Góp ý của đại biểu Quốc hội Rcom Sa Duyên – Gia Lai

Thứ Ba 10:10 03-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Qua Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thể hiện đầy đủ và rõ nét, tôi cơ bản nhất trí. Để đảm bảo công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe, tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Một, cấp chứng chỉ hành nghề quy định như dự thảo luật là cấp một lần và tăng cường cơ chế thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm là phù hợp hơn. Ở đây thể hiện vai trò quản lý nhà nước về khám, chữa bệnh được nâng cao qua công tác thanh tra, kiểm tra. Bên cạnh đó tránh được phiền hà cũng như tiêu cực trong cơ quan quản lý nhà nước và người hành nghề. Trên cơ sở đó người hành nghề y luôn nêu cao ý thức không ngừng nâng cao trình độ, kỹ năng chuyên môn, tiếp cận với kiến thức y học hiện đại, cũng như đảm bảo điều kiện, phương tiện hỗ trợ cho khám, chữa bệnh, tạo uy tín cho người hành nghề y đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân.

Hai, về công chức, viên chức y tế hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân, quy định như dự thảo cho phép công chức, viên chức làm việc ngoài giờ, thành lập cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân. Tuy nhiên, đây là vấn đề còn nhiều tranh cãi, vì là cơ chế mở giữa công và tư, nhưng tôi xin tham gia về mặt ưu điểm của vấn đề này. Đây là vấn đề góp phần làm giảm tình trạng quá tải ở bệnh viện công, đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân khi ý thức chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng nâng cao.

Hiện nay ở tỉnh Gia Lai chúng tôi đặc biệt một số hộ đồng bào dân tộc thiểu số khi điều kiện cuộc sống có thu nhập trung bình trở lên thì họ đến bệnh viện tư nhân để khám. Một mặt nữa là từng bước xã hội hóa khám, chữa bệnh cũng như đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và nâng cao y đức của người hành nghề khám, chữa bệnh.

Ba, về y đức, người hành nghề trong cơ sở khám, chữa bệnh công hay cơ sở khám, chữa bệnh tư cần đề cao y đức nghề nghiệp lên hàng đầu, do hành vi của người làm nghề y luôn ảnh hưởng đến sự sống và sinh mạng của con người. Vấn đề này khó kiểm soát và đánh giá được bởi nó thể hiện qua một số các hình ảnh như ánh mắt, cử chỉ hoặc thái độ, lời nói, ngoài ra còn thể hiện ở kiến thức, kỹ năng hành nghề của người hành nghề y. Với cơ chế thị trường hiện nay vì lợi ích cá nhân nên một bộ phận của người hành nghề khám, chữa bệnh làm ảnh hưởng đến uy tín của nghề y. Dân gian chúng ta có câu "Một con sâu làm rầu nồi canh".

Như ở Mục 4, Chương III của dự án luật đã bổ sung một số quy định cụ thể về y đức và một số điều khoản về nghĩa vụ của người hành nghề khám, chữa bệnh. Tại Điều 40 nên đề cao và nhấn mạnh hơn nghĩa vụ, trách nhiệm và lương tâm đạo đức nghề nghiệp. Trên thực tế Bộ Y tế đã xây dựng quy định về 12 điều y đức và quy tắc ứng xử với người bệnh và gia đình người bệnh. Khám, chữa bệnh ngoài phương pháp khoa học, kỹ thuật chuyên môn, phác đồ điều trị, nhưng còn phải có yếu tố tinh thần, đây là phương thuốc quý của người hành nghề khám, chữa bệnh.

Thứ tư, là một số vấn đề khác, Luật khám bệnh, chữa bệnh có thực thi đi vào cuộc sống hay không còn phụ thuộc vào đội ngũ làm nghề khám, chữa bệnh mà mục đích cuối cùng là tạo niềm tin cho nhân dân trong công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe, cũng như bảo đảm cho người hành nghề y có đủ năng lực trong tiến trình hội nhập và phát triển. Đi đôi với việc tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, nguồn nhân lực tiến đến xã hội hóa, y tế, nâng cao y đức và phù hợp với quan điểm chủ trương của Đảng trong công tác chăm sóc sức khỏe của nhân dân, bởi nghề y là một nghề đặc thù liên quan đến sự sống và sinh mạng của con người. Vì vậy cần có sự đào tạo chuyên sâu, tuyển chọn kỹ lưỡng để xứng đáng với danh hiệu "thầy thuốc như mẹ hiền". Tôi xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan