Góp ý của Đại biểu Quốc hội Ngô Minh Hồng – TP Hồ Chí Minh

Thứ Hai 11:10 28-03-2011

Kính thưa Quốc hội,

Quy định của pháp luật tố tụng xác định vai trò của Viện kiểm sát cũng như cơ chế đặc biệt để xem xét lại các quyết định, bản án có hiệu lực pháp luật, đúng là đặc thù của Việt Nam. Như các vị đã nói "Việc dân sự cốt ở đôi bên" tòa án là cơ quan ở giữa cầm cân nảy mực để xác định lý thuộc về bên nào. Trong khi đó chúng ta lại có một cơ chế bên cạnh để giám sát trở lại tòa để xem tòa làm có đúng pháp luật hay không. Chúng ta lại có cơ chế như đại biểu Phúc nói tôi rất nhất trí.

Nhiều đại biểu đã phát hiểu trong các lần trước đây là công lý sẽ không có điểm dừng. Khi chúng ta giải quyết vai trò Viện kiểm sát như thế nào, vai trò của Ủy ban Pháp luật, vai trò của Ủy ban thường vụ Quốc hội như thế nào thì chúng ta sẽ thấy mức độ nhân dân chạy ra Trung ương, chạy lên tòa án tối cao, chạy ra Ủy ban Pháp luật v.v.... sẽ rất nhiều. Chúng tôi nghĩ đây là việc cần cân nhắc khi xác định. Đúng là chúng ta bảo vệ quyền lợi của người dân, bảo vệ bản án rõ ràng trái pháp luật hoặc nó có tình tiết mới. Nhưng nếu như thế này chúng tôi thấy rất đáng sợ. Trong dân gian người ta vẫn không nghĩ rằng bản án phúc thẩm là bản án có hiệu lực thi hành, đó là cái nguy hiểm trong tâm lý người dân và họ sẵn sàng chạy ra Hà Nội để lên tòa án tối cao, bây giờ lại có thêm Ủy ban Tư pháp, có thêm Ủy ban thường vụ Quốc hội. Tôi thấy ý kiến của đại biểu Phúc rất xác đáng.

Nói về vai trò của Viện kiểm sát trong việc tuân theo pháp luật tố tụng chúng tôi nghĩ đặc thù của chúng ta và với vai trò của Viện kiểm sát hiện nay, kết luận của Bộ chính trị vẫn nói rằng Viện kiểm sát giữ quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng. Theo tôi chúng ta nên dừng ở đó. Trong dự thảo thì thấy không rõ, có lúc chúng ta nói rằng là kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng, hoạt động tố tụng tức là ở đây ta xác định về mặt thủ tục, về mặt trình tự đảm bảo quyền của các bên, thu thập chứng cứ, rồi có được nói hay không được nói trong phiên tòa. Có nhiều người dân người ta nói rằng đây là phiên tòa dân sự nhưng mà tôi bị vị thẩm phán đó xác định giống như là một tội phạm ở trong một tòa hình sự vậy, là cũng bị quát nạt, cũng bị la lối v.v... đấy là điều rất đáng nói nếu như có Viện kiểm sát chắc là nó cũng có khác. Nhưng mà để Điều 314 nói là: phát biểu về việc giải quyết việc dân sự. Chúng tôi nghĩ rằng vai trò của Viện kiểm sát trong việc giám sát hoạt động tố tụng là cần thiết nhưng ở đây cần phải làm rõ xem là tố tụng hay phát biểu cả về quan điểm, về nội dung. Theo tôi nghĩ rằng vai trò của Viện kiểm sát nên dừng ở chỗ xem xét về mặt là cơ quan tố tụng đó có đảm bảo các thủ tục trình tự, đảm bảo pháp luật về tố tụng hay không? Bởi vì trong quá trình thực hiện nếu chúng ta đảm bảo về pháp luật, về tố tụng thì chúng ta cũng đi rất gần đến với công lý.

Điểm thứ hai, về quyền của tòa án đối với quyết định của cơ quan, tổ chức khác thì chúng tôi nghĩ rằng đây là một quyết định hết sức cần thiết, nhưng nếu như nó đưa vào trong thực tiễn thì rất rối, ngay cả trong các quyết định hành chính thôi nhưng tòa giải quyết đánh giá một quyết định hành chính là trái pháp luật thì cũng không phải đơn giản, rất rối chuyện này. Cho nên tôi nghĩ rằng, muốn thực hiện được điều này phải nâng cao trình độ thẩm phán, thẩm phán phải có bản lĩnh, phải có năng lực. Cho nên chúng tôi cũng đề nghị cân nhắc khi chúng ta đưa những điều này vào.

Ngoài ra tôi có một số ý kiến khác, ví dụ như Điều 25 và Điều 26 ở Khoản 12 là nói về thẩm quyền của tòa án ở trong việc tranh chấp thẩm quyền của tòa án về giải quyết yêu cầu thì những khoản cuối đều là khoản quét đều có nói rằng các tranh chấp khác về dân sự mà pháp luật có qui định. Chúng tôi nghĩ rằng điều này nó hơi nguy hiểm và chúng ta nên để các kênh tranh chấp khác hoặc các yêu cầu khác về dân sự, chứ còn nói như thế này thì có rất nhiều vị thẩm phán chỉ chăm chăm vào Luật tố tụng thôi. Chúng tôi nói khi có Luật công chứng ra đời thì các vi phạm về các hoạt động công chứng thì khi mà yêu cầu hủy thì tòa cũng không có hoàn toàn không thụ lý, bởi vì thấy rằng tòa tối cao chưa hướng dẫn thế này, thế nọ, thế kia. Chúng tôi nghĩ rằng trong đời sống có rất nhiều yêu cầu, có rất nhiều dạng tranh chấp mà có thể pháp luật chúng ta chưa bao hàm được hết thì chúng ta không nên để khi pháp luật có quy định. Lúc đó thẩm phán chỉ đi xem lúc nào pháp luật quy định thì thẩm phán mới thụ lý vụ án, việc này trong thực tiễn của chúng ta đang diễn ra, đặc biệt khi chúng ta phát triển kinh tế thị trường thì thực sự có rất nhiều loại tranh chấp, rất nhiều loại yêu cầu mà pháp luật không thể quy định hết được cho nên tôi đề nghị bỏ cụm từ "mà pháp luật có quy định".

Tiếp theo, một điều chúng tôi cũng rất quan tâm là Điều 339a về vấn đề công chứng có vi phạm pháp luật, trong rất nhiều trường hợp công chứng không vi phạm pháp luật nhưng vì người ta gian dối, người ta làm giấy tờ giả, đây là một giao dịch vi phạm pháp luật, không phải công chứng vi phạm pháp luật. Tôi đề nghị vấn đề này chúng ta nên viết rộng ra để đảm bảo quy định chặt chẽ.

Một vấn đề nữa về tranh chấp thời hiệu, trong Điều 159 chúng tôi rất đồng ý với báo cáo giải trình, tuy nhiên ở Khoản 3 quy định tranh chấp về sở hữu, về chiếm hữu như trong này là rộng quá không chừng lại làm vô hiệu hóa thời hiệu 2 năm kể từ khi biết việc tranh chấp đó. Ví dụ như biết được nhà bên cạnh được cấp giấy sở hữu mà xâm phạm quyền bên này, nhưng cứ để im, khi quá 2 năm rồi cũng hoàn toàn không có ý kiến gì, đến một lúc nào đó, mấy chục năm sau mới có ý kiến, chúng tôi nghĩ việc này rất khó. Do vậy Khoản 3, khi đã có tranh chấp tôi nghĩ rằng trừ khi có những việc hiển nhiên mà chúng ta không xác định được thời điểm biết hoặc không thể xác định được khi nào thì xâm phạm, còn nếu đã có tranh chấp thì chúng ta phải biết việc bị vi phạm để chúng ta xác định thời hiệu. Về những vấn đề nhân thân, xác định một người đã chết hay một người bị mất năng lực hành vi v.v... ở Khoản 4 tôi rất nhất trí.

Trên đây là một số ý kiến của tôi, xin hết. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan