi đọc luật người ta thấy đó là chức năng bộ ấy còn tôi là đối tượng điều chỉnh không phải là việc tôi phải chấp hành. Nhìn chung các quy định này chúng ta cần phải xem xét lại.

Đọc luật này chúng tôi thấy rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành bởi vì có đến 11 điều quy định chức năng, nhiệm vụ của bộ, ngành, cũng không rõ lắm về nội dung đối tượng điều chỉnh, đối tượng áp dụng phải chờ đợi sự ban hành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ đó cho nên tính cụ thể của nó chưa được thể hiện rõ.

Một điều tôi quan tâm nữa đó là cơ quan quản lý chuyên ngành quy định ở Điều 6. Theo dự thảo tại Điều 6 thì cơ quan quản lý chuyên ngành là cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông. Vấn đề đặt ra vậy thì Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan gì? Tôi có suy nghĩ là quy định này không phù hợp với Hiến pháp và Luật tổ chức Chính phủ. Bởi vì chức năng, nhiệm vụ của quản lý Nhà nước là Bộ, còn trong Bộ có thể có hàng trăm Vụ, Tổng cục, Cục v.v..., tất cả những cơ quan đấy đều tham mưu cho Bộ và đứng đầu là Bộ trưởng. Bây giờ chúng ta quy định một điều cụ thể như vậy thì tôi nghĩ cũng cần phải có thời gian nếu như không phải sửa Hiến pháp và Luật tổ chức Chính phủ thì chúng ta không thể quy định như thế được.

Tại Khoản 4, Điều 12 quy định tổ chức, cá nhân bị thu hồi quyết định sử dụng tần số theo quyết định thu hồi của cơ quan quản lý chuyên ngành tức là cơ quan này. Tôi viện dẫn một điều mà quyền lực của cơ quan này to đến thế, tôi nghĩ như thế vô hiệu hóa Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và như thế không phù hợp. Chúng tôi đề nghị luật chỉ quy định đến mức độ nào đó về nội dung quản lý, còn chức năng, quyền hạn của cơ quan quản lý thì tuân thủ theo Luật tổ chức Chính phủ.

Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2009 thì Luật viễn thông mà Quốc hội chúng ta thảo luận tại chiều 24/10 vừa qua có đại biểu đã nêu luật này còn quá chung chung, chưa cụ thể và đề nghị Quốc hội chưa thể thông qua được, tôi cũng tán thành với ý kiến đó. Bởi vì cùng với dự thảo luật đó là một nghị định, mà nghị định thì không căn cứ vào những điều quy định chi tiết trong dự thảo quy định, mà quy định những điều không có nội dung trong dự thảo luật quy định. Vấn đề nữa là dự thảo nghị định đó chưa thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2009. Bởi vì theo luật này cơ quan được uỷ quyền ban hành văn bản không được quyền uỷ quyền tiếp. Cho nên những điều, khoản nào giao Chính phủ là Chính phủ quy định, giao Thủ tướng thì Thủ tướng quy định, giao cho Bộ trưởng là Bộ trưởng chứ không có chuyện giao cho cơ quan được uỷ quyền rồi lại tiếp tục được uỷ quyền.

Vấn đề tiếp theo là dự thảo nghị định còn quy định nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng thông báo, chế định này bỏ rồi. Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định tối thiểu phải 45 ngày sau ngày ký và sau ngày ký hoặc công bố 2 ngày là phải đăng thông báo, tinh thần của luật là như vậy, ở mình những dự thảo, nghị định chưa tiếp cận với cái mới mà đây không riêng gì một dự thảo, nghị định đó mà các dự thảo, nghị định khác chúng ta cũng cần phải quan tâm.

Tại Luật tần số vô tuyến điện này, hôm nay cơ quan ban hành, cơ quan soạn thảo đã gửi đến Quốc hội một văn bản tổng hợp và 5 văn bản gồm 16 nội dung mà theo cơ quan soạn thảo là những nội dung này có thể còn nguyên giá trị vì nó đã được ban hành, hướng dẫn Pháp lệnh Bưu chính viễn thông. Theo tôi những nội dung này nếu đã được ổn định, nó đã được thử nghiệm trong cuộc sống thì chúng tôi đề nghị nên quy định vào luật, còn việc căn cứ pháp lý của những văn bản này khi Pháp lệnh Bưu chính viễn thông hết hiệu lực thì nó còn có hiệu lực hay không, Ban soạn thảo đề xuất không cần phải ban hành lại, đó cũng là điều cần phải suy nghĩ khi căn cứ pháp lý của những quy định đó đã bị thay đổi. Từ những quy định của Luật ban hành văn quy phạm pháp luật bản rà soát lại với những nội dung của dự thảo luật này nếu như không sửa đổi, bổ sung đầy đủ các nội dung quy định cụ thể chi tiết mà khi luật có hiệu lực ban hành có thể thi thành được ngay thì tôi đề nghị Quốc hội chưa thông qua luật này tại cuộc họp này. Xin hết.

Các văn bản liên quan