Góp ý của đại biểu Quốc hội Huỳnh Thành Đạt – TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai 09:51 02-11-2009


Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin phép đi thẳng vào 5 vấn đề mà tôi quan tâm.

Thứ nhất, sự cần thiết phải sửa đổi bổ sung Luật giáo dục năm 2005, tôi đồng ý với nhiều đại biểu là Luật giáo dục năm 2005 có khá nhiều nội dung cần phải sửa đổi bổ sung. Tuy nhiên, tôi đồng ý với quan điểm của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục lần này là chỉ tập trung vào những vấn đề thực sự bức xúc mà thực tiễn đòi hỏi. Để tháo gỡ một số vướng mắc trong thực tiễn khi thực hiện Luật giáo dục nhằm tạo điều kiện và cơ sở pháp lý cho việc nâng cao chất lượng giáo dục và công tác quản lý chất lượng giáo dục, việc sửa đổi căn bản toàn diện cần phải có thời gian nhiều hơn để nghiên cứu tổng kết và đánh giá. Tuy nhiên, tôi đề nghị trong dự án luật này cần nghiên cứu để thể chế hóa nhiều nội dung hơn nữa theo tinh thần Nghị quyết 35 của Quốc hội về chủ trương định hướng đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục và đào tạo. Cụ thể cần phải thể chế hóa việc thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

Thứ hai, về thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập đình chỉ hoạt động sáp nhập chia tách, giải thể nhà trường Điều 51. Điều này có rất nhiếu ý kiến đại biểu còn khác nhau, tuy nhiên tôi tán thành với dự kiến sửa đổi Điểm d, Khoản 2, Điều 55 theo hướng giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo thẩm quyền quyết định đối với các trường đại học, trong trường hợp đặc biệt Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thành lập trường với các lý do tôi không nêu lại ở đây bởi vì các đại biểu như đại biểu Hải ở Đồng Nai, đại biểu Hương ở Ninh Thuận, đại biểu Phương Anh ở Quảng Nam và đại biểu Hùng ở Thái Nguyên cũng vừa phân tích, tôi tán thành và nhất trí với các phân tích này. Tuy nhiên tôi xin được nhấn mạnh thêm 3 điểm sau:

Thứ nhất, vị thế của một trường đại học, của một cơ sở đào tạo do chất lượng giáo dục đào tạo quyết định, không phụ thuộc do ai thành lập cơ sở đào tạo này. Chắc có lẽ chúng ta không nhớ hoặc không cần nhớ trường Harvard, trường Tokyo là do ai thành lập mà chúng ta quan tâm nó hiện đang ở top nào trên thế giới.

Thứ hai, Bộ trưởng là thành viên của Chính phủ được Thủ tướng giao quản lý ngành, do đó Bộ trưởng sẽ là người chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng về việc thành lập, hoạt động của các trường đại học là hết sức hợp lý.

Thứ ba, việc quan trọng nhất theo tôi là tổ chức thực hiện như thế nào để đảm bảo đúng quy trình, quy định việc thành lập trường cũng như việc cấp phép hoạt động giáo dục của các trường này. Công tác hậu kiểm phải được thực hiện nghiêm túc và kiên quyết đình chỉ hoạt động, sáp nhập, giải thể đối với các trường được thành lập không thực hiện đúng cam kết nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục, đào tạo và kỷ cương của pháp luật. Chính phủ cần quy định rõ bằng các văn bản dưới luật các điều kiện và quy định để thực hiện việc này.

Về cơ sở giáo dục đại học ở Điều 42, hiện nay ngoài các cơ sở giáo dục đại học được quy định trong luật, ở Việt Nam chúng ta còn có 2 đại học quốc gia, 3 đại học vùng được tổ chức theo mô hình đa lĩnh vực phù hợp với xu hướng phát triển của đại học thế giới. Các đại học này đang phát triển mạnh, đúng hướng, đặc biệt 2 đại học quốc gia đã khẳng định được vị thế nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học hiện nay. Đã có những ngành học, lĩnh vực nghiên cứu có thể so sánh với khu vực và thế giới. Để phản ánh đúng thực tế, đảm bảo chính danh, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển, đóng góp vào sự nghiệp chung, tôi nhất trí với dự kiến sửa Điểm b, Khoản 1 điều này theo hướng đưa khái niệm đại học vào Luật giáo dục. Tuy nhiên xin đề nghị viết lại Điểm b, Khoản 1 như sau, ý này tôi thống nhất với Uỷ ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội: trường đại học, học viện đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ đại học, đào tạo trình độ thạc sỹ, trình độ tiến sỹ.

Ý thứ tư, về việc kiểm định chất lượng giáo dục. Việc kiểm định chất lượng giáo dục ở nước ta hiện nay là một đòi hỏi vô cùng quan trọng và hết sức bức thiết, nhằm đánh giá công khai chất lượng giáo dục, các cơ sở giáo dục. Việc này phù hợp với thông lệ quốc tế, tạo điều kiện để hội nhập, liên thông, chuyển đổi các cơ sở đào tạo ở các cơ sở đào tạo trong nước và ngoài nước. Tôi nhất trí với dự thảo, tuy nhiên xin đề nghị bổ sung thêm một số nội dung như sau.

Thứ nhất, là bổ sung ở phần nguyên tắc kiểm định, việc kiểm định là bắt buộc và được thực hiện theo định kỳ, theo thông lệ quốc tế là 5 năm một lần kiểm định lại.

Thứ hai, là các cơ sở giáo dục được phép tham gia kiểm định chất lượng giáo dục tại các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín để xác định các trường đại học của chúng ta ở khu vực cũng như ở thế giới. Nếu không toàn bộ thì trước hết là các trường đại học mạnh của Việt Nam sẽ tham gia vào kiểm định nước ngoài.

Ý cuối cùng, về tăng cường phân cấp quản lý, tôi cơ bản nhất trí với việc bổ sung Khoản 4, Điều 100, bởi lẽ việc phân cấp quản lý Trung ương, địa phương đã là quan điểm, tư tưởng chỉ đạo trong việc xây dựng hệ thống pháp luật của nước ta. Phân cấp quản lý đối với các cơ quan quản lý giáo dục là đòi hỏi tất yếu và phù hợp với xu thế chung như các ngành trong cả nước và trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo ở các nước tiên tiến. Tuy nhiên, bên cạnh việc phân cấp cho các địa phương để đầy đủ hơn, toàn diện hơn, tôi đề nghị bổ sung thêm nội dung là giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học ở các lĩnh vực chính yếu như xây dựng chiến lược phát triển về tài chính, về tổ chức bộ máy, về nhân sự, về mở ngành đào tạo, về tuyển sinh, về nghiên cứu văn học, về hợp tác quốc tế v.v... Tôi nghĩ đây là bước tiến mới của Luật giáo dục sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của quản lý giáo dục.

Cuối cùng tôi cho rằng dự án luật đã đủ điều kiện để thông qua trong kỳ họp này, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan