Góp ý của đại biểu Quốc hội Sùng Thị Chư – Yên Bái

Thứ Hai 09:18 02-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Như chúng ta biết Luật giáo dục đã được Quốc hội thông qua và sửa đổi vào năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2006. Luật đã tạo được cơ sở pháp lý để xây dựng và phát triển nền giáo dục nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã tạo được bước tiến quan trọng và tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong hoạt động giáo dục. Sự nghiệp giáo dục đã tiếp tục phát triển cũng như là được đầu tư nhiều hơn trong những năm vừa qua. Kết quả cụ thể thì hàng năm và trong năm qua đã đào tạo và cung cấp được hàng triệu nhân lực có trình độ cao đẳng và đại học, cung cấp được hàng vạn lao động có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ cho đất nước. Đó là những thành tựu rất lớn trong những năm qua của nền giáo dục Việt Nam.

Tuy nhiên trong hơn 3 năm qua thực hiện Luật giáo dục thì cũng đã bộc lộ một số những hạn chế bất cập và cần được sửa đổi bổ sung để tăng cường về việc thực thi luật trong thực tiễn được tốt hơn. Về quản lý và giáo dục chúng tôi thấy rằng cũng vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ vào tháng 5 năm 2008 tổng số các trường đại học cao đẳng trong cả nước của chúng ta là có 369 trường thì Bộ giáo dục và đào tạo mới trực tiếp quản lý là 53 trường và trong đó có 47 trường đại học và 6 trường cao đẳng. Như vậy cũng tạo ra những cái bất cập trong thực tiễn. Hiện nay một số thực trạng về nền giáo dục luôn được xã hội cũng như cử tri quan tâm đó là đánh giá về chất lượng cũng như là chương trình giáo dục thì vẫn còn có những ý kiến và nhất là nhân dân rất quan tâm.

Về nội dung chương trình giáo dục phổ thông cũng chưa đảm bảo sự cân đối giữa dạy chữ và dạy người, còn nặng về kiến thức và ít coi trọng về công tác thực hiện, thực tiễn. Học cũng chưa đi đôi với hành và việc phân ban cũng đã gây nhiều những khó khăn cho giáo viên, học sinh, nhất là đối với các tỉnh miền núi, tây nguyên, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cho nên tôi nhất trí với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Tuy nhiên là bổ sung như thế nào để cho luật này có sức sống được ít nhất 10 đến 15 năm thì điều đó là mỗi đại biểu chúng ta cũng nên quan tâm.

Tham gia cụ thể, một là ở Điều 11, bổ sung ở Khoản 1, về phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Tôi rất nhất trí với các nội dung dự thảo của luật. Tức là phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Nhà nước phải đảm bảo các điều kiện để phổ cập giáo dục trong cả nước, thứ nhất là các cháu mầm non 5 tuổi ở các tỉnh miền núi, vùng dân tộc thiểu số thì hầu hết là các cháu này không biết tiếng phổ thông, nếu như không được phổ cập thì chúng tôi nghĩ rằng bước vào học thì rất khó khăn, cho nên tôi nhất trí với dự thảo của luật là phổ cập giáo dục mầm non ở độ tuổi 5 tuổi và phổ cập giáo dục tiểu học thì tôi hoàn toàn nhất trí.

Thứ hai, ở Khoản 4, Điều 38, về thời gian đào tạo Tiến sỹ, riêng phần này tôi đề nghị là giữ nguyên như ở trong luật hiện hành và không cần sửa đổi điều này. Vì lý do trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng đã nêu rất rõ đồng thời chúng tôi thấy không cần phải sửa thêm về ở phần này.

Điều 51, về thẩm quyền thành lập và cho phép thành lập các trường đại học thì tôi đề nghị nên để Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quyết định đối với các trường đại học thì đó là bước một. Và bước hai, Bộ giáo dục cho phép hoạt động và Bộ giáo dục là cơ quan để thẩm định và quyết định cũng như là kiểm tra chất lượng giáo dục cho các trường đại học. Bởi vì để thành lập một trường đại học thì có liên quan rất nhiều đến các bộ, ngành cũng như là liên quan nhiều đến đất đai, nguồn tài chính, cơ sở vật chất và trang thiết bị, cũng như là đội ngũ cán bộ và giáo viên. Cho nên để cho Bộ giáo dục và đào tạo quyết định thì tôi cho đó là hợp lý cũng nên để cho Bộ giáo dục là trọng tài và là người chỉ đạo trực tiếp các bộ, ngành trong việc xây dựng cũng như là đầu tư cho các trường. Cho nên để cho bên Chính phủ quyết định thì tôi cho rất hợp lý.

Phần thứ tư, tôi có một số kiến nghị như sau, đề nghị trong Luật và các văn bản dưới Luật cần phân cấp mạnh mẽ và rõ ràng hơn cho các trường để tự chủ về đào tạo cũng như là tăng cường công tác xã hội hóa về công tác giáo dục đào tạo. Có như vậy thì mới nhằm đáp ứng được sự mong muốn của toàn xã hội để đáp ứng đúng với quan điểm phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu. Trên đây là một số ý kiến phát biểu tham gia vào Luật giáo dục sửa đổi. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan