Góp ý của đại biểu Quốc hội Võ Thị Thuý Loan – Tiền Giang

Thứ Hai 09:16 02-11-2009


Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Luật giáo dục ban hành mới có hiệu lực hơn 3 năm mà phải sửa đổi thì thật là buồn. Thật ra đã phát hiện bất cập ngay khi ban hành và lần sửa đổi này nhìn vào phạm vi điều chỉnh của luật nhiều ý kiến cho rằng Luật giáo dục cũng chưa giải quyết được vấn đề căn cơ của giáo dục. Có lẽ sự kỳ vọng của mọi người quá nhiều đối với sự nghiệp trồng người của đất nước và điều này đã gây áp lực cho người đứng đầu ngành giáo dục. Tuy nhiên, theo tôi trách nhiệm không chỉ ở ngành giáo dục, Quốc hội cũng phải chia sẻ phần trách nhiệm. Do đó kính đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung thêm một số vấn đề mà lâu nay xã hội rất bức xúc, bức xúc mà chưa được giải quyết triệt để.

Riêng về nội dung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục mà Chính phủ trình tại kỳ họp này tôi xin phép có một số ý kiến như sau.

Một, về điều kiện thành lập nhà trường và cho phép hoạt động giáo dục. Dự thảo luật tách thành 2 khâu: thành lập nhà trường và cho phép hoạt động là phù hợp và nên như vậy. Vì 2 khâu này nhập chung như trước đây cơ sở đào tạo dễ qua mặt Bộ chủ quản. Tuy nhiên, trong dự luật quy định 2 khâu này quá chung chung và điều này đã không thuyết phục được nhiều đại biểu, bởi vì "đồng bạc đâm toạc tờ giấy" thì càng nhiều khâu càng chết. Do đó để cho đại biểu được yên tâm hơn luật cần phải quy định hết sức chặt chẽ và công khai về tiêu chuẩn, về hồ sơ hợp lệ đối với từng khâu. Có như vậy thì bất cứ trường nào thỏa mãn những tiêu chuẩn đã quy định thì mới được thành lập và hoạt động.

Trên cơ sở đó tôi đề nghị Ban soạn thảo nên rà soát và đưa vào luật những nội dung có liên quan của Nghị định 75 và Quyết định số 07, đồng thời quy định rõ hình thức thể hiện sự cho phép hoạt động giáo dục là gì, giấy phép hay giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động giáo dục. Mặt khác, trong luật cũng cần phải phân biệt rõ những trường hoạt động theo nguyên tắc bất vụ lợi và những trường hoạt động theo nguyên tắc vụ lợi nhằm mục đích kinh doanh. Bởi vì theo Luật đầu tư thì giáo dục là lĩnh vực ưu đãi đầu tư, cho nên khi thực hiện chính sách đối với nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục, những trường nào hoạt động theo nguyên tắc bất vụ lợi thì mới được ưu đãi về thuế, về tài chính, đất đai và các ưu đãi khác, đặc biệt là các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.

Hai là, về thẩm quyền thành lập và cho phép thành lập trường học, tôi đồng ý với quan điểm cho rằng việc giao quyền ra quyết định thành lập cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, không nhất thiết phải giao cho Thủ tướng Chính phủ ra quyết định mới đủ trách nhiệm. Bởi vì khi Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo ký quyết định thành lập trường đại học thì cũng phải căn cứ vào những điều kiện và thủ tục thành lập hết sức nghiêm ngặt của văn bản quy phạm pháp luật do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nếu Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo ký sai thì phải chịu trách nhiệm, còn nếu giữ thẩm quyền quyết định thuộc Thủ tướng Chính phủ như hiện nay thì theo quy trình vẫn phải qua thẩm định, tham mưu của Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo, trên thực chất Thủ tướng chỉ là người ký mà thôi, nếu có vi phạm xảy ra thì không biết quy trách nhiệm cho ai vì hiện nay có nhiều bộ tham gia thẩm định.

Hơn nữa hoạt động quản lý Nhà nước về giáo dục không chỉ là cơ chế tiền kiểm, vì về mặt pháp lý, sự ra đời của một trường đại học còn là một cơ chế hậu kiểm được thực hiện bởi nhiều cơ quan khác nhau, quản lý nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó tiền kiểm chủ yếu là do Bộ giáo dục và đào tạo thực hiện, hậu kiểm là chức năng cơ bản của các cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương, vì chính các cơ quan này có nhiệm vụ thực hiện quản lý Nhà nước đối với trường đại học trong lĩnh vực được phân công phụ trách.

Ngoài ra tại Điều 50 của luật quy định: quyết định thành lập đối với trường công lập và cho phép thành lập đối với trường dân lập và tư thục. Như vậy hai thủ tục thành lập trường này là không giống nhau, do vậy đề nghị bổ sung những thủ tục cơ bản về việc thành lập và cho phép thành lập đối với các loại hình trường đã nêu. Do đó về mặt kỹ thuật tôi đề nghị bổ sung vào đoạn cuối Điều 51 cụm từ "thủ tục cho phép thành lập" ngay sau "thủ tục thành lập".

Ba là, về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa, tôi thiết nghĩ nên ổn định chương trình sách giáo khoa phổ thông, luật hóa việc thay sách giáo khoa ít nhất là sau 10 năm mới được thay. Bởi vì ý nghĩa của chương trình sách giáo khoa rất quan trọng, chương trình là cốt lõi nền học vấn, sách giáo khoa là tài liệu mang tính chuẩn mực rất cao. Chương trình sách giáo khoa phải là chương trình khoa học cấp quốc gia do các nhà khoa học có uy tín và có kinh nghiệm thực tiễn biên soạn. Sau khi tham khảo ý kiến của nhiều cử tri, trong điều kiện của nước ta hiện nay thì Bộ giáo dục và đào tạo nên ban hành chương trình chuẩn. Nhiều nhà xuất bản tổ chức viết để cùng cạnh tranh, Bộ giáo dục và đào tạo duyệt và cho phép lưu hành một bộ sách giáo khoa.

Bốn là, về chương trình giáo dục nghề nghiệp. Tôi đề nghị xem lại chương trình đào tạo nghề sao cho liên thông được với chương trình đào tạo chuyên nghiệp khác, giúp cho người học có cơ hội học tập nâng cao trình độ, nên thống nhất một đầu mối quản lý Nhà nước về giáo dục và đào tạo là Bộ giáo dục và đào tạo.

Năm là, về cán bộ quản lý giáo dục, không chỉ bổ sung về khái niệm mà luật nên bổ sung quy định tiêu chuẩn đối với cán bộ làm nhiệm vụ lãnh đạo quản lý giáo dục. Tôi thiết nghĩ cán bộ quản lý giáo dục rất cần đào tạo, đây là một ngành, cũng như toán, lý v.v... chúng ta có thể tuyển từ một học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng nếu là lãnh đạo mà chưa có bằng, ít nhất là đại học quản lý thì phải qua đào tạo đại học quản lý. Tôi xin hết ý kiến, xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan