Góp ý của Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch – TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai 10:09 24-05-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa Quốc hội,

Theo 3 gợi ý của đồng chí Phó Chủ tịch chủ trì Quốc hội, tôi xin tham gia trực tiếp vào 3 ý này.

Trước hết, tôi rất hoan nghênh và đồng tình rất cao giải trình 14 điểm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi cho rằng dự thảo lần này so với các lần trước đã xử lý những ý kiến khác nhau và những nội dung có thể chấp nhận được để có thể thông qua về cơ bản. Để bày tỏ quan điểm của mình, tôi xin trình bày 3 vấn đề.

Thứ nhất, liên quan đến chính sách tiền tệ quốc gia ở Điều 3, tôi rất đồng tình ở 3 khoản, Khoản 1, 2, 3 là Quốc hội quyết định cái lớn nhất đó là quyết định chính sách tiền tệ quốc gia, đó là quyết định chỉ số tăng giá hay lạm phát thông qua chỉ số tăng giá. Bởi vì quyết cái này nó phải chi phối bao trùm các chính sách tiền tệ, kể cả chính sách tài khóa để bảo đảm thực tế, ví dụ Quốc hội kỳ họp trước quyết năm nay là 7% chỉ số tăng giá, nó chi phối toàn bộ cung tiền tín dụng tất cả tôi cho là quyết cái lớn nhất thì Quốc hội quyết là đúng.

Thứ hai, liên quan đến vai trò Chủ tịch nước theo Hiến pháp thì tôi không đồng tình, tuy nhiên theo quan điểm lần này Luật Ngân hàng Nhà nước mà theo giải trình nó có một nội dung là làm rạch ròi trách nhiệm tính chủ động, trách nhiệm của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc điều hành chính sách và tiền tệ. Như vậy sự chủ động này như thế nào, ở đây Khoản 4 ghi trong mục không rõ là Chính phủ ... và trình Quốc hội quyết định chỉ tiêu lạm phát hàng năm là đúng rồi. Nhưng ở đoạn "Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phải quyết định việc sử dụng các công cụ, biện pháp" thì không rõ là cái nào Thủ tướng, cái nào là Thống đốc. Như vậy nếu như thế này thì trở lại tình trạng như cũ, không rõ trách nhiệm. Tôi chưa biết sửa thế nào. Ví dụ, vừa qua khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước điều hành các công cụ, biện pháp chính sách tiền tệ thì đầu năm dựa vào Nghị quyết 03 của Chính phủ về quan điểm về chính sách tiền tệ về định hướng, rồi gặp ngay Nghị quyết 18, có nghĩa là Chính phủ và Thủ tướng quyết những cái gì, ví dụ như tổng khung tiền hay là cái gì đó nó rõ ra. Còn trên cơ sở đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm vấn đề điều hành các công cụ như nghiệp vụ thị trường mở, mở rộng cho vay, mở rộng các nghiệp vụ thị trường mở, vấn đề có tăng dự trữ hay không dự trữ. Tất cả các công cụ, rất nhiều, rất linh hoạt và phải rõ ràng ra. Đó là vấn đề thứ nhất, tôi đồng tình nên đề nghị chỉnh lại cụ thể hơn Khoản 4 của Điều 3.

Vấn đề thứ hai, vấn đề lãi suất ở Điều 12. Xin thưa Quốc hội, đây là vấn đề có nhiều tranh luận. Trước hết tôi đồng tình là chúng ta hướng tới điều tiết lãi suất trong điều kiện bình thường thì phải điều tiết theo quan hệ thị trường, quan hệ cung cầu. Trên thực tế hai năm qua chúng ta sử dụng lãi suất trong điều kiện không bình thường, tức là quy định tại Khoản 2, Điều 12. Không thể lấy điều không bình thường để chế định một điều bình thường trong tương lai. Tôi xin thưa rằng lãi suất lên, xuống của thị trường tiền tệ là tùy thuộc vai trò của Ngân hàng Nhà nước Trung ương trong vấn đề thực hiện nhiệm vụ của nghiệp vụ thị trường mở. Anh tăng tổng cung tiền hay giảm tổng cung tiền, tăng dư nợ tín dụng hay giảm dư nợ tín dụng nó điều chỉnh. Vừa qua thực tế Quốc hội phải cho phép không dùng biện pháp hành chính để kìm thị trường tiền tệ được, lãi suất được, mà phải cho phép mở theo hình thức lãi suất thỏa thuận. Nếu vừa rồi mở theo lãi suất thỏa thuận nếu Ngân hàng Nhà nước không tăng cung tiền, không tăng nghiệp vụ thị trường mở hay nới tín dụng thì không thể nào có dấu hiệu giảm lãi suất như vừa qua được.

Như vậy thực tế Việt Nam cho thấy chúng ta không thể điều khiển một thị trường tiền tệ bằng biện pháp hành chính. Tuy nhiên, trong điều kiện bất thường phải dùng biện pháp hành chính như Khoản 2 là đúng. Như vậy luật hướng tới điều bình thường và quy định điều cá biệt để Nhà nước có thể điều chỉnh. Như vậy Khoản 1 và Khoản 2 là đúng.

Về lãi suất cơ bản, thực chất, bản chất nó là gì? Trên thế giới người ta sử dụng lãi suất cơ bản với nghĩa đó là lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước Trung ương đưa ra để đối thoại với thị trường cho các ngân hàng thương mại định hướng đi theo. Nếu anh đưa ra một loại lãi suất mà thị trường không theo, giống như cha mẹ ra lệnh mà con không nghe thì xem lại 2 việc: hoặc là con hư hay tại cha mẹ đưa ra điều quá vô lý. Như vậy trong trường hợp, ví dụ một số nước lãi suất cơ bản họ hiểu đó là lãi suất tái chiết khấu của Ngân hàng Trung ương với tính chất người cho vay cuối cùng. Nếu đưa lãi suất tái chiết khấu mà Ngân hàng thương mại không theo thì Ngân hàng Trung ương xem lại lãi suất như thế nào. Trong đây đã quy định Ngân hàng Nhà nước hiện nay trong lãi suất cơ bản và lãi suất cho tái cấp vốn đều bằng nhau 8%. Như vậy đưa lãi suất tái cấp vốn mà thị trường không theo, có nghĩa là lãi suất đưa chưa phù hợp, như vậy chính là các công cụ của thị trường. Tôi cho rằng quy định Khoản 1 và Khoản 2, Điều 12 về lãi suất như vậy là ổn chứ không có vấn đề gì cả. Tôi rất chia sẻ, như vậy thì hiện nay Việt Nam một loạt những tình trạng với thị trường là chuyện cho vay nặng lãi, các tiệm cầm đồ, cho vay ở chợ, cho vay nông thôn mà Điều 404, Bộ luật dân sự đã đề cập.

Tôi rất chia sẻ trong điều kiện của ta và nhiều nước tình trạng cho vay nặng lãi, các tình trạng đó vẫn tiếp tục xảy ra, để giải quyết căn cơ vấn đề đó khi bàn về Luật các tổ chức tín dụng, tôi đề nghị nên làm rõ vai trò của các tổ chức tín dụng vi mô, các hợp tác xã tín dụng, chính sách của Nhà nước, vai trò của Ngân hàng chính sách, Ngân hàng phát triển làm sao mở rộng cái này để chúng ta giải quyết cung cầu về vốn trên thị trường, chứ chúng ta không thể giải quyết bằng biện pháp hành chính đặc biệt Luật Ngân hàng không thể giải quyết tất cả các vấn đề của một bài toán phát triển về mặt xã hội tình trạng cho vay nặng lãi tất cả bằng một đạo luật này, như vậy nó sẽ méo mó tất cả. Tôi đồng tình từ giải trình của Ủy ban Thường vụ là phải có các biện pháp, nhưng trước mắt Quốc hội có quyền và khi thông qua Luật các tổ chức tín dụng, chúng ta xem lại vai trò của các định chế tín dụng vi mô, vai trò hợp tác xã, chính sách của nó để giải quyết tình trạng của khu vực kinh tế không chính thức, tình trạng cho vay nặng lãi ở các chợ v.v... Đó là quan điểm tôi đồng tình như vậy.

Vấn đề thứ ba, liên quan đến thị trường ngoại hối, về bản chất dự trữ ngoại hối nó là bộ phận cân đối trong bảng cân đối tài sản của Ngân hàng Nhà nước, tức là tài sản của Nhà nước. Nhưng nó không phải là ngân sách, về bản chất phải rõ ra, dự trữ ngoại hối tối thiểu nó là tài sản của Ngân hàng Nhà nước nhưng không phải ngân sách. Như vậy, theo quy định này việc điều hành dự trữ ngoại hối là Chính phủ điều hành để cân đối mọi thứ cho hoạt động bình thường của thị trường ngoại hối. Tuy nhiên, nếu dùng ngoại hối mà liên quan đến chi ngân sách, làm thay đổi ngân sách thì tôi đề nghị phải tuân thủ Luật ngân sách và phải báo cáo với Quốc hội chứ không thể nào dùng ngoại hối mà làm thay đổi ngân sách được. Như vậy, hai vấn đề bản chất không phải ngân sách nhưng dùng nó cho ngân sách là thuộc thẩm quyền của Quốc hội chứ không phải thẩm quyền của Chính phủ. Tôi đồng tình các chế định trong điều khoản này. Đó là 3 vấn đề nêu ra tôi xin trình bày quan điểm của mình. Xin hết, xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan