Góp ý của đại biểu Quốc hội Trần Tiến Cảnh – Hà Nam

Thứ Hai 09:20 02-11-2009


Kính thưa chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Dự thảo Luật giáo dục sửa đổi, bổ sung kỳ này sau khi nghiên cứu đối chiếu với tình hình thực tiễn, về cơ bản theo tôi luật chưa đáp ứng những đòi hỏi bức thiết của xã hội về giáo dục. Ví dụ vấn đề quản lý Nhà nước về giáo dục theo báo cáo của Bộ giáo dục và đào tạo gửi cho các đại biểu Quốc hội sáng nay, Bộ giáo dục và đào tạo mới quản lý 18% các trường đại học. Vấn đề về các khoản thu trong nhà trường theo Luật giáo dục cũng chỉ nói phụ huynh học sinh và người học chỉ nộp hai khoản là học phí và lệ phí tuyển sinh, ngoài ra không thu các khoản nào khác. Song thực tế trong thời gian vừa qua có những địa phương, có những trường đã thu tới 24 khoản mà trong đó chỉ có một khoản đúng quy định của luật. Vậy liệu còn khoản thu nào khác được phép không, do vậy chúng tôi thấy rằng chưa đáp ứng được những đòi hỏi bức xúc của xã hội về giáo dục. Một số điều luật sửa đổi mang tính hoàn chỉnh về nội dung, nếu không sửa hoặc chưa sửa cũng không ảnh hưởng gì. Tôi xin tham gia đóng góp vào một số vấn đề trong dự thảo luật như sau.

Thứ nhất, về thẩm quyền thành lập, cho phép thành lập trường đại học. Theo tôi vẫn giữ nguyên Điểm b, Khoản 1, Điều 51 Luật giáo dục hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với trường đại học. Tôi có suy nghĩ như sau, trong thời gian vừa qua việc thành lập các trường đại học bảo đảm các điều kiện chất lượng là có vấn đề, việc cấp phép chưa chặt chẽ, cơ sở vật chất, đội ngũ nhà giáo, việc thẩm định không kỹ, lẽ dĩ nhiên là nhiều bộ, nhiều tỉnh có liên quan có quan điểm trước khi báo cáo Thủ tướng, song nếu Bộ giáo dục và đào tạo chưa nhất trí thành lập thì Thủ tướng cũng chưa ký thành lập. Luật sửa đổi bây giờ hiện chúng ta đang thực hiện là Thủ tướng Chính phủ quyết định, nếu sửa đổi giao cho Bộ trưởng quy định thì chặt chẽ hơn hay sao? Lưu ý từ trước đến nay việc thành lập các trường đại học đều có ý kiến thẩm định của Bộ giáo dục và đào tạo. Theo tôi trước mắt nên đánh giá kết quả ra sao, ưu, nhược như thế nào và trước mắt vẫn để Thủ tướng quyết định, sau này nếu tổ chức ổn định có thể giao cho Bộ giáo dục và đào tạo. Nếu giao thẩm quyền này cho Bộ trưởng tôi e rằng tới đây tỉnh nào cũng có ít nhất một trường đại học, lúc đó chất lượng đào tạo đại học không đảm bảo yêu cầu của hệ thống giáo dục. Tôi xin minh chứng một ý như sau, thời gian vừa qua việc xây dựng các sân golf, khi đó Thủ tướng quyết định có 3 sân golf thôi, vậy mà khi giao cho các địa phương quyết định đã có tới 166 sân golf, công tác quản lý Nhà nước của chúng ta chưa phải đã tốt tất cả.

Vấn đề thứ hai, hiện nay đang có tình trạng quá tải về nội dung chương trình và nhiều sai sót trong sách giáo khoa. Tại Điều 29 sửa đổi đề nghị nên bổ sung trách nhiệm của Hội đồng thẩm định quốc gia về sách giáo khoa, trách nhiệm của Bộ trưởng vào Luật sửa đổi để khi xảy ra sai sót nội dung và chương trình quá tải, có như vậy luật mới chặt chẽ, gia đình người học và học sinh mới yên tâm, dư luận hiện nay rất quan tâm vấn đề này.

Trong Khoản 3, Điều 29 quy định Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhà quản lý, hội nghề nghiệp, học sinh. Tôi đề nghị bổ sung thêm xã hội vào việc chọn sách, nhất là sách giáo khoa bằng tiếng dân tộc. Bộ trưởng lấy ý kiến đóng góp của các nhà quản lý, hội nghề nghiệp, học sinh, tôi cho dùng từ này là không chính xác mà chỉ là tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học và các hội nghề nghiệp cũng như các nhà quản lý, Hội nghề nghiệp, học sinh tôi cho dùng từ này là không chính xác mà chỉ là tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học và các Hội nghề nghiệp cũng như là các nhà quản lý.

Điều 35 chương trình, giáo trình giáo dục nghề nghiệp có ghi Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề quy định việc biên soạn, lựa chọn, thẩm định, tổ chức biên soạn duyệt giáo trình sử dụng chung. Theo tôi phải thêm hai từ "phối hợp" tức là Bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan quản lý giáo dục nghề nghiệp phải phối hợp với nhau nếu không thì cả Bộ trưởng, cả thủ trưởng, cả cơ quan quản lý dạy nghề cùng quy định tổ chức biên soạn và duyệt giáo trình một cách độc lập với nhau. Do vậy theo tôi cần đề nghị bổ sung hai từ "phối hợp".

Về thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ Điều 38 tôi cũng nhất trí với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội không cần thiết phải sửa đổi điều này như giải trình của Ủy ban đã nêu. Nếu bổ sung việc nghiên cứu sinh không có điều kiện đi học, tập trung liên tục và được cơ sở giáo dục cho phép trong đó có ít nhất 1 năm tập trung liên tục. Đề nghị nên bổ sung những yêu cầu chặt chẽ về kết quả nghiên cứu và kết quả học tập tránh tình trạng có tiến sĩ mang luận án về chép hoặc nhờ người làm hộ. Nếu dễ dãi về thủ tục, điều kiện lại học không có điều kiện tập trung quá dễ dãi như vậy thì nhiều người có bằng tiến sĩ. Đề nghị bổ sung những yêu cầu về kết quả học tập nghiên cứu và điều kiện để đảm bảo luận án tiến sĩ.

Điều 50 về thành lập nhà trường tôi nhất trí sửa thành hai khoản, Khoản 1 thì nên tách thành ý a và ý b cho rõ ràng. Ý a phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội và ý b là xác định mục tiêu, nhiệm vụ chương trình và nội dung giáo dục. Hiện nay ngành y tế đang đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp 1, cấp 2 cho bác sĩ để nâng cao kết hợp thực hành, để khuyến khích người học Nhà nước nên mở rộng việc học ở các ngành khoa học, nghệ thuật bằng việc bổ sung vào dự án luật loại trình độ đào tạo sau đại học cho những người muốn nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn như hầu hết các quốc gia khác đã có.

Cần được điều chỉnh sớm trong Luật giáo dục để đảm bảo hội nhập thuận lợi, tạo điều kiện thông thoáng cho các trường nước ngoài đầu tư tại Việt Nam, nên có điều nói về việc hợp tác với nước ngoài về việc thành lập trường đại học ở Việt Nam. Cần sớm phân định quản lý Nhà nước về giáo dục, tôi đề nghị nên giao cho Bộ giáo dục và đào tạo quản lý các trường trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề.

Trên đây là một số ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan