Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy – TP Đà Nẵng

Thứ Sáu 10:11 19-11-2010

Tham gia góp ý vào dự thảo Luật tố cáo, tôi xin phát biểu ba nội dung. Nội dung thứ nhất là về thời hiệu tố cáo, nội dung thứ hai là về thẩm quyền giải quyết và điểm dừng trong tố cáo, nội dung thứ ba đó là bảo vệ người tố cáo.

Trước hết, về thời hiệu tố cáo, dự thảo luật mới chỉ quy định đến thời hiệu xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo tại Điều 26. Tại Khoản 4, Điều 24 quy định: tiếp nhận xử lý tố cáo có nội dung không rõ, xảy ra từ lâu, vậy thì từ lâu là bao nhiêu, từ khi nào. Tôi đề nghị nên quy định thời hiệu tố cáo mà không cần quy định thời hiệu xử lý với những lý do sau.

Thứ nhất, việc tố cáo không chỉ là quyền mà còn là trách nhiệm của công dân đối với xã hội, tố cáo góp phần ngăn chặn và phòng ngừa vi phạm pháp luật. Thực tế cho thấy lượng đơn thư thường gia tăng đột biến trong những dịp chuẩn bị bầu cử hay Đại hội Đảng, làm mất ổn định tình hình chính trị và quá tải cho cá nhân, cơ quan có thẩm quyền xử lý trong những dịp này, trong trường hợp này đa số vụ việc bị tố cáo đã xảy ra lâu rồi. Vậy động cơ, mục đích của việc tố cáo này là gì, nếu như không phải xuất phát từ động cơ cá nhân.

Tôi thiết nghĩ nếu họ thật sự có trách nhiệm với xã hội thì họ đã phải tố cáo ngay từ khi phát hiện ra hành vi vi phạm chứ không phải ẩn mình chờ đến dịp bầu cử hay Đại hội Đảng mới tố cáo. Chúng ta biết Bộ luật hình sự có tội danh không tố giác tội phạm, Bộ luật dân sự có quy định thời hiệu khởi kiện, do đó Luật tố cáo cũng cần phải có quy định về thời hiệu tố cáo, để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do hành vi vi phạm gây ra. Tôi lấy ví dụ, cũng một vị lãnh đạo đó nếu sớm phát hiện ra hành vi vi phạm thì có thể xử lý sớm để ngăn ngừa họ tiếp tục vi phạm và tất nhiên hậu quả xảy ra sẽ ít hơn rất nhiều. Mặt khác, nếu đã không quy định thời hiệu tố cáo thì cũng không nên quy định thời hiệu xử lý. Bởi vì khi công dân đã tố cáo và cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện có hành vi vi phạm thì phải xử lý, nếu không xử lý sẽ tạo sự bất bình trong dư luận, gây tâm lý bức xúc cho người tố cáo và làm giảm lòng tin của nhân dân vào pháp luật. Do đó tôi đề nghị luật cần phải có quy định về thời hiệu tố cáo và tôi đề xuất thời điểm tính thời hiệu tố cáo là 3 năm, kể từ khi người tố cáo phát hiện ra hành vi vi phạm.

Nội dung thứ hai, về thẩm quyền giải quyết và điểm dừng trong tố cáo. Dự thảo luật chưa quy định điểm dừng trong giải quyết tố cáo khiến cho việc tố cáo kéo dài và không biết bao giờ mới chấm dứt. Theo tôi việc giải quyết tố cáo cần qua hai cấp để bảo đảm khách quan và cũng để hạn chế việc tố cáo kéo dài, vượt cấp. Do thông thường tâm lý chung của người tố cáo là không mấy tin tưởng vào cấp giải quyết lần đầu bởi vì họ cho rằng người vi phạm và người giải quyết tố cáo cùng một cơ quan, người vi phạm lại là cấp dưới trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết thì có thể bao che cho nhau cho nên họ tiếp tục tố cáo lên cấp trên. Tại Khoản 3, Điều 31 dự thảo quy định: người tố cáo có căn cứ cho rằng việc giải quyết tố cáo không đúng pháp luật thì thủ trưởng cơ quan cấp trên có trách nhiệm xem xét giải quyết lại.

Trên thực tế đòi hòi điều này là quá khó khăn cho người tố cáo và cho dù không có căn cứ thì họ vẫn tiếp tục tố cáo vì tin tưởng cơ quan cấp trên sẽ gải quyết khách quan hơn, cho dù luật không quy định nhưng thủ trưởng cơ quan cấp trên vẫn phải xem xét để trả lời. Do đó tôi đề nghị nên quy định khoản này theo hướng nếu không đồng ý với kết luận của người có thẩm quyền giải quyết lần đầu thì người tố cáo có quyền tố cáo lên thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp của người giải quyết lần đầu và kết luận giải quyết của thủ trưởng cơ quan cấp trên trực tiếp là kết luận cuối cùng. Quy định như vậy vừa bảo đảm tính khách quan, vừa tạo điểm dừng cần thiết cho việc tố cáo, điều này theo tôi là hoàn toàn không có nghĩa là hạn chế quyền tố cáo của công dân.

Nội dung thứ ba, về bảo vệ người tố cáo. Chúng ta biết đối tượng tố cáo là rất rộng, đó là bất kỳ hành vi vi phạm pháp luật nào của bất kỳ ai. So với hành vi bị khiếu nại thì tính nguy hiểm của hành vi bị tố cáo thường ở mức độ cao hơn, nhưng tính công khai của nó lại thấp hơn bởi sự che đậy, ngụy trang tinh vi của người bị tố cáo. Còn mục đích của người đi tố cáo là xuất phát từ việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình mà cũng có thể là vì trách nhiệm với Nhà nước, với tập thể, với cộng đồng hoặc do nghĩa vụ phải tố cáo. Thực tế cho chúng ta thấy chủ thể tố cáo từ người dân bình thường cho đến người có chức, có quyền dù động cơ, mục đích tố cáo khác nhau nhưng đều là những người yếu thế, dễ bị rơi vào tình thế bất lợi, dễ bị người bị tố cáo trù dập, trả thù cho nên họ đều có chung tâm trạng là bất an, lo lắng và luôn đấu tranh tư tưởng khi mình thực hiện tố cáo, một quyền đã được Hiến pháp và pháp luật cho phép. Mặt khác, qua xử lý các vụ việc của cơ quan chức năng trong thời gian qua cho thấy phần lớn việc phát hiện vi phạm là do đài, báo đưa tin và những công dân dũng cảm tố cáo chứ bản thân nội bộ cơ quan phát hiện là rất hiếm. Có thể nói đây là nguyên nhân chủ yếu. Một nguyên nhân chủ yếu của thực tế trên chính là do người tố cáo chưa được bảo vệ. Vì thế điều quan trọng là bảo vệ người tố cáo thì mới khuyến khích tố cáo. Nếu thực sự bảo vệ được người tố cáo thì không xem xét, giải quyết tố cáo không rõ tên, địa chỉ người tố cáo. Theo pháp luật quy định thì người tố cáo được bảo vệ, nhưng thực tế ai sẽ bảo vệ họ, bảo vệ như thế nào, bảo vệ bằng cách gì. Đó là câu hỏi tôi nghĩ rằng chúng ta phải tìm câu trả lời. Tôi cho rằng nếu như chỉ quy định với 4 điều như Chương V của dự thảo luật thì khó mà bảo vệ được người tố cáo trong thực tế. Bởi vì chưa có cơ chế hữu hiệu để bảo vệ người tố cáo, để người bị tố cáo không thể biết được hoặc có biết được cũng không thể trù dập, trả thù họ được. Do đó tôi đề nghị cần rà soát, thiết kế lại chương này sao cho cụ thể hơn và mang tính khả thi, chí ít phải có những qui định như sau:

Thứ nhất, biện pháp bảo vệ bí mật thông tin về người tố cáo.

Thứ hai, ở đây chúng ta đặt ra là bảo vệ không chỉ bảo vệ tính mạng sức khỏe, tài sản của người tố cáo mà trong những trường hợp cần thiết phải bảo vệ cả người thân của họ. Ví dụ như vợ hoặc chồng, con, cha mẹ, bởi vì khó mà tránh khỏi vạ lây, do đó cũng cần thiết phải đặt ra và đồng thời cũng cần thiết phải đặt ra bảo vệ cả đối tượng là người cung cấp thông tin cho người tố cáo. Bởi vì có những trường hợp người bị tố cáo họ không cần biết ai là người đã đi tố cáo, nhưng họ biết một điều chắc chắn rằng thông tin đó chỉ có từ anh A mà ra thì chúng ta phải có biện pháp để bảo vệ anh A này.

Vấn đề thứ ba, về người có trách nhiệm bảo vệ người tố cáo, tôi nghĩ rằng trước hết chính là người tiếp nhận tố cáo, rồi đến chính quyền các cấp v.v... chứ không phải chỉ dừng lại ở cơ quan công an. Vì để bảo vệ người tố cáo có trường hợp sẽ phải sử dụng lực lượng phối hợp của nhiều ngành, nhiều tổ chức, thậm chí cả những biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ của các cơ quan chuyên môn nữa.

Vấn đề thứ tư, cũng cần qui định cụ thể một số biện pháp đặc biệt khẩn cấp tạm thời để áp dụng trong trường hợp cấp thiết nếu không thì "chờ được vạ má đã sưng".

Vấn đề thứ năm, phải đặt vấn đề ở đây là phương tiện cơ sở vật chất sử dụng để việc bảo vệ người tố cáo là những cái gì, lấy từ đâu ra v.v... như vậy dẫu biết rằng so sánh có thể là khập khiễng nhưng tôi thầm nghĩ rằng khi mà so sánh việc bảo vệ người tố cáo trong luật này với nạn nhân bạo lực gia đình tôi cho rằng chưa bằng việc bảo vệ nạn nhân bạo lực gia đình, dù người tố cáo ở vào tình thế bị nguy hiểm hơn nhiều. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan