Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phan Trung Lý – Nghệ An

Thứ Ba 09:21 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội.

Trước hết chúng tôi tán thành chủ trương sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước và cũng với mục đích tăng vai trò độc lập của Ngân hàng Nhà nước trong việc thực hiện chính sách tiền tệ. Nhưng chúng tôi thấy dự thảo luật lần này trình ra Quốc hội thì cũng như nhiều đại biểu phát biểu, còn có một số vấn đề rất đáng quan tâm và cần phải tiếp tục nghiên cứu. Chúng tôi thấy trong dự thảo còn lúng túng việc giải quyết vấn đề địa vị pháp lý của Ngân hàng Nhà nước. Ở đây chúng ta lúng túng trong chủ trương là tăng tính độc lập của Ngân hàng Nhà nước với chủ trương thực hiện quản lý Nhà nước một cách chặt chẽ hơn nữa trong các hoạt động về ngân hàng, tổ chức tín dụng. Do đó có nhiều quy định đưa vào dự thảo thì không được rõ ràng, nhiều quy định thì cũng chưa thật chính xác, chưa thật đúng, mặt khác chưa giải quyết một cách đồng bộ. Nếu như chúng ta quy định về địa vị pháp lý hoặc chức năng nhiệm vụ quyền hạn của ngân hàng Nhà nước như trong dự thảo này thì những vấn đề khác liên quan đến quyền hạn, nhiệm vụ, chức năng của các cơ quan khác, ngay cả Quốc hội, Chính phủ các bộ khác trong lĩnh vực tài chính tiền tệ thì chúng ta có sửa đổi không? sửa đổi thì sửa đổi bao giờ? Do đó ở trong dự thảo này những quy định của dự thảo thì vẫn còn có nhiều mâu thuẫn với các quy định của Hiến pháp, mâu thuẫn với các quy định của các luật, nhất là các luật về quản lý nợ công, luật về quản lý tài sản Nhà nước, Luật Tổ chức, tổ chức Quốc hội, một số luật tổ chức khác, và các bộ luật, ví dụ Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và một số bộ luật khác, do đó chúng tôi đề nghị:

Vấn đề thứ nhất là cơ quan soạn thảo cần phải tiếp tục nghiên cứu, ra soát để cho các quy định của dự thảo Luật này bảo đảm tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Về các vấn đề cụ thể thì chúng tôi nhất trí với rất nhiều ý kiến của các đại biểu đã phát biểu trước tôi, trước hết là địa vị pháp lý của ngân hàng Nhà nước thì chúng tôi thấy rằng trong Tờ trình cũng đã nêu lên yêu cầu của Nghị quyết đại hội Đảng. Về Kết luận của Bộ chính trị, về vai trò của ngân hàng Nhà nước và yêu cầu phải có những sửa đổi, phải có những cải cách trong việc tổ chức và hoạt động của ngân hàng Nhà nước. Nhưng vấn đề là thực hiện như thế nào, tiến trình ra sao? có phải trong luật này chúng ta giải quyết được tất cả các vấn đề đó không? Có cần một đề án về vấn đề tổ chức ngân hàng Nhà nước hay ngân hàng Trung ương hiện đại theo yêu cầu của Bộ Chính trị không? Nếu như không giải quyết những vấn đề đó thì chúng ta đưa trực tiếp vào quy định trong luật này thì rất khập khiễng, và nhiều vấn đề mâu thuẫn như chúng ta đã nêu. Ví dụ các đại biểu khác đã nêu rồi, những vấn đề liên quan đến chính sách tài chính tiền tệ thì đã quy định trong Hiến pháp. Trước hết Quốc hội ra quyết định chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, Chính phủ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, ngân hàng Nhà nước chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tổ chức thực hiện chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đó. Nêu ở trong này chúng ta đặt Điều 5 hay Điều 10 thì hầu như những vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội và Chính phủ và ngay cả chức năng của Chủ tịch nước chúng ta lại thu hẹp lại. Quy lại cuối cùng thì đối với Quốc hội trong vấn đề này chỉ có mỗi việc quyết định mức lạm phát, còn thống đốc ngân hàng thì hầu như lại là tổ chức thực hiện tất cả các vấn đề liên quan đến chính sách tiền tệ quốc gia.

