Góp ý của đại biểu Quốc hội Phan Trung Lý – Nghệ An

Thứ Hai 09:52 02-11-2009


Kính thưa Quốc hội!

Chúng tôi đánh giá cao những cố gắng của Chính phủ cũng như Bộ giáo dục và đào tạo trong việc tìm ra các giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý giáo dục cũng như hoạt động giáo dục, trong đó có việc nghiên cứu, xây dựng và trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục lần này. Chúng tôi cũng tán thành với chủ trương là lần này Quốc hội chỉ sửa đổi, bổ sung một số điều, đồng thời cũng đề nghị các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu để sửa đổi một cách toàn diện để đáp ứng được những yêu cầu bức xúc hiện nay trong cuộc sống như một số đại biểu đã nêu lên, đặc biệt là trong Báo cáo của Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cũng đã trình bày rất cụ thể. Sau đây chúng tôi xin có một số ý kiến về dự thảo luật này.

Trước hết về điều kiện thành lập trường và điều kiện hoạt động giáo dục chúng tôi tán thành với dự thảo ở Điều 50, tức là tách điều kiện thành lập trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục thành hai khoản khác nhau và việc tách này làm rõ ràng hơn các điều kiện trong việc thành lập cũng như trong việc hoạt động giáo dục, đồng thời khắc phục được tình trạng điều kiện có trước hay cơ sở vật chất có trước, giấy phép cấp trước hay là các điều kiện bảo đảm cho giáo dục có trước. Nhưng chúng tôi có đề nghị cần phải quy định một cách cụ thể hơn các tiêu chí, các điều kiện ở trong hai khoản của điều này để cho khi mà những người đầu tư, những người thành lập trường vẫn hoạt động giáo dục thì có thể soi vào trong các điều luật để có thể thành lập trường hoặc để hoạt động giáo dục một cách rõ ràng hơn.

Chúng tôi đề nghị cần phải rà soát, đối chiếu với các quy định hiện nay của Luật đầu tư cũng như Luật doanh nghiệp vì bản thân việc thành lập trường, rồi hoạt động giáo dục cũng là một trong những loại hình đầu tư nhưng là loại hình đầu tư đặc biệt và loại hình đầu tư rất quan trọng nhưng cần có sự đối chiếu để tránh sự mâu thuẫn, chồng chéo trong các quy định của các luật này.

Vấn đề tiếp theo, chúng tôi thấy việc thẩm quyền quyết định việc thành lập trường và cho phép các trường hoạt động chúng tôi tán thành với chủ trương đề cao vai trò của Bộ trưởng và giao cho Bộ trưởng trong việc chịu trách nhiệm về hoạt động giáo dục trong lĩnh vực quản lý của mình.Nhưng chúng tôi cũng đề nghị việc chuyển thẩm quyền quyết định thành lập trường đại học từ Thủ tướng sang Bộ trưởng hiện nay cần phải có sự tổng kết và lập luận một cách thuyết phục để tránh tình trạng mà chúng ta thấy hoặc một số đại biểu cho rằng giao cho cấp này làm không tốt thì chúng ta giao cho cấp khác. Theo chúng tôi cần phải có tổng kết, cần phải có lập luận một cách rõ ràng.

Về phía chúng tôi thì chúng tôi tán thành với chủ trương này và chúng tôi cho rằng càng làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng thì chúng ta càng thực hiện tốt chủ trương phân công, phân cấp hiện nay. Vấn đề chuyển trách nhiệm này theo chúng tôi là phù hợp với tinh thần cải cách hành chính và phân biệt rõ trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ trưởng là người trực tiếp chỉ huy, người trực tiếp chịu trách nhiệm chính trong lĩnh vực quản lý của mình.

Về chủ trương này chúng tôi tán thành nhưng chúng tôi cũng đề nghị cũng cần phải làm rõ hơn. Đây là mối quan hệ giữa Thủ tướng quyết định chủ trương trong một số trường hợp đặc biệt với việc Bộ trưởng quyết định thành lập trường. Ở đây trường hợp đặc biệt là những trường hợp nào và việc Thủ tướng quyết định chủ trương thì liên quan gì đến việc Bộ trưởng quyết định thành lập trường. Ở đây mối quan hệ này theo chúng tôi cần phải làm rõ và đặc biệt là các trường hợp đặc biệt thì đấy là những trường hợp nào thì cũng phải được quy định ở trong luật.

Vấn đề thứ hai, về đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ thì chúng tôi tán thành là phải quy định một cách cụ thể về thời gian đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ. Như vậy chúng tôi đề nghị là trong dự thảo cần phải làm rõ hơn, vì nếu như so với quy định hiện hành hiện nay thì quy định rất rõ. Tức là nếu như đào tạo tiến sĩ thì thời hạn là 4 năm đối với người không có bằng thạc sĩ và 2 đến 3 năm đối với người có bằng thạc sĩ. Nhưng hiện nay có thể rút ngắn hoặc kéo dài theo quy định của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo. Nhưng hiện nay chúng ta phải quy định là trong trường hợp đặc biệt thì có thể rút ngắn hoặc kéo dài thì trường hợp đặc biệt ở đây là trường hợp nào. Kéo dài thì thời hạn kéo dài lại không quá 4 năm lại không rõ, tức là chúng ta quy định thời hạn đào tạo là 4 năm nhưng kéo dài không quá 4 năm nữa thì chúng ta cũng không hiểu được là như vậy tổng số của thời gian đào tạo kể cả kéo dài là bao nhiêu. Chúng tôi đề nghị cần phải làm rõ ở trong luật này.

Vấn đề cấp bằng tương đương thì chúng tôi nhất trí với Tờ trình, tức là không quy định việc cấp bằng tương đương cho những người được đào tạo chuyên sâu sau khi tốt nghiệp đại học. Ví dụ bác sĩ chuyên khoa hay một số chuyên môn khác vì mục đích đào tạo, yêu cầu đào tạo, nội dung đào tạo của tiến sĩ và thạc sĩ là khác với được đào tạo chuyên sâu. Vì đào tạo chuyên sâu chủ yếu đi vào kỹ năng có những lĩnh vực hoặc có những vấn đề thì những người đào tạo chuyên sâu rất vững và có khi lại có nhiều vấn đề là giỏi hơn tiến sĩ, thạc sĩ. Nhưng mục đích của việc đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ thì lại khác. Do vậy chúng tôi đề nghị là không nên cấp bằng tương đương, chúng tôi đồng ý với Tờ trình là bỏ quy định này.

Về kiểm định chất lượng giáo dục thì đây là khâu quan trọng, chúng tôi đề nghị là cần phải quy định cụ thể hơn và theo chúng tôi không nên để trong Chương quản lý Nhà nước vì kiểm định chất lượng giáo dục là một hoạt động mới quan trọng, chúng tôi đề nghị tách riêng nếu như có thể thì làm một chương riêng hoặc nếu không thì phải sửa đổi tên của Chương VII là kiểm định chất lượng giáo dục. Nếu như quản lý kiểm định thì đấy là hoạt động quản lý Nhà nước. Nhưng bản thân hoạt động kiểm định thì lại là hoạt động chuyên môn và chúng tôi đề nghị không nên để chung ở trong Chương quản lý giáo dục.

Vấn đề cuối cùng là Điều 80 quy định về cán bộ công chức thì có đề nghị là xem xét quy định của Luật cán bộ, công chức thì không nên quy định riêng chế độ chính sách cho cán bộ quản lý giáo dục. Tôi xin hết.

 

Các văn bản liên quan