Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phan Thị Thu Hà – Đồng Tháp

Thứ Sáu 10:10 19-11-2010

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Quốc hội.

Tôi tán thành cao với sự cần thiết ban hành Luật tố cáo theo như Tờ trình của Chính phủ và rất nhiều các nội dung của dự thảo luật, đồng thời tôi cũng nhất trí cao với các ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban pháp luật, tôi xin tham gia một số vấn đề mà tôi quan tâm như sau:

Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh theo gợi ý của Chủ tọa tại Khoản 1, tôi xin đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh giải quyết tố cáo về mặt đối tượng thì bao gồm tất cả các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức các đơn vị sự nghiệp trong của cả hệ thống chính trị. Vì đây là chúng ta điều chỉnh như thế này thì sẽ tạo sự đồng bộ, công bằng trong việc thực thi pháp luật của đối tượng là cán bộ của các cơ quan chính trị, đoàn thể, rồi các cơ quan quản lý Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp. Đồng thời cũng đảm bảo một sự đồng bộ trong thực thi pháp luật nói chung.

Về nội dung giải quyết tố cáo theo phạm vi điều chỉnh thì tôi đề nghị không chỉ dừng lại ở những hành vi vi phạm pháp luật mà tôi đề nghị bổ sung điều chỉnh kể cả phạm vi về phẩm chất đạo đức, lối sống của các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức. Về phẩm chất đạo đức, lối sống thì đây là các yếu tố hợp thành tiêu chuẩn tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ công chức, viên chức mà thực tiễn xảy ra nhiều trường hợp cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là cán bộ công chức có những cương vị, chức sắc đã có những hành vi tha hóa về phẩm chất, vi phạm về đạo đức ảnh hưởng đến uy tín Đảng, Nhà nước và uy tín cán bộ gây mất niềm tin của nhân dân. Do vậy, thời gian qua trên các phương tiện thông tin đại chúng chắc chắn đại biểu Quốc hội chúng ta cũng biết đã bị tố cáo và xử lý thỏa đáng. Đây là những phẩm chất đạo đức tác động rất lớn đến hành vi thực thi pháp luật, nên tôi đề nghị nên bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với hành vi này.

Thứ hai, về nguyên tắc giải quyết tố cáo ở Điều 4, tôi đề nghị Luật tố cáo nên đề cao vấn đề đảm bảo bí mật hay nói khác hơn là bảo vệ bí mật người tố cáo, đề cập trách nhiệm trong vấn đề giải quyết tố cáo, đề cao tính khách quan trong quá trình giải quyết tố cáo. Nếu chúng ta thực hiện công tác bảo vệ bí mật theo Điều 48 tại Chương V, như đại biểu Hưng trước tôi đã phân tích không có tính khả thi, điều này dẫn đến trường hợp người tố cáo vẫn rơi vào tình trạng luôn luôn bị áp lực rất cao. Do vậy, tôi thấy nếu như công dân khiếu nại vì quyền lợi của chính mình, còn việc tố cáo vì trách nhiệm đối với xã hội, vì quyền lợi chung, người tố cáo chịu áp lực, có thể chịu nhiều rủi ro, thiệt hòi, đánh đổi cả quyền lợi và tính mạng của mình. Tôi đề nghị nên thiết kế lại cơ chế bảo vệ bí mật cho người tố cáo như một nguyên tắc xuyên suốt quá trình tiếp nhận tố cáo, giải quyết tố cáo, có như vậy người tố cáo mới cảm giác an tâm, người ta sẵn sàng tham gi vào vấn đề tố cáo trong tất cả các trường hợp vi phạm pháp luật cùa các cán bộ, công chức và các cơ quan. Điều này tôi xin không phân tích thêm, tôi thống nhất đề xuất của đại biểu Hưng phát biểu trước tôi.

Về nguyên tắc đề cao trách nhiệm thì tôi cho rằng cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tố cáo nếu càng nêu cao trách nhiệm thì hiệu quả giải quyết tố cáo càng cao. Do vậy, để đảm bảo tính bảo mật kịp thời, chính xác, khách quan đúng với thẩm quyền, đúng pháp luật thì theo đó cũng sẽ được đề cao hơn. Và trong thời gian qua nếu người có trách nhiệm giải quyết tố cáo thực hiện hết trách nhiệm của mình thì chắc chắn vấn đề tồn đọng tố cáo hoặc giải quyết không đến nơi, đến chốn sẽ không có tình trạng xảy ra.

Vấn đề thứ ba mà tôi quan tâm là hình thức tố cáo, về hình thức tố cáo cũng như các đại biểu trước tôi không đồng tình với việc quy định hình thức tố cáo qua điện thoại, qua email, qua fax tại Điều 23 của Khoản 1. Tôi cho rằng tố cáo bằng điện thoai, qua email, qua fax thì độ tin cậy không cao, tính bảo đảm và trách nhiệm của người tố cáo cũng không đến nơi, đến chốn. Bởi vì việc quản lý Nhà nước ta đối với các phương tiện này còn lỏng lẻo và chưa có một cơ chế quản lý tốt về sim, về tạo địa chỉ email v.v... Người ta có thể sẵn sàng sử dụng một sim nào đó hoặc một địa chỉ email nhất thời để tố cáo và hình thức này thì chúng ta đang trong giai đoạn vô thưởng, vô phạt. Thừa nhận hình thức này thì như đại biểu Nương đã phân tích, tôi cho rằng nếu chúng ta thừa nhận hình thức này thì e rằng sẽ tạo nên một sự phức tạp, bất lợi cho người có thẩm quyền xử lý, cơ quan xử lý và không khéo sa và nghi kỵ nội bộ và chính điều này nó sẽ dẫn đến tình trạng người tố cáo đối với người bị tố cáo thì người bị tố cáo khi tiếp nhận thông tin này thì người ta sẽ rơi vào tình trạng bị khủng hoảng về mặt tâm lý, bị ảnh hưởng về uy tín, danh dự, trách nhiệm. Nhưng việc xử lý thông tin và giải quyết tố cáo không tới nơi, tới chốn sẽ gây đến một hậu quả rất lớn về mặt tinh thần đối với người bị tố cáo. Hơn nữa tại Điểm a, Khoản 3, Điều 24 còn quy định khi nhận được tố cáo bằng điện thoại, thư điện tử, fax thì người tiếp nhận tố cáo phải tóm tắt nội dung tố cáo và báo cáo cho người có thẩm quyền để quyết định kiểm tra, xác minh tên, địa chỉ người tố cáo, nội dung tố cáo, người bị tố cáo và những thông tin có quản lý. Tôi cho rằng quy định như thế này rất khó khả thi. Vì người tiếp nhận đây là ai? Có đảm bảo khách quan hay không? Có tóm tắt đúng nội dung không? Đặc biệt là tiếp nhận điện thoại. Nếu người tố cáo điện thoại cho nhiều cơ quan, nhiều người thì giải quyết như thế nào? Đây là vấn đề rất khó. Vì vậy, tôi đề nghị không nên thừa nhận hình thức này.

Tôi cũng xin đề nghị tại Chương V, Điều 48 nên quy định rõ hơn về cơ chế bảo vệ cho người tố cáo như thế nào đó để giải quyết được thực trạng không còn tố cáo nặc danh như hiện nay. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan