Góp ý của Đại biểu Quốc hội Vũ Duy Hòa – Thanh Hoá

Thứ Ba 09:22 17-11-2009

Kính thưa Quốc hội,

Về dự án luật này tôi xin tham gia một vài ý kiến sau:

Vấn đề thứ nhất theo tôi Quốc hội là cơ quan quyết định chỉ tiêu lạm phát theo lộ trình do đó nên bỏ Khoản 2, Điều 5 dự thảo luật này, vì thế bỏ quyền hạn Nhà nước về xây dựng chỉ tiêu lạm phát trình Chính phủ phê duyệt thực hiện. Như vậy tất nhiên Quốc hội mới là cơ quan quyết định chính sách tiền tệ chứ không phải thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Nội dung thứ hai, theo tôi việc thu chi tài chính của ngân hàng Nhà nước cũng phải theo Luật ngân sách, do đó cho nên đề nghị bỏ Điều 46.

Nội dung thứ ba là hạch toán kế toán của Ngân hàng Nhà nước cũng phải tuân theo Luật kế toán, do đó đề nghị bỏ Điều 49.

Nội dung thứ tư theo tôi hiểu đây là luật về một tổ chức nằm trong hệ thống bộ máy của chúng ta, do đó phải có quy định về bộ máy, về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền và trách nhiệm. Tuy nhiên trong dự án chúng ta quy định thẩm quyền rất cụ thể, rất rõ. Nhưng tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn thì giao cho Chính phủ quy định riêng bằng một văn bản dưới luật, đồng thời chúng ta chưa đề cập đến trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước. Vì thế chúng tôi đề nghị trong luật này chúng ta phải định rõ tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, trách nhiệm ngay trong luật, tránh các văn bản dưới luật hướng dẫn khác nhau.

Nội dung thứ năm, theo tôi việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng cán bộ và công chức ngân hàng đã có Luật Cán bộ, công chức vì thế nên bỏ Điều 11 của dự án luật vì quy định này dễ dẫn đến các hướng dẫn sau đó và các văn bản dưới luật tùy tiện, tạo ra cho hệ thống ngân hàng có hệ thống công chức, cán bộ riêng biệt, cán bộ đặc biệt, cán bộ nằm ngoài Luật cán bộ, công chức.

Chúng ta nên tính, xem xét, nghiên cứu, vận dụng các quy định về ngân hàng trên thế giới cho thích hợp với điều kiện của Việt Nam chứ không nên dập khuôn máy móc. Vì thế trước khi chúng ta tính toán dự án luật này, thì chúng ta nên tính toán là sửa đổi Luật Ngân hàng Nhà nước hay xây dựng Luật về ngân hàng Trung ương. Vì trong dự thảo này chúng ta vừa xây dựng Ngân hàng Nhà nước là cơ quan quản lý Nhà nước vừa là tổ chức kinh doanh và quản trị.

Đồng thời trong dự án này chúng ta đề cập đến nhiều vấn đề dẫn chiếu chồng chéo, thậm chí triệt tiêu các quy định về các tổ chức kinh doanh, về Luật doanh nghiệp, về hoạt động tài chính, về hoạt động bảo hiểm tiền gửi, hoạt động chứng khoán, đặc biệt là chúng ta điều chỉnh cả Luật dân sự và Bộ luật dân sự trong luật này là không đúng, trong luật này chúng ta làm triệt tiêu các quy phạm pháp luật trong các luật đó. Vì thế cho nên tôi đề nghị Ban soạn thảo nên nghiên cứu vận dụng sát đúng các mô hình, các hình thức hoạt động của các loại ngân hàng trên thế giới. Nhưng học các mô hình của ngân hàng gần ta có điều kiện địa lý, điều kiện chính trị, điều kiện kinh tế tương đối tương đồng với Việt Nam để chúng ta xây dựng được mô hình ngân hàng đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế của đất nước chúng ta. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan