Góp ý của Đại biểu Quốc hội Phạm Xuân Thường – Thái Bình

Thứ Hai 11:11 28-03-2011

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin có một số ý kiến phát biểu đóng góp ý kiến cho dự thảo luật như sau.

Trước hết, về vai trò của Viện kiểm sát tham gia tố tụng dân sự, tôi nhất trí với đại biểu phát biểu trước tôi về việc không nên giao cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn những việc nào cần tham gia thì tham gia, những việc nào không cần tham gia thì không tham gia, như vậy sẽ rất khó, nhưng nếu như để Viện kiểm sát tham gia tất cả thì cũng không cần thiết. Vì vậy tôi đề nghị chúng ta cần quy định rõ, đối với tố tụng dân sự có hai loại việc, một là việc dân sự và hai là vụ án dân sự, trong quy định chúng ta quy định Viện kiểm sát nhân dân chỉ tham gia đối với các vụ án dân sự còn các việc dân sự thì Viện kiểm sát thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp, không cần đưa tất cả các nội dung của các việc dân sự. Các việc dân sự thì hầu như đơn giản, rõ ràng, ví dụ như yêu cầu về thông báo tìm kiếm người vắng mặt, yêu cầu về hủy quyết định tuyên bố một người đã chết hay một người mất tích. Ví dụ ta ra quyết định tuyên bố một người đã chết nhưng sau đó họ trở về, những việc như vậy thì cũng không nhất thiết Viện kiểm sát phải tham gia phiên họp ấy và chỉ thông qua kiểm sát việc tuân theo pháp luật trên cơ sở hồ sơ là đủ. Như vậy vừa giảm việc cho Viện kiểm sát nhưng cũng rõ những việc mà Viện kiểm sát phải tham gia.

Nội dung thứ hai, sửa Điều 7 về trách nhiệm cung cấp chứng cứ của cá nhân, cơ quan, tổ chức, theo dự thảo có thêm hai ý. Một là cung cấp chứng cứ đúng thời hạn, thứ hai là cung cấp chứng cứ cho Viện kiểm sát. Hiện nay việc khó khăn nhất của tòa án đó là việc thu thập các chứng cứ, đặc biệt là từ các cơ quan, tổ chức và cá nhân, nếu chúng ta quy định như thế này thì chúng ta cũng không khắc phục được điều bất cập hiện nay đó là việc cung cấp chứng cứ của các cá nhân, các tổ chức cho tòa án là rất khó, nhất là đối với cá nhân. Ví dụ đến các tổ chức ngân hàng xin số dư tài khoản cũng rất khó cho nên bản thân cá nhân xin đã khó mà ngay cơ quan nhà nước xin cũng rất khó. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cần phải có chế tài cụ thể quy định trong luật để đảm bảo nâng cao trách nhiệm của người cung cấp chứng cứ cũng như tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, có như vậy mới khắc phục được điều bất cập hiện nay.

Nội dung thứ ba là về thẩm quyền của Tòa án đối với quyết định của cơ quan có thẩm quyền rõ ràng trái pháp luật. Tôi nhất trí cao với ý kiến của đại biểu Vượng, ở đây xin báo cáo với Quốc hội năm 1989 chúng ta đã đưa cái này vào trong pháp lệnh, nhưng thực tế thì chúng ta lại không thực hiện được và đến năm 2004 chúng ta bỏ nó ra, đến nay chúng ta lại đưa vào. Theo quan điểm của tôi ở đây là không nên đưa vào, còn trong trường hợp vẫn cứ đưa vào thì chúng tôi đề nghị cũng phải quy định rõ có 2 loại quyết định. Một quyết định là quy phạm pháp luật, còn một quyết định là áp dụng pháp luật, nếu như đưa vào chúng ta cũng sẽ quyết định cụ thể là các quyết định áp dụng pháp luật thì thuộc thẩm quyền của Tòa án được phép hủy nếu như trái pháp luật.

Về sửa Điều 92 về định giá tài sản, dự thảo của luật hiện hành thì giao cho Tòa án có thẩm quyền ban hành quyết định thành lập Hội đồng định giá và Tòa án làm Chủ tịch Hội đồng, nhưng trong dự thảo lần này chúng ta giao cho cơ quan tài chính là Chủ tịch Hội đồng xin báo cáo với Quốc hội một cái khó của các Tòa án hiện nay cũng là vấn đề định giá tài sản, các vụ án kéo dài và không đảm bảo về thời gian xét xử đang gây khó khăn cho các Tòa án, nếu như chúng ta quy định như thế này thì thực ra những cái khó khăn hiện tại không thể khắc phục được, bản thân Tòa án là Chủ tịch hội đồng chủ động trong công việc và chúng ta thực hiện cũng đã có rồi, bây giờ giao cho cơ quan tài chính mà cơ quan tài chính ở địa phương, trong cơ quan tài chính chỉ có 1, 2 người đảm đương nhiệm vụ này. Cho nên tôi cho rằng giao như vậy nó không đảm bảo, không khắc phục được khó khăn hiện nay, tôi đề nghị là chúng ta giữ nguyên theo quy định hiện hành và nâng cao trách nhiệm của những người tham gia Hội đồng định giá chứ không nên thay đổi Chủ tịch Hội đồng.

Ở Điều 288 về thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm trong quy định của chúng ta thì thời hạn để gửi đơn đề nghị Giám đốc thẩm là 1 năm và trong thời hạn kháng nghị là 3 năm và bây giờ chúng ta nâng lên là 2 năm thì theo quan điểm của tôi không nên nâng lên, bởi vì 1 năm đương sự khi không nhất trí với quyết định của Tòa án thì có quyền làm đơn đề nghị giám đốc thẩm trong thời hạn 1 năm và trong thời hạn 3 năm thì Tòa án đã tập trung để xem xét giải quyết các vụ án này theo đơn và kiểm tra giám đốc bình thường. Như vậy 3 năm tôi cho rằng đã quá đủ rồi mà bây giờ chúng ta kéo dài thêm 2 năm nữa thì thực sự không cần thiết. Đặc biệt những vụ án chúng ta kéo dài quá sau này khi chúng ta giải quyết thì hậu quả của nó lúc đó rất khó khăn, nhất là những vụ chúng ta đã thi hành án rồi thì rất khó. Chúng tôi đề nghị Quốc hội xem xét.

Về cơ chế kháng nghị, xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có sai lầm, vi phạm, chúng tôi hoàn toàn nhất trí cơ chế này. Cơ chế này khi chúng ta thông qua Luật tố tụng hành chính chúng ta cũng đã làm rồi. Đến bây giờ tôi nghĩ vấn đề này là phù hợp. Bởi trên thực tế có nhiều vụ án của chúng ta có sai phạm mà chúng ta không có cơ chế để giải quyết gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cũng như của Nhà nước. Ví dụ, một vụ án chúng tôi ở Ủy ban Tư pháp giám sát mới đây, ai cũng biết nó sai nhưng lại không có cơ chế thì đưa ra một cơ chế như thế này chúng tôi thấy hoàn toàn hợp lý. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan