Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Phúc – Bình Thuận

Thứ Ba 09:20 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội!

Hôm nay Quốc hội thảo luận, cho ý kiến để tiếp tục hoàn chỉnh dự án luật này. Với tính chất của phiên họp như vậy tôi cũng xin tham gia một số ý kiến, tôi tập trung vào một vấn đề đấy là về vị trí pháp lý của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, trước khi phát biểu về vị trí pháp lý, tôi xin nêu 2 vấn đề như sau:

Thứ nhất, việc Quốc hội chúng ta đưa 2 dự án luật là Luật ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi) và Luật các tổ chức tín dụng vào chương trình xây dựng pháp luật của năm 2009 và 2010 đó là một cơ hội rất to lớn để chúng ta tiếp tục cải cách đổi mới hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết của Đảng, cho phép ngân hàng Nhà nước chủ động hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới trong bối cảnh hậu khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đấy là một trong những bối cảnh mà tôi cho rằng hết sức cần phải quan tâm khi mà xem xét hai dự án Luật này.

Thứ hai, chúng ta cần đặt việc sửa đổi hai luật này trong tổng thể cải cách hệ thống tài chính ngân hàng. Trong chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh của nhiệm kỳ Quốc hội XII như nhiều đại biểu trước tôi đã phát biểu thì chúng ta sẽ đưa các luật như Luật Ngân hàng Nhà nước (sửa đổi), Luật các tổ chức tín dụng, chúng ta còn có Luật giám sát an toàn hoạt động ngân hàng, Luật bảo hiểm tiền gửi, Luật chứng khoản (sửa đổi), Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi) và về phía Chính phủ thì cũng thành lập Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia cũng theo tinh thần các Nghị quyết của Quốc hội và kết luận của Bộ Chính trị về một thiết chế giám sát tài chính quốc gia. Như vậy là khi chúng ta sửa các Luật này chúng ta cần đặt trong một tổng thể như vậy, nếu không chúng ta chỉ nhìn từng dự án Luật một sẽ rất vướng khi đưa vào tổng thể. Và khi chúng ta ban hành các Luật sau nữa thì chúng ta lại thấy vướng Luật đã ban hành, như vậy tính tổng thể không bảo đảm và Luật của chúng ta luôn luôn phải sửa đổi.

Chúng tôi xin nhấn mạnh về tính hệ thống và tính cơ hội ở chỗ tức là cơ hội để cải cách, xin nhấn mạnh ý chúng tôi muốn phát biểu là chúng ta không thể cứ 3 năm hoặc 5 năm lại đưa các Luật của Quốc hội ban hành ra sửa, làm mất tính ổn định. Và như thế chúng ta thấy rằng năm 1990, lần đầu tiên chúng ta có hai Pháp lệnh về ngân hàng là một bước cải cách rất tốt, đến năm 1997 vào thời đó cũng là thời gian khủng hoảng tài chính khu vực. Chúng ta đã nâng hai pháp lệnh ngân hàng này lên hai luật, cũng là một bước cải cách và sau 10 năm chúng ta lại sửa hai luật này. Tôi cho rằng đây là một cơ hội rất lớn nhưng chúng ta cần phải nghiên cứu kỹ để tận dụng cơ hội này, để thực hiện được Kết luận của Bộ Chính trị cũng như Nghị quyết của Đại hội Đảng. Tôi không tán thành là bây giờ chúng ta cứ làm đi một bước rồi một vài năm nữa chúng ta lại thực hiện Nghị quyết của Đảng để Ngân hàng chúng ta hiện đại hơn một bước. Có lẽ trong một năm chúng ta phải nghiên cứu để làm thế nào lần này phải sửa một cách cơ bản tổ chức ngân hàng của chúng ta.

Về pháp lý của ngân hàng Nhà nước, chúng tôi tán thành là trong tình hình hiện nay ngân hàng vẫn thuộc Chính phủ, nhưng phải có vai trò độc lập và tự chủ hơn, giữ nguyên vị trí không có nghĩa là không đổi mới và cải cách. Nếu ta nói nó thuộc Chính phủ nhưng nó vẫn dựa vào các quyết định của Chính phủ, vị trí đó nếu tiếp tục như vậy thì có lẽ không phải, có thể đứng trên một ví trí vẫn giữ nguyên nhưng vẫn cần phải có cải cách đổi mới hơn. Chúng ta có nhiều điều kiện và tiêu chí để đảm bảo tính độc lập và tính tự chủ hơn của ngân hàng Nhà nước và với tư cách là ngân hàng Trung ương, trong đó có vấn đề cơ cấu tổ chức của ngân hàng Nhà nước như Kết luận của Bộ Chính trị. Trong Kết luận của Bộ Chính trị nhấn mạnh phải đổi mới cơ cấu của ngân hàng Nhà nước, vậy ta đặt một câu hỏi là ta giữ nguyên vị trí của ngân hàng Nhà nước hiện nay, tức ngân hàng Trung ương là cơ quan thuộc Chính phủ và đồng thời ngân hàng Trung ương thì chúng ta có thể thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị là đổi mới cơ cấu tổ chức để bảo đảm tính độc lập và tính tự chủ của ngân hàng lên hay không.

Theo quan điểm của chúng tôi là chúng ta vẫn có thể làm được, chúng ta phải nghiên cứu kinh nghiệm các nước và chúng ta nghiên cứu điều kiện của chúng ta thì vẫn làm được. Trong đó có một vấn đề mà Ủy ban Kinh tế đã nêu lên và tôi tán thành, đó là chúng ta tán thành việc không thành lập Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ trong luật này như luật hiện hành. Hội đồng này có vai trò rất quan trọng trong vấn đề tham mưu cho Chính phủ và Thủ tướng, nhưng trong cơ chế hiện nay tôi cảm giác rằng chính Hội đồng này cũng làm cho tính độc lập và tính tự chủ của Ngân hàng Trung ương bị hạn chế.

Bởi vì Ngân hàng Trung ương Thống đốc chỉ là Phó Chủ tịch thôi, là cơ quan Thường trực thôi, Chủ tịch của Hội đồng này là một Phó Thủ tướng. Như thế rõ ràng Ngân hàng Trung ương phải chờ Hội đồng, sẽ không phát huy được tính tự chủ, tính độc lập của mình. Tôi nói ở đây không phải độc lập tuyệt đối mà là tính độc lập hơn. Đương nhiên Thủ tướng vẫn có thể thành lập Hội đồng theo quy định của Hiến pháp và luật nhưng tôi cho rằng không nên quy định trong luật này về Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ. Tuy nhiên thay vào đó tôi tán thành ý kiến của Ủy ban Kinh tế là cần phải thành lập một Hội đồng về chính sách tiền tệ hay một Hội đồng quản lý đặt ngay trong ngân hàng và do Thống đốc ngân hàng làm chủ tịch.

Chúng ta tham khảo Luật ngân hàng Trung ương của tất cả các nước chúng ta có trong tay thì tất cả đều có một Hội đồng để quản lý, hay quản trị Ngân hàng Trung ương với tư cách ngân hàng của các ngân hàng chứ không phải quản trị như với tư cách quản lý, một Bộ thì cần phải có một tổ chức gọi là Hội đồng quản trị, Hội đồng quản lý, Hội đồng thống đốc hay Hội đồng chính sách tiền tệ, thì cần phải có một Hội đồng như vậy để quản lý. Nó phân biệt khác với chế độ thủ trưởng với tư cách là một Bộ. Vì trong Ngân hàng Nhà nước của chúng ta trong dự án luật quy định ngân hàng là cơ quan ngang Bộ, vì là cơ quan ngang Bộ cho nên Ban soạn thảo thấy cần phải áp dụng chế độ quản lý theo thủ trưởng, quản lý theo thủ trưởng thì đối với một số việc thôi. Nhưng quản lý ngân hàng với tư cách là một ngân hàng của các ngân hàng thì phải được quản trị nó như một ngân hàng. Bởi vì đặc thù tổ chức của ngân hàng, chế độ tài chính thu, chi và những vấn đề chính sách đưa ra, những vấn đề về tổ chức của ngân hàng Trung ương khác hẳn một Bộ, nó là một pháp nhân thống nhất độc lập có chế độ kế toán, kiểm toán riêng biệt v.v... phải được quản lý như một Ngân hàng Trung ương, như một ngân hàng. Vì thế tôi đề nghị Quốc hội hết sức cho thảo luận kỹ vấn đề này, đây là bước giúp cho Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng Nhà nước của chúng ta có một tự chủ hơn, độc lập hơn. Xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan