Góp ý của đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hải – Đồng Nai

Thứ Hai 09:17 02-11-2009


Kính thưa Quốc hội!

Tôi cơ bản thống nhất với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng về sự cần thiết và quan điểm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Tôi xin phát biểu một số ý kiến về những vấn đề cụ thể mà tôi quan tâm.

Thứ nhất, về điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện để được cho phép hoạt động giáo dục tại Điều 50. Tôi thống nhất với nội dung quy định tại Điều 50 để thành lập trường đại học, các cơ sở giáo dục phải qua 2 bước: thành lập trường và được phép hoạt động. Quy định như thế là chặt chẽ khắc phục được những hạn chế của Luật giáo dục hiện hành, ngoài hai điều kiện được quy định trong dự án luật, tôi đề nghị bổ sung quy định sau 3 năm có quyết định thành lập, hoặc cho phép thành lập trường đại học mà nhà trường không thực hiện được điều kiện thành lập trường thì bị xử lý theo quy định tại Điều 51 của luật này, đồng thời dự án luật cần quy định cụ thể những trường hợp sáp nhập, chia tách, giải thể, đình chỉ hoạt động của nhà trường nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Hiện nay việc thành lập các trường đại học, nâng cấp trường đại học, cao đẳng lên đại học được đánh giá là khá nhanh và diễn ra tràn lan không đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên trong thực tế vẫn đang tồn tại một nhu cầu thiết thực của xã hội là cần có một nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, ngành giáo đục đã và đang đáp ứng nhu cầu này. Vì vậy vấn đề không phải hạn chế sự phát triển của các trường đại học, cao đẳng mà cần xây dựng một hệ thống kiểm tra chặt chẽ. Trước hết là trong khâu cấp phép thành lập trường và cấp phép hoạt động. Một trong những tiêu chí để cấp phép hoạt động được nêu trong dự án luật là phải có đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo đạt tiêu chuẩn đủ về số lượng và đồng bộ về cơ cấu. Tuy nhiên trong thực tế vẫn xảy ra một thực trạng là nhiều trường đại học, cao đẳng được thành lập mà có rất ít giáo viên cơ hữu, thậm chí không có hoặc chủ yếu đi thuê giáo viên. Do vậy tôi đề nghị cần bổ sung quy định đủ nhà giáo cơ hữu về số lượng và đồng bộ về cơ cấu nhằm khắc phục tình trạng nêu trên. Báo cáo của Bộ giáo dục và đào tạo về tình hình đội ngũ giảng viên của các trường đại học được thành lập mới từ năm 1998 đến năm 2009 cho thấy đội ngũ giảng viên cơ hữu chiếm tỷ lệ rất thấp. Cụ thể trường Đại học dân lập Lương Thế Vinh thành lập năm 2003 có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là 302, người trong khi đó đội ngũ giảng viên cơ hữu là 74 người, chiếm tỷ lệ chưa đầy 23%.Trường đại học quốc tế Bắc Hà thành lập năm 2007 có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là 181 người, trong khi đó đội ngũ giảng viên cơ hữu là 62 người, chiếm tỷ lệ 25% v.v...

Thứ hai, về thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập nhà trường tại Điểm d Khoản 1, Điều 51. Một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục lần này thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri là vấn đề chuyển thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học từ Thủ tướng Chính phủ cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Theo tôi việc giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quyết định và trực tiếp chịu trách nhiệm về việc thành lập trường đại học là hoàn toàn phù hợp với quy định về phân công, phân cấp quản lý giáo dục với chủ trương cải cách hành chính hiện nay và phù hợp với xu thế mới trong thời kỳ hội nhập.

Hiện nay Thủ tướng Chính phủ đã có quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng và quy định rõ các điều kiện, thủ tục thành lập trường đại học. Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo căn cứ vào quy hoạch mạng lưới và các điều kiện thành lập xem xét quyết định thành lập từng trường đại học cụ thể. Khi đã giao thẩm quyền cho Bộ trưởng, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung vào việc quản lý, điều hành vĩ mô, xây dựng hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục hoạt động hiệu quả, đúng pháp luật và nghiêm khắc chế tài những cá nhân có trách nhiệm trong việc thẩm định, đề xuất hành lập hoặc cấp phép thành lập. Trái lại, cơ quan được giao thẩm quyền sẽ tăng cường công tác hậu kiểm để hạn chế tình trạng trường đại học, cao đẳng khi lập dự án thì rất quy mô nhưng khi hoạt động lại rơi vào tình trạng đầu voi đuôi chuột.

Quy định về quy trình thành lập trường đại học như hiện nay là không rõ ràng trong việc phân chia trách nhiệm. Bộ giáo dục và đào tạo chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thẩm định thành lập trường sau đó trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định, nhưng khi xảy ra sai sót thì ai là người chịu trách nhiệm, người trình hay người ký? Tôi cho rằng việc giao quyền quyết định thành lập trường cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo sẽ được giải quyết những bất cập này.

Thứ ba, về quyền hạn và nhiệm vụ của nhà trường tại Điều 58 hoặc kiểm định chất lượng giáo dục tại Điều 106a. Tại Khoản 1, Điều 58 quy định ''công khai mục tiêu, chương trình giáo dục, nguồn lực và tài chính, kết quả đánh giá giáo dục và hệ thống văn bằng chứng chỉ của nhà trường". Điều 17 của Luật giáo dục hiện hành cũng quy định kết quả kiểm định chất lượng giáo dục được công bố công khai để xã hội biết và giám sát. Đồng thời tại Điều 106a đã bổ sung quy định nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục bao gồm 4 khoản.

Tôi đồng tình với ý kiến của đại biểu Doãn Thanh - Hà Nội, quy định như trên sẽ góp phần định hướng tốt hơn cho người học, trong việc lựa chọn trường và các cơ sở giáo dục để theo học, đồng thời tăng khả năng giám sát, đánh giá của xã hội đối với cơ sở giáo dục. Những quy định này còn là căn cứ để cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đối chiếu với sản phẩm đầu ra với mục tiêu giáo dục mà nhà trường đã công bố khi tiến hành kiểm định và đánh giá chất lượng giáo dục.

Tuy nhiên, tôi đề nghị bổ sung ở Điều 106 quy định cấp, thu hồi, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục. Tôi đồng tình với ý kiến của Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh niên, thiếu niên và nhi đồng trong Báo cáo thẩm tra có nêu: "Cần tách quy định và nội dung nhà trường sẽ công khai thành một khoản riêng và quy định rõ hình thức, đối tượng được công khai", đồng thời bổ sung chế tài xử lý trách nhiệm nếu nhà trường công bố thông tin không đúng sự thật và không thực hiện đúng cam kết. Có như thế mới đảm bảo được việc công khai kiểm định chất lượng giáo dục thực chất và hiệu quả.

Về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tôi đề nghị cần sớm thống nhất cơ quan đầu mối quản lý về giáo dục nghề nghiệp để dễ thực hiện công tác quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề, kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất theo kế hoạch phát triển hàng năm và kế hoạch 5 năm theo chiến lược phát triển giáo dục, tránh tình trạng chia tách, phân tán, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giáo dục nghề nghiệp như hiện nay. Xin hết.

Các văn bản liên quan