Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phan Trung Lý – Nghệ An

Thứ Hai 10:10 24-05-2010

Kính thưa Quốc hội,

Tôi tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự án Luật Ngân hàng Nhà nước. Tôi thấy Dự thảo được trình Quốc hội xem xét hôm nay đã tiếp thu rất nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội và chỉnh lý rất nhiều vấn đề. Tuy nhiên theo gợi ý của đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội điều hành phiên họp, tôi xin có 3 ý kiến như sau:

Thứ nhất là vấn đề chính sách tiền tệ quốc gia. Theo tôi chính sách tiền tệ quốc gia theo quy định Điều 84 của Hiến pháp là thuộc thẩm quyền của Quốc hội quyết định và những gì thuộc chính sách tiền tệ quốc gia thì phải do Quốc hội quyết định. Căn cứ vào đó tôi thấy phương án tiếp thu trong dự thảo luật này đưa ra tức là chính sách tiền tệ quốc gia là các quyết định về tiền tệ ở tầm quốc gia của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền bao gồm mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền, biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát được thể hiện thông qua chỉ số giá tiêu dùng và các công cụ, biện pháp để thực hiện mục tiêu đề ra. Như vậy, tôi thấy rằng quy định về chính sách tiền tệ Quốc gia cơ bản tôi nhất trí. Đây là những vấn đề liên quan đến tiền tệ, và tiền tệ thì Quốc hội quyết định, phải ở tầm Quốc gia. Nhưng báo cáo với Quốc hội, tôi không tán thành với ý tiếp theo là "gồm mục tiêu ổn định giá trị đồng tiền biểu hiện bằng chỉ tiêu lạm phát". Theo tôi, chính sách tiền tệ Quốc gia không thể ở chỉ tiêu lạm phát và sau đấy có các công cụ khác nữa. Nếu như nói Quốc hội quyết định chính sách tiền tệ Quốc gia thì Quốc hội không chỉ quyết định chỉ tiêu lạm phát, theo tôi, chỉ tiêu lạm phát dù là lạm phát lành mạnh dưới 5% hay lạm phát tiêu cực trên 5% thì đấy không phải là chính sách tiền tệ mà đấy chỉ là biểu hiện, yếu tố, hậu quả chính sách tiền tệ mà thôi.

Nếu chúng ta thực hiện chính sách tiền tệ đúng thì ngưỡng thực hiện đó không vượt quá quỹ dự trữ cho phép, như vậy không thể có lạm phát. Do đó Quốc hội không thể quyết định cái bất thường, lạm phát là bất thường, lạm phát không thể là bình thường mà chính sách tiền tệ Quốc gia trước hết phải phục vụ trong lĩnh vực sử dụng đồng tiền, quyết định đồng tiền, sử dụng đồng tiền vào các mục tiêu giải quyết các vấn đề, các nhiệm vụ kinh tế - xã hội. Lạm phát không phải là giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội, vậy tại sao chúng ta lại quy định thẩm quyền của Quốc hội là quyết định chính sách tiền tệ Quốc gia và một việc là quyết định chỉ tiêu lạm phát và chống lạm phát? Lạm phát cũng chỉ trong một thời kỳ nhất định nên Quốc hội không thể năm nào quyết định chỉ tiêu lạm phát được, chính sách tiền tệ quốc gia ổn định, bền vững, còn lạm phát chỉ là biểu hiện nhất thời, biểu hiện trong thời điểm nào đó. Tôi không thống nhất với cách quy định đồng nhất khái niệm chính sách tiền tệ quốc gia với chỉ tiêu lạm phát, đề nghị vấn đề này phải xem lại định nghĩa này.

Nếu theo định nghĩa này có hai bộ phận, hai nội dung của chính sách tiền tệ quốc gia nhưng đó là chỉ tiêu, trong này gọi là các mục tiêu ổn định đồng tiền và thứ hai là các công cụ khác, các biện pháp các mục tiêu đề ra. Như vậy hai vấn đề này đều phải do chính Quốc hội quyết định, theo như quy định trong này Quốc hội chỉ quyết định chỉ tiêu lạm phát, đó là một phần rất nhỏ của nội dung ổn định tiền tệ. Vấn đề thứ hai, các công cụ biện pháp giao cho Ngân hàng Nhà nước quyết định là không đúng. Theo tôi chính sách tiền tệ quốc gia phải do Quốc hội quyết định, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ là cơ quan điều hành,là cơ quan thực hiện mà thôi.

Vấn đề thứ hai, về lãi suất cơ bản tôi tán thành với nhiều ý kiến trước tôi đã phát biểu, đây là vấn đề rất quan trọng, bây giờ nói có giữ hay không giữ lãi suất cơ bản cần phải được tổng kết, cần phải được lý giải một cách thỏa đáng. Theo tôi vấn đề lãi suất cơ bản hiện nay rất quan trọng đối với đất nước ta hai năm qua khi khủng hoảng kinh tế vừa rồi thì rõ ràng chúng ta đã áp dụng lãi suất cơ bản để điều tiết ở trên thị trường tôi nhớ trước khi khủng hoảng thì Ngân hàng Nhà nước rất kiên quyết yêu cầu và phải sửa Điều 474, Điều 476 Bộ luật dân sự, nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban pháp luật và các Ủy ban của Quốc hội không đồng ý và cuối cùng không sửa, sau đấy tôi nhớ ngân hàng lập tức cũng dùng lãi suất cơ bản để điều tiết trên thị trường từ 8% lến 12%, lên 16% sau đấy rút xuống 12%, xuống 8%.

Xin báo cáo với Quốc hội, lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn có quyền điều chỉnh lãi suất cơ bản này, quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước không ảnh hưởng đến thẩm quyền của Ngân hàng Nhà nước trong việc điều tiết, trong việc công bố lãi suất cơ bản. Do đó theo tôi nếu như muốn sửa lãi suất cơ bản thì cần phải tổng kết và đặc biệt cần phải tổng kết những hiện tượng vi phạm pháp luật về quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước, của Bộ luật dân sự, của Bộ luật hình sự về vấn đề lãi suất cơ bản. Chứ không thể bây giờ chúng ta lại xóa đi cả một thời gian vừa rồi thực hiện như thế nào không rõ và bây giờ lại thay vào đấy để sửa cái này, sửa cái này lập luận không rõ theo tôi đề nghị không nên. Tôi đề nghị cần phải tổng kết, trước mắt cần phải giữ lãi suất cơ bản ở trong quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Vấn đề thứ ba, vấn đề ngoại hối, tôi tán thành ý kiến của các đồng chí phát biểu, nhưng ngoại hối theo tôi và sử dụng ngoại hối là cũng thuộc Luật ngân sách, đây là thẩm quyền thuộc Quốc hội quyết định. Do đó nếu chúng ta quy định cho chủ trương như Khoản 3 Điều 33 hiện nay theo hướng như vậy thì không phù hợp với Hiến pháp. Và nếu cần phải sửa Luật Ngân sách rằng vấn đề luật quy định về sử dụng ngân sách và sửa Điều 84 Hiến pháp về thẩm quyền Quốc hội thì lúc đó mới quy định được. Còn nếu không theo tôi phải xem vấn đề này là thẩm quyền của Quốc hội. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan