Góp ý của đại biểu Quốc hội Lưu Thị Chi Lan – Vĩnh Phúc

Thứ Ba 10:11 03-11-2009


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Dự thảo Luật khám, chữa bệnh đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, qua nghiên cứu dự thảo Luật và qua Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì tôi cơ bản nhất trí với nội dung của dự thảo về sự cần thiết phải ban hành Luật. Tuy nhiên, theo gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp thì tôi xin có một số ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật.

Thứ nhất, là về cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế từ Điều 17 đến Điều 20, tôi nhất trí với dự thảo Luật về quy định người hành nghề khám, chữa bệnh phải có chứng chỉ hành nghề, kể cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân. Để đảm bảo quy định nghiêm ngặt trong khám bệnh, chữa bệnh và thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp chứng chỉ hành nghề, quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế nên được thực hiện một lần thay vì định kỳ 5 năm một lần. Về định kỳ cấp lại chứng chỉ hành nghề 5 năm một lần, nếu chỉ là thủ tục hành chính thì sẽ có tác dụng không lớn trong việc nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh mà chỉ mang tính hình thức và tăng gánh nặng công việc, tăng bộ máy, tăng ngân sách cho ngành y tế. Mặt khác thì chúng ta cũng không có đủ nguồn lực để thực hiện việc này đối với hơn 28 vạn người đang hành nghề khám, chữa bệnh trên phạm vi toàn quốc. Vấn đề quan trọng đặt ra ở đây là sau khi cấp giấy phép hoạt động thì cần tăng cường quản lý Nhà nước qua hoạt động thanh kiểm tra định kỳ, hoặc đột xuất thì các cơ quan chức năng tiến hành thanh kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của người được cấp chứng chỉ, cần xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật và có thể đề nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi chứng chỉ hành nghề. Việc cấp chứng chỉ hành nghề một lần không chỉ giảm được tốn kém và các thủ tục rườm rà phiền phức cho cơ quan quản lý Nhà nước và người hành nghề mà còn phù hợp với xu thế cải cách hành chí và hạn chế thủ tục xin, cho không cần thiết.

Liên quan đến việc cấp chứng chỉ hành nghề cho cán bộ y tế thì tôi đề nghị nên bổ sung thêm tiêu chí về y đức, cần rõ hơn nữa trong dự thảo Luật. Mặc dù là trong dự thảo Luật đã đề cập đến vấn đề này nhưng tôi thấy còn khá mờ nhạt. Tôi nhất trí với ý kiến đại biểu trước đã phát biểu là bất kỳ một nghề nghiệp nào thì cũng cần phải có đạo đức nghề nghiệp đặc biệt là trong nghề y thì vấn đề này càng phải được đề cao, chú trọng. Trong thực tế thì đại đa số thầy thuốc là có đạo đức tốt, có lương tâm nghề nghiệp, tận tụy trong việc khám bệnh và chữa bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tế cũng có không ít một số thầy thuốc chưa thường xuyên tu dưỡng về đạo đức, rèn luyện y đức cho nên đã làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của người thầy thuốc và gây bức xúc rất nhiều trong xã hội. Do vậy, tôi đề nghị để nâng cao y đức cho đội ngũ hành nghề khám, chữa bệnh thì dự thảo Luật cũng cần có những quy định cụ thể về những hành vi bị nghiêm cấm ở Điều 6 của dự thảo Luật đối với người hành nghề khám, chữa bệnh cũng như là đối với người bệnh. Và cũng quy định luôn những chế tài xử lý vi phạm đối với các vi phạm chuẩn mực đạo đức để tạo một môi trường khám, chữa bệnh lành mạnh, hiệu quả và giải quyết những vấn đề còn tồn tại tiêu cực bấy lâu nay.

Bên cạnh đó cũng cần bổ sung thêm tiêu chí đạo đức nghề nghiệp quy định cụ thể chuẩn mực y đức và các điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề cho đội ngũ thầy thuốc đang hành nghề. Đồng thời hạn chế tối đa về các thầy thuốc là không tận tâm và toàn ý cho công việc chung.

Vấn đề thứ hai, là về quy định công chức, viên chức y tế hành nghề khám, chữa bệnh tư nhân ở Điều 6. Tôi thống nhất với dự thảo Luật quy định về việc cho phép công chức, viên chức y tế làm ngoài giờ, thành lập các loại cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân nhưng không được thành lập, tham gia thành lập và quản lý bệnh viện tư nhân. Bởi lẽ thực trạng hiện nay thì số lượng cán bộ y tế của nước ta còn thấp so với yêu cầu phải đảm bảo. Trong điều kiện và thực tiễn như vậy sẽ nhằm góp phần giải quyết nhu cầu khám, chữa bệnh ngoài giờ hành chính của người dân ngày càng tăng, tránh cho người dân phải xin nghỉ việc rồi tranh thủ thời gian trưa, tối để được khám, chữa bệnh. Trong khi đó thì các bệnh viện công lập cũng khó có thể đáp ứng được nhu cầu của người dân. Việc quy định trong luật cho phép cán bộ y tế, cơ sở y tế công lập được tiếp tục tham gia khám, chữa bệnh ngoài giờ là hợp lý, hơn nữa quy định như vậy sẽ tạo điều kiện cán bộ công chức, viên chức ngành y đã tiếp tục sử dụng trình độ chuyên môn và tận dụng chất xám đồng thời đáp ứng yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân và tạo điều kiện cho cán bộ công chức, viên chức ngành y có cơ hội hành nghề cải thiện đời sống tăng thêm thu nhập chính đáng là điều cần thiết và nên khuyến khích. Tuy nhiên theo tôi dự thảo luật cũng cần có những quy định cụ thể về trách nhiệm của thày thuốc tại các bệnh viện cũng như quy định về y đức của các thày thuốc tại các bệnh viện công. Đồng thời Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cũng cần ban hành những quy định, những hướng dẫn cụ thể về việc cán bộ công chức tham gia khám, chữa bệnh ngoài giờ tại các cơ sở y tế ngoài công lập như quy định về số giờ làm thêm trong tuần, hình thức làm thêm nhằm tạo điều kiện cho họ tăng thu nhập hợp pháp mà vẫn đảm bảo nhiệm vụ tại cơ sở khám chưã bệnh công lập và qua đó cũng góp phần hạn chế những tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình khám, chữa bệnh.

Vấn đề thứ ba, về nhà thuốc tư nhân trong dự thảo luật tôi đề nghị bổ sung thêm đối tượng điều chỉnh và những quy định về các nhà thuốc tư nhân. Tôi thấy trong dự thảo luật chưa có điều khoản nào quy định về các nhà thuốc tư nhân, mặc dù đây không phải là một loại hình cơ sở khám, chữa bệnh nhưng thực tế cho thấy có rất nhiều những nhiệm vụ liên quan và gắn liền với công tác khám, chữa bệnh. Việc quy định trong dự thảo luật sẽ nhằm nâng cao trách nhiệm cao hơn nữa trong việc thực hiện trách nhiệm công việc của những người đang làm việc tại nhà thuốc tư nhân. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan