Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Văn Minh – Quảng Nam

Thứ Sáu 09:45 27-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia mấy vấn đề sau:

Thứ nhất tôi thấy dự thảo luật của chúng ta làm sao đó để giải quyết cho được điều từ pháp lệnh vì thực chất chúng ta nâng từ pháp lệnh và tách phần bưu chính ra để thành luật này. Để giải quyết cho được một cái mà tôi thấy trong tờ trình cũng như trong ý kiến thẩm tra chúng ta cũng chưa nêu được là có một thực tế hiện nay người dân chúng ta cũng không mặn mà với việc gửi thư dán tem, mà toàn là chuyển phát nhanh hay gửi thư bảo đảm, tôi nghĩ đây là chức năng chính hết sức quan trọng của ngành, dự luật chúng ta đã tính đến chuyện này chưa, làm sao đó cho người dân mặn mà với công việc này. Bên cạnh đó các doanh nghiệp, ngoài doanh nghiệp công ích được Nhà nước giao nhiệm vụ thì trong lĩnh vực này làm sao đó nhà nước phải có cơ chế để cho các thành phần khác đầu tư vào đây, kinh doanh vào lĩnh vực này, và có một tâm lý rằng cán bộ, công chức, nhân viên của ngành bưu chính viễn thông khi tách hai ngành này ra thì ngành bưu chính rất buồn, buồn việc gì chắc các vị đại biểu biết rồi. Làm việc thì cực khổ như thế, anh em cùng trong một nhà tách ra, nhưng viễn thông kinh doanh hết sức có lãi, thu nhập cao còn bưu chính hết sức khó khăn. Đây là những vấn đề tôi nghĩ trong dự luật này cần phải đặt ra làm sao đó giải quyết được những vấn đề cơ bản để luật của chúng ta đi vào cuộc sống hơn. Đó là việc thứ nhất.

Việc thứ hai, tôi cũng băn khoăn có một số vị đại biểu trao đổi là từ tháng 5 chúng ta có dự thảo Luật thứ 19, hiện nay gần Quốc hội là dự thảo Luật thứ 29, tôi nghĩ là chính xác thôi, nói như này là quá kỹ. Tôi còn nhớ trước đây Luật giáo dục có phạm vi điều chỉnh hết sức rộng, hết sức sâu sắc tác động đến mọi người dân của đất nước này, thì dự thảo đến chừng này lần là cùng, chúng ta đưa nó lên và điều chỉnh một số vấn đề cụ thể, dự thảo này quá kỹ nên tôi nghĩ đại biểu cũng nên tham gia ít thôi. Vấn đề cụ thể tôi muốn nói để Ban soạn thảo giải trình thêm ý kiến đó. Vấn đề hộp thư gia đình chúng ta nên quy định, theo tôi đây là điểm văn minh, một nét văn hóa rất tốt trong giao tiếp, trong hoạt động bưu chính. Tất nhiên chúng ta có băn khoăn là không thể triển khai ngay cùng một lúc nhưng ở các thành phố lớn, đô thị thì chúng ta phải làm trước, vùng sâu vùng xa chúng ta từ từ làm theo lộ trình này thì tôi thấy hoạt động bưu chính của chúng ta sẽ tốt hơn.

Thứ hai, nguyên tắc về hoạt động bưu chính, tôi nghĩ các đồng chí thể hiện trong luật rồi thì làm sao cho toát lên được một cái là kịp thời, chính xác, bí mật, an toàn, đó là 8 chữ vàng mà Bác Hồ dành tặng cho binh chủng thông tin liên lạc trong thời kỳ trước đây bây giờ chúng ta làm sao để thể hiện cho được nội dung này. Chính vì vậy, tôi đề nghị Thủ tướng chỉ đạo, trong Điều 32 chỉ định một doanh nghiệp làm bưu chính, tôi đề nghị điều này cần thiết hơn, nhưng chúng ta nên thể hiện nó ở sự uyển chuyển hơn về xem xét, quyết định để giao nhiệm vụ cho một đơn vị nào đó được Nhà nước giao thực hiện trên lĩnh vực này, đồng thời không bó hẹp phạm vi tham gia đầu tư kinh doanh vào lĩnh vực này của các thành phần kinh tế khác. Tôi nghĩ như vậy sẽ hợp lý hơn.

Vấn đề thứ ba, tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của anh Vượng và anh Hồng đã phát biểu trước. Tôi không tán thành cách thể hiện ở Chương VIII này là không đúng và chúng ta nhấn mạnh một việc không thể doanh nghiệp cung ứng dịch vụ là anh quy định việc khiếu nại như thế nào, anh chỉ nói anh trả lời khiếu nại bằng một thông báo, trong này quy định như thế. Tương tự như vậy, tôi xin nói Khoản 2, Điều 40 quy định "doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính xây dựng và công bố mức bồi thường thiệt hại", liên quan đến việc này hết sức vô lý, cho nên đề nghị Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến và chỉnh sửa lại cho tốt hơn.

Vấn đề nữa, đúng là tôi không tán thành việc tự nhiên có một Khoản 2, Điều 44 là giao Ủy ban nhân dân tỉnh có một bộ phận chuyên trách, không biết ý này các đồng chí làm sao chứ nay mai ra luật này Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ xin thêm mấy biên chế. Luật quy định là có bộ phận chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh theo dõi lĩnh vực này. Cho nên tôi đề nghị bỏ cái này hoặc ghi là Sở Thông tin và truyền thông, ví dụ thế thì tốt hơn.

Điều cuối cùng tôi đề nghị các đồng chí xem lại Điều 46, hình như là do máy tính. Các đồng chí ghi vào đây là Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các điều khoản được ghi trong luật này, không có điều nào ghi cái đó hết. Các đồng chí đọc toàn bộ hơn 40 điều không có điều nào do Chính phủ quy định thi hành cả, mà tự nhiên lại có câu này. Tôi đồng ý là hướng dẫn những nội dung cần thiết của Dự án luật để thực hiện sự quản lý Nhà nước của mình trong lĩnh vực này, cái đó thì có. Bởi vì có những điều thực hiện theo quy định của pháp luật là có, nhưng Điều 46 này vế đầu là do Chính phủ quy định mà trong toàn bộ luật không có, chưa có điều nào do Chính phủ quy định cả. tôi đề nghị chúng ta chỉnh sửa cho tốt hơn.

Cuối cùng tôi nghĩ chúng ta chuẩn bị tiếp thu tốt ý kiến của đại biểu Quốc hội và với sự chuẩn bị quá kỹ này nên thông qua trong một kỳ họp luật này để đỡ tốn kém tiền của của nhân dân. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan