Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Tiên – Tiền Giang

Thứ Sáu 10:20 19-11-2010

Kính thưa Chủ tọa đoàn.

Kính thưa Đại biểu Quốc hội.

Tôi nhất trí với Báo cáo và Tờ trình của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, tôi xin phát biểu một số vấn đề cụ thể.

Thứ nhất là về vấn đề thư nặc danh. Tôi nhất trí với ý kiến là chúng ta không giải quyết ngay. Tuy nhiên, tôi cũng nhất trí với một số đại biểu là chúng ta phải ghi một câu như thế nào đó là đây là tài liệu giúp cho việc quản lý của các cơ quan Nhà nước hoàn thiện hơn, vì ở đây có rất nhiều thông tin hữu ích. Bây giờ chúng ta bác hẳn một câu là không giải quyết, không nói thêm gì nữa thì tôi thấy không hợp lý lắm. Đề nghị thiết kế thêm một khoản nào đó để làm tài liệu nghiên cứu, phục vụ cho các cơ quan trong việc quản lý cán bộ của mình giống như đại biểu Châu đã phát biểu.

Vấn đề thứ hai là vấn đề giải quyết các đơn tố cáo thông qua con đường email, tin nhắn, điện thoại. Tôi nghĩ rằng việc quan trọng nhất là chúng ta xác định được danh tính, còn việc gửi email, điện thoại thì đây là phương tiện vì chúng ta đã có Luật giao dịch điện tử. Chúng ta khuyến khích giao dịch tất cả các thứ mà bây giờ lại không giải quyết bằng con đường email nữa thì tôi thấy không hợp mà vấn đề cơ bản là ai là người gửi email đó. Vì vậy, tôi nghĩ quy định như dự thảo là phù hợp.

Vấn đề thứ ba, đây là vấn đề rất lớn, kể cả trong Luật khiếu nại và trong tố cáo trong Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo của Ủy ban Pháp luật thẩm tra thì không nói đến vấn đề này. Thực tế hiện nay có một số người đi khiếu nại, đi tố cáo là bị cơ quan đó quy là tâm thần, đưa ra Hội đồng giám định nói là bị tâm thần và đem nhốt vào một chỗ hay thế nào đó. Trên thực tế qua các hội thảo về sức khỏe tâm thần thì chúng tôi thấy có một tỷ lệ đáng kể những người đi tố cáo cũng có những biểu hiện về sức khỏe tâm thần. Vậy thì chúng ta quy định làm thế nào để bảo vệ được những người tố cáo không bị cơ quan tố cáo quy chụp là bị tâm thần, làm thế nào quy định các cơ quan có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo xác định đó là những người tâm thần họ đừng viết đơn nhiều nơi quá. Thực tế có rất nhiều vụ đã đưa lên báo như vụ Cao su Đồng Nai cách đây 20 năm, một đồng chí Phó giám đốc có liên quan sau này bị tâm thần rất nặng. Vì vậy, trong Luật này cũng như trong Luật khiếu nại có nói gì đến vấn đề này không, tôi xem có mỗi một câu là: "Trưng cầu giám định" nói chung chung như vậy rất khó. Trong Báo cáo tổng kết của Chính phủ về Luật khiếu nại, tố cáo nên tìm ra tỷ lệ là bao nhiêu, nếu không để những người này gây ra rất nhiều vấn đề rắc rối. Đây là dự thảo luật thảo luận lần đầu, tôi đề nghị Ban soạn thảo, Ủy ban pháp luật nghiên cứu thiết kế một số khoản giải quyết vấn đề này.

Vấn đề cuối cùng, thực tế hiện nay xã hội ta đang chuyển đổi cơ chế rất nhanh, một số vấn đề nay đúng, mai sai, ngày kia lại đúng, thực tế việc giải quyết thường là cắt khúc theo cấp tỉnh, rất nhiều chủ trương mới, có những chủ trương thành phố này áp dụng rất tốt, rất năng động, hiệu quả nhưng tỉnh kia áp dụng lại rất chặt chẽ. Cho nên cùng một vấn đề xảy ra ở thành phố không làm sao cả, coi là năng động nhưng xảy ra ở tỉnh kia lại bị phạm tội. Vậy chúng ta quy định trong Điều 45 trách nhiệm của cơ quan giải quyết vấn đề này như thế nào, trách nhiệm của các Bộ, ngành liên quan đến chủ trương mới này như thế nào, chứ không thể các bộ, ngành những vấn đề mới thì thành tích còn địa phương làm chặt quá thì cán bộ ở địa phương đó chịu. Trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc tham mưu giúp các tỉnh và trách nhiệm của các cơ quan của các tỉnh này đối với những vấn đề còn tranh chấp như vậy thì phải xin ý kiến các Bộ, ngành như thế nào thì trong này các đồng chí không nói gì đến. Thực tế chúng tôi đã thấy xảy ra ở một số tỉnh là ở tỉnh có môi trường pháp lý rất chặt thì các đồng chí năng động là rất dễ bị sa vào vòng lao lý. Vậy thì chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng như Ủy ban pháp luật nên nghiên cứu thiết kế để làm thế nào phát huy được những yếu tố năng động để nó phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước đừng để cho những đồng chí năng động ở các tỉnh quản lý chặt thì bị rơi vào vòng lao lý. Báo cáo với Quốc hội, tôi xin có một số ý kiến như thế, xin hết.

Các văn bản liên quan