Tại Điều 10, Điểm a, Khoản 2 quy định Thống đốc ngân hàng "tổ chức chỉ đạo thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia". Như vậy thì vai trò của Chính phủ ở đây như thế nào? Lúc ấy thì ngân hàng Nhà nước có còn là một thành viên, Thống đốc ngân hàng có còn là thành viên của Chính phủ hay không? Có chịu trách nhiệm trước Chính phủ hay không? Trong khi đó chúng ta cũng không quy định những trách nhiệm của ngân hàng Nhà nước trước Quốc hội như thế nào cả. Ở đây chúng tôi thấy là vấn đề về địa vị pháp lý chúng tôi đề nghị cần phải nghiên cứu tiếp.

Về thẩm quyền cũng vậy, ngoài thẩm quyền Quốc hội, thẩm quyền Chính phủ, thẩm quyền của ngân hàng Nhà nước như chúng ta đã nêu, thì nhiều vấn đề chúng ta quy định cho Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ lại không đúng với các quy định hiện nay của Hiến pháp, của Luật Tổ chức Chính phủ và quy định những vấn đề rất cụ thể, can thiệp rất cụ thể, rất sâu của Thủ tướng Chính phủ trong những hoạt động nghiệp vụ cụ thể của ngân hàng. Chúng tôi đề nghị rà soát lại để không có những quy định như vật trong dự thảo luật này.

Thứ hai, về lãi suất cơ bản chúng tôi hoàn toàn tán thành với các ý kiến đó, nhất là ý kiến của đại biểu Lê Thị Nga, đại biểu Trần Đình Long, đại biểu Nguyễn Đình Quyền, đại biểu Nguyễn Thị Mỹ Hương ở Đà Nẵng vàc các đại biểu khác. Chúng tôi thấy đại biểu Hoàng Văn Minh cũng phát biểu rất rõ vai trò của lãi suất cơ bản và sự cần thiết phải giữ quy định, xác định công bố lãi suất cơ bản. Ở đây tôi thấy có vấn đề chúng ta lúng túng giữa việc hiểu thế nào là tự do hoá lãi suất với có giữ lãi suất cơ bản hay không? Như các đại biểu khác nêu thì hầu hết tất cả các quốc gia trên thế giới trong quản lý Nhà nước cần có sự can thiệp của Nhà nước vào lĩnh vực tài chính tiền tệ thì vấn đề công bố về giữ lãi suất cơ bản là rất quan trọng. Ba, bốn năm liên tục gần đây do việc ngân hàng Nhà nước không chỉ đạo thực hiện kịp và công bố lãi suất cơ bản do vậy tình trạng để một số tổ chức tín dụng không thực hiện quy định này, không thực hiện quy định của Bộ luật dân sự, do đó lãi suất cơ bản không được bảo đảm, ngân hàng Nhà nước thay vào tình trạng khắc phục đó thì lại đi đề nghị sửa đổi vấn đề này và đã 5 lần đề nghị sửa đổi nhưng Ủy ban Pháp luật của Quốc hội không đồng ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng không đồng ý và cuối cùng Chính phủ cũng rút các dự án luật đó và không trình Quốc hội, lần này lại trình ra theo chúng tôi đề nghị phải xem lại vấn đề này. Ngoài ra những vấn đề diễn biến bất thường rồi những vấn đề khác liên quan đến những vấn đề này cần phải xem để quy định cụ thể hơn. Tôi có vấn đề nữa là việc thanh tra, kiểm tra và kiểm toán, tôi đề nghị đồng ý là ngân hàng có thể kiểm tra, thanh tra chuyên ngành của ngân hàng, kiểm toán có thể nói kiểm toán nội bộ nhưng hoạt động của ngân hàng không thể thoát ly khỏi hệ thống như quy định của pháp luật về thanh tra nói chung và kiểm toán nói chung. Ở trong luật của Quốc hội quy định ngân hàng mà chúng ta chỉ quy định là ngân hàng chỉ chịu trách nhiệm đối với kiểm toán nội bộ hay chỉ thanh tra riêng như thế này thì không phù hợp. Tôi xin hết ý kiến.

Các văn bản liên quan